Mệt mỏi do ung thư là tình trạng mệt mỏi mãn tính, khiến cơ thể trở nên suy kiệt. Đây là vấn đề thường gặp và ảnh hưởng đến hầu hết mọi người trong quá trình điều trị ung thư. Mệt mỏi do ung thư có thể do tác dụng phụ của điều trị hoặc do chính bệnh ung thư gây ra.
1. Nguyên nhân gây mệt mỏi do ung thư
Mệt mỏi do ung thư có thể do nhiều yếu tố gây ra, và các yếu tố góp phần vào tình trạng mệt mỏi do ung thư có thể khác nhau giữa những người bệnh. Tuy nhiên, các yếu tố có thể góp phần bao gồm:
- Bệnh ung thư: Bệnh ung thư có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể đến mệt mỏi mãn tính. Ví dụ, một số bệnh ung thư giải phóng các protein gọi là cytokine, được cho là nguyên nhân gây ra mệt mỏi. Các bệnh ung thư khác có thể làm tăng nhu cầu năng lượng của cơ thể, làm suy yếu cơ bắp, gây tổn thương một số cơ quan (như gan, thận, tim hoặc phổi) hoặc thay đổi nội tiết tố của cơ thể, tất cả đều có thể góp phần gây ra mệt mỏi.
- Điều trị ung thư: Hóa trị ung thư, xạ trị, phẫu thuật, cấy ghép tủy xương và liệu pháp miễn dịch đều có thể gây ra mệt mỏi. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi nếu điều trị ung thư làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh ngoài các tế bào ung thư. Mệt mỏi có thể xảy ra khi cơ thể hoạt động để sửa chữa những tổn thương do điều trị gây ra. Một số tác dụng phụ của điều trị, chẳng hạn như thiếu máu, buồn nôn, nôn, đau, mất ngủ và thay đổi tâm trạng cũng có thể gây ra mệt mỏi.
- Thiếu máu: Nếu điều trị phá hủy quá nhiều tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Thiếu máu cũng có thể do ung thư di căn đến tủy xương và cản trở quá trình sản xuất tế bào máu.
- Đau đớn: Đau mãn tính có thể làm cơ thể ít hoạt động hơn, ăn ít hơn, ngủ ít hơn và trở nên trầm cảm, tất cả những điều này đều dẫn đến mệt mỏi do ung thư.
- Lo âu: Lo lắng, căng thẳng hoặc trầm cảm liên quan đến chẩn đoán ung thư cũng có thể dẫn đến mệt mỏi.
- Thiếu ngủ: Nếu ngủ ít hơn vào ban đêm hoặc nếu giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn cũng có thể gây mệt mỏi.
- Dinh dưỡng kém: Khi bị ung thư, cơ thể có thể cần nhiều chất dinh dưỡng hơn bình thường. Nhưng có thể khó hấp thụ đủ chất dinh dưỡng nếu gặp các tác dụng phụ của điều trị, chẳng hạn như buồn nôn và nôn.
- Thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau, có thể gây mệt mỏi.
- Thiếu vận động
- Thay đổi nội tiết tố: Liệu pháp hormone là một phương pháp điều trị ung thư phổ biến gây ra những thay đổi về nồng độ hormone trong cơ thể có thể dẫn đến mệt mỏi đáng kể. Thay đổi nội tiết tố cũng có thể xảy ra như tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư khác.
Không phải ai bị ung thư cũng cảm thấy mệt mỏi. Và mức độ mệt mỏi do ung thư có thể khác nhau từ cảm thấy thiếu năng lượng nhẹ cho đến việc ung thư gây suy kiệt cơ thể.
Tình trạng mệt mỏi do ung thư có thể xảy ra theo từng đợt và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, hoặc có thể kéo dài vài tháng sau khi bạn hoàn thành điều trị.
2. Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?
Dự kiến sẽ có một số mệt mỏi trong quá trình điều trị ung thư. Nhưng nếu bạn thấy rằng tình trạng mệt mỏi do ung thư là dai dẳng, kéo dài hàng tuần và cản trở khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của bạn, hãy liên hệ với bác sĩ. Khi đó, bác sĩ có thể khám và hỏi những câu hỏi để đánh giá mức độ nghiêm trọng và tính chất của các triệu chứng. Một số câu hỏi như:
- Bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi nào?
- Có tiến triển kể từ khi được chẩn đoán không?
- Mức độ nghiêm trọng như thế nào?
- Mệt mỏi kéo dài bao lâu?
- Điều gì làm giảm mệt mỏi?
- Điều gì làm làm mệt nhiều hơn?
- Mệt mỏi ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như thế nào?
- Có cảm thấy khó thở hoặc tức ngực không?
- Giấc ngủ như thế nào?
- Chế độ ăn như thế nào?
- Có đang lo lắng về điều gì khác không?
Ngoài tiến hành khám sức khỏe và đánh giá thêm về tiền sử bệnh, phương pháp điều trị ung thư và bất kỳ loại thuốc nào đang dùng, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu hoặc chụp X-quang, tuỳ theo tình trạng cụ thể.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.
Bài dịch từ: webmd.com
3. Chiến lược đối phó: Điều trị và cách chăm sóc bản thân
Vì mệt mỏi do ung thư có thể do nhiều yếu tố gây ra, nên cũng có nhiều phương pháp để giảm bớt và đối phó với các triệu chứng. Chúng có thể bao gồm các phương pháp tự chăm sóc và trong một số trường hợp cần đến thuốc hoặc thủ thuật y khoa.
3.1 Can thiệp y khoa
Thuốc có thể có sẵn để điều trị nguyên nhân cơ bản gây mệt mỏi. Ví dụ, nếu mệt mỏi do thiếu máu, truyền máu có thể hữu ích. Các loại thuốc kích thích tủy xương sản xuất nhiều tế bào hồng cầu hơn có thể là một lựa chọn.
Nếu bị trầm cảm, bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc có thể giúp giảm trầm cảm, tăng cảm giác thèm ăn và tăng cường cảm giác hạnh phúc. Cải thiện khả năng ngủ có thể giúp giảm mệt mỏi. Đôi khi thuốc có thể có hiệu quả trong việc giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
Kiểm soát cơn đau tốt có thể giúp giảm mệt mỏi một cách lâu dài. Thuốc để tăng sự tỉnh táo có thể là một lựa chọn trong một số trường hợp nhất định.
3.2 Tự chăm sóc bản thân
- Thư giãn: Dành thời gian trong ngày để nghỉ ngơi. Hãy chợp mắt ngắn không quá một giờ thay vì nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian dài.
- Bảo tồn năng lượng: Tiết kiệm năng lượng cho các hoạt động quan trọng. Theo dõi những thời điểm cảm thấy tốt và lên kế hoạch thực hiện các hoạt động quan trọng trong những khoảng thời gian đó. Hãy gọi giúp đỡ khi cần thiết.
- Dinh dưỡng đầy đủ: Uống nhiều nước và ăn uống đầy đủ chất có thể giúp duy trì năng lượng dự trữ. Nếu buồn nôn và nôn khiến khó ăn, hãy liên hệ với bác sĩ về vấn đề này.
- Vận động: Tập thể dục vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh, đi xe đạp và bơi lội, trong suốt cả tuần có thể giúp duy trì năng lượng. Tập thể dục thường xuyên từ khi bắt đầu điều trị. Thói quen tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa mệt mỏi trong quá trình điều trị. Bắt đầu với tốc độ chậm và tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc nửa giờ tập thể dục vào năm ngày mỗi tuần. Cố gắng bổ sung các bài tập rèn luyện sức bền, chẳng hạn như nâng tạ vài lần một tuần.
- Xem xét các lựa chọn thuốc tích hợp: Một số người bị ung thư cảm thấy giảm mệt mỏi nhờ ngồi thiền, yoga và các phương pháp thư giãn khác. Xoa bóp và châm cứu cũng có thể hữu ích.
- Thực phẩm chức năng: nhân sâm đã được chứng minh là làm giảm mệt mỏi trong các nghiên cứu nhỏ. Nếu muốn thử thực phẩm chức năng, hãy hỏi bác sĩ, vì nhân sâm và các chất khác có thể ảnh hưởng đến thuốc.
Tóm lại, mệt mỏi do ung thư là vấn đề rất thường gặp. Tình trạng này có thể do chính bệnh ung thư hoặc do điều trị gây ra. Nếu mệt mỏi do ung thư ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để có các biện pháp điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org