Trào ngược dạ dày khó thở là một triệu chứng điển hình khi bệnh nhân mắc bệnh lý này. Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp phải các triệu chứng khác như ợ nóng, ợ chua… Bệnh không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách điều trị bệnh này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Bảo Ngọc, chuyên ngành Nội Tiêu hoá - Nội soi , tại Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng.
1. Bệnh trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày là tình trạng mà dịch vị dạ dày dâng ngược lên trên thực quản, thường xảy ra theo từng đợt hoặc có khi thường xuyên. Khi tần suất của tình trạng này tăng cao trong ngày và gây ra sự khó chịu hoặc những biến chứng khác, thì được xem là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày xảy ra do sự rối loạn chức năng của cơ thắt thực quản dưới. Cơ thắt này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ niêm mạc thực quản khỏi acid trong dịch dạ dày. Thông thường, cơ thắt thực quản dưới mở rộng khi cơ thể nuốt thức ăn, sau đó lại co lại để ngăn ngừa dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Tuy nhiên, khi cơ thắt dưới hoạt động không tốt, không đóng kín kịp thời, acid dạ dày có thể trào ngược lên thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như béo phì, hút thuốc, ăn uống không lành mạnh, suy giảm chức năng dạ dày, phụ nữ đang mang thai, và sử dụng các loại thuốc như thuốc kháng viêm hoặc thuốc ngủ… Bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng điển hình, bao gồm:
- Cảm giác nóng rát ở phần sau xương ức
- Ợ nóng
- Ho và bị khàn giọng
- Viêm thanh quản, viêm họng hoặc cảm giác hen suyễn
- Khó thở
- Nước bọt tiết ra nhiều
2. Lý do trào ngược dạ dày khó thở
Khó thở là một trong những triệu chứng khó chịu và nghiêm trọng nhất của bệnh trào ngược dạ dày. Vậy bệnh trào ngược dạ dày có ảnh hưởng đến phổi không?
Hầu hết những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thường cảm thấy khó thở. Thông thường, khi acid dạ dày tăng cao để tiêu hóa thức ăn, cơ thắt thực quản dưới sẽ đóng lại để ngăn không cho acid dạ dày trào lên thực quản. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày, cơ thắt thực quản dưới đóng không chặt hoặc do lượng acid dạ dày tiết ra quá nhiều. Khi đó, lượng acid này có thể tạo áp lực, khiến cơ thắt thực quản mở ra và acid dạ dày bị đẩy lên gây khó chịu ở vòm họng, dẫn đến tình trạng khó thở.
Cơ chế gây ra khó thở trong bệnh trào ngược dạ dày bao gồm:
- Acid dạ dày trào ngược lên thực quản và tiếp tục vào đường dẫn khí nhỏ, gây co thắt đường dẫn khí và dẫn đến khó thở.
- Acid trong dịch vị kích thích các dây thần kinh tại đầu cuối thực quản, gây co thắt cơ trơn của thực quản. Điều này dẫn đến co thắt đường dẫn khí và gây ra khó thở ở người bệnh.
- Thức ăn bị trào ngược lên gây áp lực tại vòm họng, chèn ép khí quản và có thể làm hơi thở bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng khó thở sau khi ăn.
- Triệu chứng khó thở có thể xảy ra do acid dạ dày xâm nhập vào phổi trong khi bệnh nhân nằm ngủ dẫn đến phù nề đường thở.
3. Phương pháp điều trị trào ngược dạ dày gây khó thở
Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế ngay lập tức để được thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh, nhằm tìm ra phương pháp can thiệp phù hợp. Dựa trên tình trạng bệnh của từng người, nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng khó thở, bác sĩ có thể chỉ định và hướng dẫn một số phương pháp như sau:
3.1. Sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày khó thở
Các nhóm thuốc có tác dụng điều trị bệnh trào ngược dạ dày gồm:
- Thuốc ức chế thụ thể H2 và thuốc ức chế bơm proton, giúp giảm tiết và trung hòa acid dạ dày.
- Thuốc tăng trương lực cơ thắt ở phần dưới thực quản.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc alginate phủ lên trên bề mặt niêm mạc dạ dày giúp ngăn không cho acid dạ dày trào lên thực quản.
3.2. Điều trị bằng thảo dược
Để giảm các triệu chứng khó chịu do bệnh trào ngược dạ dày khó thở, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thảo dược sau đây:
- Các thảo dược giúp giảm căng thẳng và hỗ trợ thần kinh như cam thảo, cúc la mã, thương truật.
- Các thảo dược có khả năng kiểm soát tiết acid dạ dày như gừng, ngô thù du, hậu phác, bán hạ bắc.
- Các thảo dược có tác dụng hỗ trợ làm lành vết viêm loét và giảm viêm nhiễm như cam thảo, hoàng liên, hậu phác, nanocurcumin.
3.3. Áp dụng lối sống lành mạnh
Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh cũng cần áp dụng một lối sống lành mạnh để ngăn ngừa biến chứng và cải thiện tình trạng bệnh như sau:
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết thông qua chế độ ăn uống.
- Ăn đủ bữa và đúng giờ, tránh ăn quá no hoặc để bụng quá đói.
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì.
- Chọn quần áo thoải mái để giảm áp lực lên khu vực bụng và ngực.
- Từ bỏ thói quen xấu như thức khuya, hút thuốc lá, và uống nhiều rượu bia.
- Nâng đầu giường lên khoảng 15-17 độ để giảm triệu chứng.
Tóm lại, bệnh trào ngược dạ dày là một căn bệnh phổ biến. Một trong những triệu chứng điển hình là trào ngược dạ dày khó thở và ho. Tình trạng bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày, mọi người cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.