Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường thì việc điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt là rất quan trọng, thậm chí còn hơn cả thuốc điều trị. Chính vì vậy đôi khi việc kiểm soát đường huyết chặt chẽ quá thì lại thường xuyên tạo ra áp lực chính cho bản thân. Theo nghiên cứu, người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với người bình thường và người bị trầm cảm cũng có thể dẫn đến tăng đường huyết từ đó gây ra những biến chứng đái tháo đường. Chính vì vậy bệnh đái tháo đường và trầm cảm có mối quan hệ chặt chẽ, ảnh hưởng lẫn nhau dẫn đến biến chứng hoặc tử vong ở người bệnh. Bài viết này giúp cho bệnh nhân phần nào hiểu được sự tác động qua lại cũng như mối liên quan giữa bệnh đái tháo đường và trầm cảm.
1. Mối liên quan giữa bệnh đái tháo đường và trầm cảm
Một số nghiên cứu đã chỉ ra người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị trầm cảm gấp đôi những người bình thường, chiếm khoảng 26%. Và ngược lại nếu bị mắc bệnh trầm cảm người bệnh có nguy cơ cao tới 60% mắc đái tháo đường type 2.
Nếu bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường sẽ khiến người bệnh căng thẳng hơn, dẫn đến nguy cơ trầm cảm.
Bệnh đái tháo đường nếu không kiểm soát chặt chẽ, điều trị tốt mà đường máu vẫn cao thì dẫn tới nhiều biến chứng cho bệnh nhân như gia tăng các bệnh về mắt, tim, thận, thần kinh.
Người mắc bệnh trầm cảm thường có tư tưởng tiêu cực, lười vận động, ăn uống không hợp lý, tăng cân sẽ gây nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và việc can thiệp điều trị cho bệnh nhân cũng khó khăn hơn.
2. Dấu hiệu trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường
- Luôn trong trạng thái rầu rĩ, buồn bã, không còn hứng thú với mọi thứ xung quanh.
- Nóng giận thất thường, cáu kỉnh.
- Thay đổi giấc ngủ, mất ngủ, thức dậy sớm, có khi ngủ nhiều kể cả ngủ ngày.
- Thay đổi thói quen ăn uống, ăn ít hoặc ăn nhiều hơn bình thường, tăng cân nhanh.
- Khó tập trung làm việc gì.
- Mất sức sống, đầu óc căng thẳng, cảm giác mệt mỏi.
- Luôn có cảm giác tội lỗi, oán trách, thất vọng bản thân, suy nghĩ tiêu cực.
- Tự tử, luôn có suy nghĩ và hành vi tự tử, làm đau, tổn thương cơ thể.
Khi thấy người bệnh có những dấu hiệu kể như trên thì cần tư vấn và đưa tới bệnh viện sớm để khám chuyên khoa thần kinh hay tâm thần. Bác sĩ sẽ dựa trên những triệu chứng và hành vi bất thường để chẩn đoán mức độ trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường.
Để điều trị trầm cảm bệnh nhân cần được bác sĩ được tư vấn, hoặc tâm lý trị liệu, đặc biệt khi kết hợp với điều trị bằng thuốc có thể giúp kiểm soát được chứng trầm cảm.
3. Làm thế nào để điều trị trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường ?
- Tìm nguyên nhân gây trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường ?
- Điều trị bằng thuốc.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin norepinephrine.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng làm tăng nồng độ các chất giúp các tế bào thần kinh liên lạc với nhau trong não.
- Thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine and dopamine
- Tác dụng phụ của mỗi loại thuốc chống trầm cảm cho bệnh nhân mắc tiểu đường thường không có hoặc dễ dàng xử lý.
- Để giúp cơ thể bệnh nhân làm quen với thuốc, bác sĩ có thể bắt đầu với một liều nhỏ rồi từ từ tăng liều lên.
- Cải thiện sức khỏe bằng cách cho bệnh nhân đi lại, tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng.
- Chế độ ăn uống khoa học.
- Thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với người bệnh.
4. Làm thế nào để phòng ngừa mắc bệnh trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường?
- Bỏ hút thuốc lá, sử dụng chất có cồn, chất kích thích.
- Luôn giữ tư tưởng thoải mái, lạc quan.
- Duy trì luyện tập thể dục thể thao.
- Hãy chia sẻ với người thân trong gia đình, bác sĩ những khó khăn của bản thân để được giúp đỡ.
- Nếu thấy những thay đổi bất thường ở cơ thể, cần báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nếu bạn bị tiểu đường, hãy theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm như: mất hứng thú với các hoạt động bình thường, cảm giác buồn bã hoặc thất vọng, các vấn đề thể chất không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.