Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Trung tâm Y học cổ truyền Sao Phương Đông - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Mật ong là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Trong mật ong có chứa nhiều khoáng chất và vitamin giúp tăng sức đề kháng cho người sử dụng. Hãy cùng tìm hiểu thêm những lợi ích của mật ong trong bài viết dưới đây.
1. Thành phần dinh dưỡng của mật ong
Mật ong là một chất lỏng được tạo ra từ mật hoa bởi loài ong, có tới khoảng 320 loại mật ong khác nhau về hương vị, màu sắc, mùi. Thành phần chủ yếu của mật ong là đường, hỗn hợp các acid amin, vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa, sắt, kẽm,... Dựa trên những lợi ích của mật ong, nó thường được sử dụng như một nguyên liệu làm ngọt trong thực phẩm và thuốc.
Thành phần dinh dưỡng của mật ong:
- Carbonhydrate (Chất bột đường): Năng lượng của mật ong đều đến từ carbohydrates. Mật ong ban đầu được hình thành từ các loại đường là fructose, glucose, sucrose và nước, cộng thêm một lượng nhỏ protein và lipid. Trong đó, fructose chiếm tỉ lệ cao hơn glucose, sucrose chỉ chiếm một lượng rất nhỏ. Chỉ số đường huyết (GI) của mật ong dao động từ 45 – 64 và phụ thuộc vào từng loại mật ong.
- Chất béo (Lipid): Mật ong không chứa lipid. Tuy nhiên, một số thực phẩm dùng kèm với mật ong như kem, bánh mì, sữa chua có chứa thành phần chất béo.
- Chất đạm (Protein): Mật ong chỉ chứa một lượng nhỏ protein và lượng protein này không đóng góp vào nhu cầu protein hằng ngày của cơ thể.
- Các chất vi lượng: Mật ong có chứa các chất vi lượng như vitamin B, canxi, sắt, kẽm, động,... Tuy nhiên, bạn sẽ không nhận được lượng vitamin và khoáng chất đáng kể khi sử dụng mật ong bởi vì lượng mật ong được tiêu thụ hằng ngày là rất ít.
2. Mật ong có lợi ích gì?
Mật ong là một nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong nấu ăn. Ngoài ra, mật ong còn được ứng dụng trong chữa bệnh và làm đẹp. Vậy mật ong có lợi ích gì?
2.1. Mật ong làm giảm ho
Từ xa xưa, mật ong đã được sử dụng như một phương thuốc chữa ho hiệu quả từ thiên nhiên. Có thể sử dụng mật ong nguyên chất hoặc kết hợp cùng các loại thảo dược khác để nâng cao công dụng. Dưới đây là một số cách làm tăng lợi ích của mật ong trong giảm ho khan, ho đờm:
- Mật ong hấp lá hẹ: Lá hẹ rửa sạch, để ráo nước sau đó thái nhỏ và cho vào chén, đổ ngập mật ong và đem chưng cách thủy. Sau khi chín, xay nhuyễn và ăn. Bài thuốc này rất có hiệu quả trong chữa ho có đờm hoặc cảm cúm.
- Mật ong và quất: Cho mật ong và 3 – 4 quả quất xanh vào chén rồi hấp cách thủy trong 15 phút. Sau khi chín có thể uống trực tiếp hoặc pha với nước ấm. Uống 2 lần/ ngày có thể làm dịu họng, giảm ho.
- Tỏi ngâm mật ong: Cho tỏi đã bóc vỏ vào hũ thủy tinh sạch, sau đó đổ mật ong ngập hũ, đậy kín và ngâm khoảng 1 tháng. Khi bị ho, bạn có thể dùng 1 tép tỏi/lần x 1 – 2 lần/ngày.
- Mật ong ngâm đông trùng hạ thảo: Lấy 100g đông trùng hạ thảo tươi hoặc dùng 10g đông trùng hạ thảo khô (nên dùng loại khô, xay thành bột thì hỗn hợp trộn sẽ đồng đều hơn) cho vào bình thủy tinh sạch và ngâm với 1 lít mật ong trong khoảng 1 tuần. Mỗi ngày dùng 20 - 30 ml pha với nước ấm trước ăn sáng 1 tiếng để trị ho, hen suyễn và kích thích hệ tiêu hóa.
2.2. Mật ong chữa bỏng
Mật ong có công dụng giảm viêm, khử trùng, do đó được dùng như một loại thuốc trị bỏng tại nhà. Ngoài ra, lợi ích của mật ong trong điều trị bỏng là rút ngắn thời gian hồi phục của da, không để lại nhiều sẹo. Khi bị bỏng, bạn có thể bôi trực tiếp mật ong lên vết bỏng rồi băng lại, làm mỗi ngày 2 – 3 lần cho đến khi vết thương khô và lên da non.
2.4. Ngăn ngừa ung thư
Lợi ích của việc uống mật ong không chỉ dừng lại ở khả năng giảm ho, dịu họng, chữa bỏng, tăng cường trí nhớ,... mà còn giúp ngăn ngừa sự phát sinh và lây lan của các tế bào ung thư. Điều này là bởi vì trong mật ong chứa nhiều chất chống oxy hóa.
2.5. Tăng cường trí nhớ
Mật ong có công dụng tăng cường trí nhớ, cải thiện trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra, mật ong còn có công dụng chống lại lo âu, căng thẳng. Thành phần canxi trong mật ong làm chậm quá trình oxy hóa các tế bào não, tăng cường trí nhớ.
2.6. Hỗ trợ tiêu hóa
Lợi ích của việc uống mật ong mỗi sáng đối với đường tiêu hóa là bảo vệ đường ruột, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng đường ruột. Trong mật ong nguyên chất có chứa prebiotics có lợi, là thức ăn của các vi khuẩn đường ruột. Mật ong ngăn chặn sự bám dính của vi khuẩn trên tế bào ruột, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Theo GS Mahantayya V Math, Đại học Y ở Kamothe (Ấn Độ): mật ong có độ kết dính cao gấp 126 lần so với nước, phủ kín thành thành đường tiêu hóa, từ đó tạo ra rào cản ngăn ngừa trào ngược dạ dày – thực quản.
Ngoài ra các thuộc tính kháng viêm, khử trùng của mật ong giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục sau khi bị tiêu chảy nhiễm khuẩn.
2.7. Mật ong kháng khuẩn và kháng nấm
Mật ong có độ pH thấp và chứa hydrogen peroxide, glucose oxidase nên được xem là một loại kháng sinh tự nhiên. Khi bị thương, có thể bôi trực tiếp mật ong lên các vết trầy xước, nhiễm trùng ngoài da sẽ giúp chống nhiễm khuẩn và hỗ trợ nhanh lành vết thương. Lợi ích của mật ong là làm sạch, tiêu diệt các mầm bệnh được gây ra bởi: Escherichia coli gây ngộ độc thực phẩm, Staphylococcus aureus gây nhiễm trùng, Helicobacter pylori gây bệnh dạ dày và niêm mạc dạ dày mãn tính. Kết hợp mật ong và kháng sinh có tác dụng làm lành các ổ loét niêm mạc dạ dày, tá tràng nhanh hơn sử dụng kháng sinh đơn độc.
2.8. Làm dịu bệnh trĩ
Người bệnh trĩ thường phải chịu đựng cảm giác đau, ngứa, chảy máu hậu môn. Ngoài việc tuân theo phác đồ điều trị, bệnh nhân có thể sử dụng hỗn hợp dầu oliu và mật ong để bôi lên vùng bị tổn thương. Hỗn hợp này có công dụng giảm chảy máu, đau, ngứa, làm bệnh nhân thấy dễ chịu hơn.
2.9. Hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến gây ra hiện tượng đỏ, ngứa, lở loét,... trên da. Người bệnh thường được chỉ định dùng kem bôi da có chứa corticosteroid hoặc vitamin D. Những lợi ích của mật ong trong bệnh vảy nến là làm dịu tình trạng đỏ, ngứa, tổn thương trên da.
Ngoài những công dụng kể trên, mật ong còn được ứng dụng nhiều trong chăm sóc da và tóc như trị mụn trứng cá, làm mờ vết thâm, làm sạch lỗ chân lông, dưỡng ẩm và làm trắng da, tẩy tế bào chết, chăm sóc tóc bóng mượt, ...
3. Cần lưu ý gì khi sử dụng mật ong?
Lợi ích của việc uống mật ong đối với sức khỏe đã được chứng minh. Tuy nhiên, mật ong cũng có thể chứa các vi khuẩn có hại như Clostridium Botulinum. Vì vậy, mật ong có thể nguy hiểm khi dùng cho trẻ sơ sinh. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, không dùng mật ong cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc mật ong ở trẻ sơ sinh có thể là thở chậm, táo bón, mí mắt chảy xệ, khóc yếu, bú kém, mất kiểm soát đầu, hôn mê,...
Ngộ độc mật ong ở người lớn có thể gây tiêu chảy và nôn, sau đó là các triệu chứng nghiêm trọng như mờ mắt, yếu cơ.
Người dị ứng mật ong hoặc phấn hoa nên hạn chế dùng mật ong vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Lưu ý: mật ong sống theo YHCT có tính thanh nhiệt gaiir độc, đối với những người có bệnh lý như trĩ, xuất tinh sớm, hay đầy trướng bụng không nên dùng mật ong sống.
4. Bảo quản mật ong đúng cách
- Mật ong cần được bảo quản trong chai, lọ kín, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao, không nên để trong tủ lạnh. Sau một thời gian cất giữ, mật ong có thể bị kết tinh. Trước khi sử dụng, nên làm ấm mật ong để các tinh thể tan chảy.
- Không nên vặn quá chặt nắp chai, lọ vì sẽ tạo ra khí gas và sủi bọt.
- Để mật ong tránh xa các loại thực phẩm khác như hành, tỏi, thịt, cá,... vì mật ong dễ bắt mùi.
Tóm lại, mật ong chứa nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng không phù hợp với tất cả mọi đối tượng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không sử dụng đúng cách. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước về cách dùng và liều lượng khi sử dụng mật ong.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.