Mối liên hệ giữa căng thẳng (stress) và ung thư

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Stress là tình trạng tâm lý phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Ở cường độ thấp, căng thẳng tâm lý giúp con người có thêm động lực thích ứng với môi trường. Tuy nhiên, khi căng thẳng kéo dài, nó có thể gây nguy hại tới sức khỏe, đặc biệt là khiến bệnh ung thư hình thành và tiến triển nhanh hơn.

1. Căng thẳng tâm lý là gì?

Căng thẳng (stress) mô tả tình trạng con người đang chịu áp lực về tinh thần, cảm xúc. Nếu con người phải trải qua tình trạng căng thẳng tâm lý ở mức độ cao trong thời gian dài thì nó có thể phát triển thành các vấn đề sức khỏe tinh thần hoặc thể chất.

2. Mối quan hệ giữa căng thẳng và ung thư

Stress được công nhận là một yếu tố có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư. Thậm chí, có một số bằng chứng còn cho thấy stress làm giảm hiệu quả điều trị ung thư.

2.1 Căng thẳng làm tăng nguy cơ mắc ung thư

Các nhà khoa học không khẳng định stress gây ung thư. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng kéo dài có thể gây suy yếu hệ miễn dịch, gây ra các tình trạng bệnh lý khác và làm suy giảm sức khỏe, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị stress mãn tính thường gặp vấn đề về tiêu hóa, khả năng sinh sản, tiết niệu và suy yếu hệ thống miễn dịch. Nhóm người này cũng dễ bị nhiễm virus như cúm hoặc đau đầu, khó ngủ, lo âu, trầm cảm,...

Sự liên hệ giữa căng thẳng tâm lý và bệnh ung thư có thể phát sinh trong một số trường hợp. Ví dụ: người bị stress thường phát triển những hành vi nhất định như hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn quá nhiều, ít vận động,... làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này cũng thường có chất lượng cuộc sống kém hơn khi điều trị ung thư.

2.2 Căng thẳng đẩy nhanh tốc độ di căn ung thư

Qua thực nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu của Úc đã chứng minh tình trạng căng thẳng mãn tính có thể tạo ra những biến đổi sinh lý, khiến tế bào ung thư di căn nhanh tới các cơ quan trên cơ thể. Cụ thể: Adrenalin – chất dẫn truyền thần kinh do tình trạng căng thẳng tạo ra làm tăng số lượng và kích thước các mạch bạch huyết trong và xung quanh khối u, làm tăng tỷ lệ dòng chảy qua hệ thống mạch bạch huyết, đẩy tế bào ung thư đi khắp cơ thể.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu của Mỹ cũng khẳng định stress làm phát tán tế bào ung thư theo nhiều cách khác. Cụ thể: các nội tiết tố do stress tạo ra làm bất hoạt quá trình anoikis (quá trình tiêu diệt và ngăn ngừa sự lây lan của tế bào ung thư). Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng mãn tính cũng thúc đẩy sản xuất các yếu tố tăng trưởng làm tăng nguồn cấp máu, làm tăng tốc độ phát triển của khối u ác tính.

2.3 Ung thư gây căng thẳng

Bệnh ung thư và tình trạng căng thẳng kéo dài có mối liên hệ qua lại. Căng thẳng có thể dẫn tới ung thư, và bệnh nhân ung thư cũng thường bị căng thẳng, lo âu, mệt mỏi,... Khi được chẩn đoán mắc ung thư, hầu hết bệnh nhân đều bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực. Người bệnh ung thư bị stress kéo dài, buồn bã, tuyệt vọng,... sẽ không có sức chống chọi trước các đợt hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật. Tình trạng căng thẳng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, cơ hội chữa khỏi hoặc cơ hội kéo dài tuổi thọ,... của bệnh nhân.


Bệnh nhân ung thư bị căng thẳng thường lo âu, mệt mỏi
Bệnh nhân ung thư bị căng thẳng thường lo âu, mệt mỏi

3. Bí quyết giảm stress cho bệnh nhân ung thư

Những thay đổi nhỏ trong lối sống có thể làm giảm căng thẳng, mệt mỏi. Đó là:

Tránh các xung đột về thời gian biểu: hãy sử dụng bảng kế hoạch theo ngày hoặc lịch trực tuyến để sắp xếp các hoạt động hằng ngày. Mỗi người không nên thiết lập quá nhiều công việc trong ngày hoặc tuần, nhất là các công việc cần nhiều thời gian giải quyết,... để tránh mệt mỏi, căng thẳng.

  • Biết rõ giới hạn năng lực bản thân: nên từ chối nhận thêm việc nếu không đủ thời gian, sức khỏe.
  • Nhờ tới sự giúp đỡ: để đối phó với căng thẳng, bệnh nhân có thể nhờ tới sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
  • Thay đổi thái độ với mọi việc: yếu tố gây căng thẳng có thể đến từ một công việc mà người bệnh không thể kiểm soát. Vì vậy, người bệnh nên giữ tâm lý thoải mái hơn, nghĩ về mặt tích cực để hạn chế những suy nghĩ tiêu cực.
  • Nhờ tới sự trợ giúp về tài chính: bệnh nhân ung thư hoặc người đang bị căng thẳng kéo dài nên tham khảo các chế độ bảo hiểm,... để xử lý các vấn đề tài chính liên quan tới ung thư và có phương án tiết kiệm chi phí khi điều trị bệnh.
  • Tập thể dục thường xuyên: đi bộ 30 phút/ngày và duy trì 6 ngày/tuần sẽ giúp giảm bớt căng thẳng. Tập thể dục trong công viên hoặc các môi trường thiên nhiên sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bệnh nhân.
  • Tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội: người bệnh nên dành thời gian giao tiếp với gia đình và bạn bè để giảm bớt stress.
  • Ăn uống khoa học: việc duy trì một chế độ ăn uống khoa học và nghỉ ngơi hợp lý giúp người bệnh có nhiều năng lượng hơn để đối mặt với những yếu tố stress xảy ra hằng ngày.
  • Ngủ đủ giấc: người bệnh ung thư nên ngủ tối thiểu 7 tiếng mỗi tối và có những giấc ngủ ngắn trong ngày để cơ thể khỏe mạnh hơn, giảm căng thẳng thần kinh.
  • Dành thời gian thư giãn: bệnh nhân ung thư nên dành thời gian làm những việc mà mình yêu thích như đọc sách, nghe nhạc, xem phim, trồng hoa, may vá,... Tiếng cười giúp giải tỏa stress nên người bệnh được khuyên nên xem các bộ phim hài hoặc đọc các quyển sách có nội dung vui nhộn, tích cực.
  • Thử nghiệm một thử thách mới: tham gia một lớp học về nghệ thuật hoặc tập chơi một loại nhạc cụ giúp mang lại cho người bệnh ung thư cảm giác thỏa mãn và giúp họ quên đi những lo lắng đời thường.
  • Các giải pháp khác: tập thư giãn và hít thở sâu, thư giãn cơ bắp, thiền, yoga,...

Tập yoga giúp tinh thần thư giãn
Tập yoga giúp tinh thần thư giãn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe