Mỏi cơ hàm mặt, phải làm thế nào?

Mỏi cơ hàm mặt là hiện tượng phổ biến nhiều người gặp phải. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bị loạn khớp hàm. Vì vậy cần xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng, từ đó tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

Mỏi cơ hàm miệng thường thấy nhất bao gồm đau ở bên trong hoặc xung quanh vùng tai, cảm giác bị cứng quai hàm, đau mỏi khi nhai thức ăn hoặc thậm chí còn gây nhức đầu. Có nhiều nguyên nhân gây ra những cơn đau ở vùng cơ hàm mặt, vì vậy để chẩn đoán một cách chính xác, bác sĩ sẽ cần khám tổng quát, chỉ định chụp X-quang nha khoa để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng mỏi cơ hàm, từ đó đưa ra chính xác phương án điều trị thích hợp.

1. Triệu chứng của mỏi cơ hàm mặt

  • Cảm giác ê ẩm, mỏi hoặc cứng hàm
  • Gây khó chịu khi nhai thức ăn
  • Khớp hàm bị cứng, khi há miệng hoặc khép miệng lại cảm giác bị cứng, đau hoặc khó khăn
  • Cảm giác đau nhức lan tới cả vùng tai.

2. Mỏi cơ hàm mặt, phải làm thế nào?

Nếu trong trường hợp chỉ mỏi cơ hàm mức độ nhẹ hoặc cơn đau quai hàm không kéo dài, có thể chưa cần phải đi khám ngay. Thay vào đó, có thể thay đổi thói quen hàng ngày và áp dụng những cách làm đơn giản sau để giúp giảm đau:

  • Giảm áp lực lên cơ quai hàm: Nên ăn những thức ăn mềm, cắt thực phẩm thành những miếng nhỏ. Không nên ăn những loại thực phẩm có tính dai, dẻo như kẹo cao su, đồ cứng như đá hay sụn,... bởi khi ăn những đồ ăn này sẽ cần phải dùng nhiều lực ở răng và cơ hàm miệng, từ đó tạo áp lực sẽ gây mỏi cơ hàm mặt.
  • Tránh nhai thức ăn chỉ ở một bên, thay vì đó nên nhai đều cơ hàm 2 bên.
  • Nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
  • Tập căng duỗi và mát xa quai hàm. Nên gặp bác sĩ nha khoa hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập căng duỗi và cách tự mát xa cơ quai hàm tại nhà.
  • Nếu tình trạng mỏi cơ hàm kéo dài gây khó chịu, hãy chườm nóng hoặc chườm đá lạnh lên vùng hàm bị đau để giúp làm giảm cơn đau.
  • Chườm nóng vùng hàm bị mỏi. Nhiệt độ nóng sẽ giúp thư giãn cơ bắp, từ đó giảm cảm giác đau và cứng khớp hiệu quả.
  • Chườm lạnh nếu tình trạng mỏi cơ hàm kéo theo bị sưng, viêm.

Tập căng duỗi, mát xa hàm có thể giúp bạn cải thiện tình trạng mỏi cơ hàm
Tập căng duỗi, mát xa hàm có thể giúp bạn cải thiện tình trạng mỏi cơ hàm
  • Dùng ngón trỏ và ngón giữa, từ từ nhấn vào khu vực cơ hàm bị mỏi và xoa bóp nhẹ nhàng theo chuyển động tròn khoảng 5 – 10 vòng rồi cử động miệng. Lặp lại nhiều lần sẽ giúp giảm tình trạng mỏi cơ hàm.
  • Nếu có thói quen nằm nghiêng sang một bên hoặc hay đặt tay dưới hàm khi ngủ thì nên thay đổi thói quen này. Bởi với tư thế ngủ này có thể gây áp lực lên cơ hàm, dẫn đến tình trạng ê mỏi cơ.
  • Dùng thuốc: Sử dụng thuốc giảm đau chỉ sử dụng khi tình trạng mỏi cơ hàm đi kèm tình trạng đau. 1 số loại thuốc giúp giảm đau mà không cần kê đơn như: Paracetamol, ibuprofen,...
  • Nếu tình trạng mỏi cơ hàm mặt kéo dài, mỗi khi hoạt động cơ miệng có tiếng “cạch” ở hàm thường xuyên, có thể đây là dấu hiệu của loạn năng khớp thái dương hàm. Vì vậy, khi thấy bất thường ở hàm, bạn không nên chủ quan, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra sớm, đánh giá chính xác nhất, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe