“Mổ cột sống có nguy hiểm không” là vấn đề người bệnh quan tâm khi được bác sĩ chỉ định thực hiện. Vậy việc phẫu thuật này có tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ hay không. Cùng tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây.
1. Khi nào nên tiến hành mổ cột sống?
Nếu như bạn đã thực hiện nhiều phương pháp nội khoa như sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và hầu hết các phương pháp điều trị bảo tồn khác mà không đem lại kết quả, tình trạng đau nhức cột sống vẫn dai dẳng, diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn, lúc này các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cột sống. Phẫu thuật cột sống có thể áp dụng cho các trường hợp cụ thể như sau:
- Đau cổ, đau lưng thể cấp và mạn tính.
- Đau thần kinh tọa, tay và chân tê yếu để nặng hơn có thể dẫn đến teo cơ.
- Cột sống bị biến dạng – vẹo cột sống, viêm cột sống dính khớp.
- Thoát vị đĩa đệm các đốt sống ngực, lưng và cổ. Khi các đĩa đệm bị thoát vị và lồi nhiều ra ngoài, chèn ép trực tiếp lên rễ thần kinh hoặc chui vào trong ống sống gây chèn ép chùm đuôi ngựa ảnh hưởng đến khả năng vận động của bệnh nhân, người bệnh sẽ có cảm giác buốt hoặc tê ở đùi, hông, bàn chân và trên các ngón chân.
- Hẹp cột sống, thoái hóa cột sống.
- Bị rạn thân đốt sống do nguyên nhân loãng xương.
- Viêm và u xương đốt sống.
- Bị chấn thương cột sống do tai nạn.
2. Phẫu thuật cột sống có nguy hiểm không?
Trên thực tế bất cứ ca phẫu thuật nào cũng đều tiềm ẩn những mối nguy cơ, biến chứng nguy hiểm. Phẫu thuật cột sống vốn được đánh giá là một phương pháp cực khó, phức tạp và đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn cao, nếu không thì có thể sẽ để lại di chứng rất nặng nề sau mổ. Vì thế, đây chính là phương pháp cuối cùng mà bác sĩ buộc phải chỉ định cho bệnh nhân nếu các phương pháp điều trị khác đều không mang lại được hiệu quả.
Một số các biến chứng đã được ghi nhận xảy ra khi thực hiện mổ cột sống như:
- Tổn thương trên rễ thần kinh.
- Tổn thương tủy sống: có thể dẫn đến tình trạng liệt.
- Nhiễm trùng: đây được xem là một biến chứng phổ biến có thể xảy ra trên bất cứ loại phẫu thuật nào.
Vì vậy, đối với những ca phẫu thuật lớn và phức tạp, ngoài việc cần một bác sĩ giỏi thì người bệnh nên lựa chọn bệnh viện uy tín có trang thiết bị hiện đại để được chẩn đoán và phẫu thuật chính xác, hiệu quả.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần phải chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái và ổn định. Tuân thủ tuyệt đối tất cả các chỉ định của bác sĩ từ trước, trong và sau khi tiến hành phẫu thuật cột sống.
3. Các phương pháp phẫu thuật cột sống an toàn hiện nay
Trước đây, khi tiến hành mổ cột sống thường sử dụng phương pháp truyền thống là mổ hở. Phương pháp này tuy có thể loại bỏ được sự chèn ép của cột sống lên các rễ thần kinh nhưng lại gây ra rất nhiều các nguy cơ biến chứng cho cơ thể của người bệnh như: mất máu, nhiễm trùng, tổn thương mô mềm xung quanh vị trí phẫu thuật,...
Mổ vẹo cột sống có nguy hiểm không cũng sẽ phụ thuộc một phần lớn trong việc chọn lựa phương pháp mổ cột sống. Hiện nay, ngoài mổ hở truyền thống, các bác sĩ đã cập nhật rất nhiều các phương pháp hiệu quả và an toàn như:
- Mổ cột sống bằng tia laser: Đây là phương pháp không gây đau, không để lại sẹo cho cơ thể của bệnh nhân.
- Mổ nội soi: Phương pháp này thông qua kính hiển vi phẫu thuật, bác sĩ nhìn rõ được các cấu trúc cột sống. Từ đó giúp can thiệp dễ dàng, chính xác.
- Cố định cột sống thắt lưng: Phương pháp này giúp nắn chỉnh lại cột sống, người bệnh sau khi được phẫu thuật sẽ vận động và di chuyển một cách dễ dàng hơn.
- Phẫu thuật nẹp vít cột sống: Đây là phương pháp ít xâm lấn nhất, giúp giảm được những tổn thương đến các cơ và mô mềm xung quanh.
4. Những điều cần thực hiện sau mổ cột sống
Sau mổ cột sống có sao không là câu hỏi rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Việc quan trọng nhất cần thực hiện sau khi mổ cột sống là người bệnh cần có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi kết hợp với việc vận động hợp lý để có thể nhanh chóng hồi phục và hạn chế đối đa tái phát bệnh. Có một số bài tập phục hồi chức năng có thể thực hiện để cải thiện tình trạng, tuy nhiên hiệu quả hồi phục sẽ không được như ban đầu.
Người bệnh có thể nhận biết được các biểu hiện nổi bật của bệnh vẹo cột sống như: khoảng gian sườn có một bên giãn rộng, gồ cao, các xương sườn nổi rõ và bên còn lại lõm, xẹp; 2 bên bả vai có sự chênh lệch rất rõ rệt; phần hông bên cao bên thấp; cột sống không theo đường thẳng mà có những đoạn cong rất bất thường; cơ thể bị mất cân đối, có khi bị lệch hẳn về một bên,... Khi phát hiện được một trong những biểu hiện bất thường trên, khuyến cáo bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để có thể được khám, chẩn đoán và tiến hành điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Hiện tại có rất nhiều thiết bị máy móc hiện đại để hỗ trợ cho chẩn đoán chính xác như: CT – Scan, MRI, X-quang,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.