Lý do bị đầy hơi thường liên quan đến việc tích tụ khí trong dạ dày và ruột. Nguyên nhân của việc này có thể đến từ nhiều yếu tố, bao gồm chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt hoặc các vấn đề sức khỏe khác mà không phải ai cũng nhận ra.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tình trạng đầy hơi gây chướng bụng
Hầu hết mọi người có khí trong dạ dày và ruột khi tiêu hóa thức ăn. Thông thường, chúng ta xì hơi từ 5 đến 15 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, một số người có thể cảm thấy bị đầy hơi nhiều hơn, dẫn đến chướng bụng và cảm giác khó chịu. Khi gặp phải tình trạng này, người mắc phải nên tìm hiểu lý do bị đầy hơi và có thể cần gặp bác sĩ để tìm ra cách giải quyết hiệu quả.
2. Lý do bị đầy hơi là gì?
Thông thường, khí trong cơ thể chúng ta chủ yếu được thải ra qua ruột và điều này thường xảy ra khi chúng ta nuốt không khí. Một số khí cũng được sản sinh trong ruột nhờ vi khuẩn và vi sinh vật có sẵn trong cơ thể, những vi sinh vật này giúp phân hủy thức ăn, tạo ra khí. Hầu hết khí sẽ thoát ra dưới dạng ợ hơi, trong khi phần còn lại sẽ được thải ra bằng cách đánh rắm. Tuy nhiên, nếu lượng khí mà cơ thể tiếp nhận quá nhiều, nó có thể bị tích tụ và gây ra cảm giác đầy hơi, chướng bụng.
3. Những lý do không ngờ dẫn đến nuốt không khí gây đầy hơi
Nguyên nhân gây đầy hơi chủ yếu là do nuốt quá nhiều không khí nhưng có nhiều lý do khác nhau dẫn đến hành động này. Những lý do này thường xuất phát từ thói quen sinh hoạt và ăn uống hàng ngày. Dưới đây là một số lý do bị đầy hơi bất ngờ mà có thể ít người để ý đến.
3.1. Thói quen nhai kẹo
Một trong những nguyên nhân gây đầy hơi là thói quen nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo cứng. Ngoài ra, việc ăn nhanh hoặc uống nước bằng ống hút cũng khiến chúng ta nuốt nhiều không khí hơn, dễ dẫn đến tình trạng đầy hơi. Thậm chí, việc nhai hoặc ngậm bút cũng có thể làm cho không khí vào bụng, gây ra khí thải ra ngoài.
3.2. Uống bọt bia, nước có ga
Thức uống có bọt như bia, soda hoặc nước có ga thực sự là một nguồn tạo ra khí trong dạ dày. Việc tiêu thụ những loại đồ uống này là một trong những lý do bị đầy hơi. Để kiểm tra xem thức uống có ga có gây đầy hơi hay không, bạn có thể thử uống một ít và xem phản ứng của cơ thể.
3.3. Nuốt không khí trong lúc ngủ
Trong quá trình ngủ vào ban đêm, nếu có xu hướng thở mạnh hoặc ngáy mở miệng khi ngủ, chúng ta có thể vô tình “nuốt” nhiều không khí hơn, dẫn đến tình trạng bị tích tụ khí và đầy bụng.
3.4. Các loại thực phẩm làm đầy hơi
Chúng ta đều biết chất xơ rất quan trọng và hấp thu thực phẩm giàu chất xơ sẽ có lợi cho sức khỏe nhưng nếu ăn quá nhiều cũng có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi. Một vài loại thực phẩm gây đầy hơi có thể kể đến là đậu Hà Lan, các loại bông cải, ngũ cốc hoặc chất bổ sung chất xơ có chứa Psyllium. Một số nghiên cứu chỉ ra ngâm đậu trong nước trong 12 giờ có thể làm giảm khả năng tạo ra khí.
3.5. Không dung nạp thực phẩm cũng là lý do bị đầy hơi
Đối với một số người, sẽ có những loại thức ăn mà cơ thể không thể hấp thụ, dẫn đến tình trạng không dung nạp thực phẩm. Phổ biến thường là các sản phẩm từ sữa hoặc Protein, Gluten trong lúa mì hoặc các loại ngũ cốc khác. Nếu cảm thấy tình trạng đầy hơi liên quan đến thực phẩm giàu chất xơ hoặc chứng không dung nạp thực phẩm, người bệnh nên ghi chép lại những gì thường ăn để đưa ra kết luận chính xác hơn.
3.6. Chất làm ngọt nhân tạo
Là một sự lựa chọn thay thế cho đường, chất làm ngọt nhân tạo hầu như không làm tăng lượng Calo trong chế độ ăn uống và được sử dụng rộng rãi trong các loại thực phẩm chế biến. Tuy vậy, một số loại chất này cũng có thể khiến chúng ta đầy hơi, chẳng hạn như Sorbitol, Manitol và Xylitol.
3.7. Táo bón hoặc tiêu hóa chậm
Nếu bị táo bón hoặc thức ăn di chuyển qua ruột chậm (Tiêu hóa chậm), khí sẽ có nhiều thời gian hơn dể tích tụ. Vi khuẩn trong ruột cũng sẽ có thời gian hoạt động lâu hơn, dẫn đến việc sản xuất nhiều khí hơn. Ở người lớn tuổi, quá trình tiêu hóa thường chậm lại, và điều này có thể là một trong những lý do bị đầy hơi. Thêm vào đó, một số loại thuốc cũng có thể góp phần vào tình trạng này.
3.8. Quá nhiều vi khuẩn
Hầu hết các vi khuẩn và vi sinh vật có lợi tồn tại trong ruột sẽ giúp chúng ta phân hủy thức ăn. Nhưng vì chúng góp phần sinh ra khí trong ruột, nên nếu quá nhiều có thể khiến chúng ta bị đầy hơi. Trong những trường hợp đó nên uống thuốc kháng sinh để làm giảm bớt lượng vi khuẩn, vi sinh vật.
3.9. Các tình trạng bệnh lý khác
Khí dư thừa có thể là triệu chứng đi kèm với nhiều loại bệnh rối loạn đường ruột khác, thường có thể kể đến là:
- Viêm túi thừa
- Viêm loét đại tràng
- Bệnh Crohn
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Bệnh tiểu đường
- Xơ cứng bì
- Rối loạn chức năng tuyến giáp
4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đầy hơi thường chỉ là một tình trạng tạm thời và việc ợ hơi hay xì hơi là điều bình thường, không có gì phải xấu hổ. Tuy nhiên, nếu tình trạng đầy hơi kéo dài và gây chướng bụng, bạn nên liên hệ với bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân cũng như có cách điều trị hợp lý. Ngoài ra, có một số trường hợp khác cũng cần được khám bác sĩ để đảm bảo sức khỏe.
- Cảm thấy đau khi bị đầy hơi.
- Tiêu chảy hoặc táo bón nhiều.
- Thường bị nôn hoặc cảm thấy buồn nôn.
- Sụt cân bất thường.
- Có máu trong phân.
Đầy hơi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ thói quen ăn uống hàng ngày, lựa chọn thực phẩm đến các vấn đề tiêu hóa, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến cảm giác đầy bụng. Việc hiểu rõ những nguyên nhân này sẽ giúp bạn điều chỉnh thói quen sống và chế độ ăn uống, từ đó giảm thiểu tình trạng đầy hơi. Nếu tình trạng này trở nên thường xuyên và khó chịu, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Sự chú ý và chăm sóc cho cơ thể là chìa khóa để duy trì sức khỏe tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.