Các loại mụn ở chân, tay đa số đều có cùng nguyên nhân như của mụn ở các vị trí khác trên cơ thể. Tuy nhiên trong một số bệnh, các loại mụn mọc ở chân hay tay lại mang tính chất đặc trưng về vị trí phân bố riêng cần phải lưu ý để có thể đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác cùng các phương pháp điều trị phù hợp. Chưa hết, còn có một số loại mụn tuy cùng nguyên nhân gây bệnh nhưng ở những vị trí khác nhau sẽ có hình thái khác nhau dễ gây ra lầm lẫn trong việc nhận diện tổn thương.
1. Lưu ý về các loại mụn ở chân, tay do HPV
Mụn do nhiễm papillomavirus (HPV) ở người gây ra hay còn gọi là mụn cóc, đây là một tổn thương lành tính, có thể tự khỏi tùy thuộc vào khả năng miễn dịch của từng cá thể. Mụn cóc thể xuất hiện bất kì vị trí nào trên cơ thể với nhiều hình thái khác nhau. Có hơn 100 typ HPV và mỗi loại do các typ vi rút HPV khác nhau cũng sẽ gây ra mụn cóc với những đặc điểm khác nhau.
1.1 Mụn cóc ở lòng bàn chân
Một trong số các loại mụn mọc ở chân khá phổ biến là hạt cơm lòng bàn chân hay mụn cóc lòng bàn chân gây ra do HPV type 1. Virus HPV sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua các tổn thương trên da. Virus này tồn tại ở những nơi ấm áp, ẩm thấp. Mụn có thể tự biến mất hoặc phát triển to hơn, đôi khi sẽ đau đớn. Mụn cóc ở lòng bàn chân khác với mụn cóc ở các vị trí khác trên cơ thể là nó có khuynh hướng lún sâu vào da chứ không nổi gờ lên. Đặc điểm để phân biệt với các loại mụn mọc ở lòng bàn chân khác và các vết chai chân là tổn thương có dạng dày da khá giống như nốt chai và có nốt đen nhỏ trên bề mặt tổn thương. Loại mụn ở lòng bàn chân này thường lây lan nhanh sang các khu vực khác của bàn chân và tăng kích thước.
Nếu tổn thương kéo dài và gây khó chịu nhiều cho người bệnh thì lời khuyên tốt nhất là nên đến cơ sở y tế để được điều trị. Trên lâm sàng, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý loại bỏ tổn thương này bằng các cách như dùng hương nhang để châm vào vị trí tổn thương, dùng bấm móng tay khoét sâu vào tổn thương, tự lấy kim lễ... đã dẫn đến nhiễm trùng đôi khi còn tạo thành vết loét mãn tính ở chân.
Để giảm nguy cơ bị mụn cóc, các tốt nhất là mang dép ở nơi công cộng, mang giày thoáng, giữ chân khô và đổi tất thường xuyên. Không mang chung dép với người bị mụn cóc.
1.2 Mụn cóc ở tay
Các loại mụn mọc ở tay do vi rút HPV gây ra thuộc các tuýp 24, 27 và 29. Chúng thường có dạng những nốt tròn nhỏ nhô lên khỏi bề mặt da, cứng, chắc, bề mặt hơi sần sùi, thô ráp. Cách phòng ngừa các loại mụn mọc ở tay này là tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc của người khác khi tay bạn có vết thương hở hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân như găng tay, dụng cụ cắt móng tay, khăn lau,... với người bị mụn cóc.
2. Lưu ý về mụn nước ở tay và chân trong một số bệnh lý
2.1 Mụn nước trong bệnh thủy đậu và bệnh tay chân miệng
Trong bệnh thủy đậu giai đoạn khởi phát bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, phát ban, đau nhức toàn thân, ở giai đoạn toàn phát, bắt đầu xuất hiện các mụn nước lõm ở giữa trên nền ban đỏ kèm đau đầu chán ăn. Đầu tiên ban mọc ở thân (thường là lưng), sau đó lan toàn thân, đầu mặt và tay chân. Nốt mụn nước gây cảm giác ngứa, đau, nhức rất khó chịu. Bệnh thủy đậu lây qua đường tiếp xúc với dịch tiết mũi hoặc dịch từ các nốt mụn nước vỡ ra
Nốt mụn nước trong bệnh tay-chân-miệng không gây cảm giác đau, ngứa. Tổn thương cơ bản là các mụn nước hình bầu dục trên nền ban đỏ mọc ở các vị trí điển hình như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Đặc biệt mụn nước có thể mọc ở miệng, họng làm loét miệng, họng. Bệnh tay chân miệng lây qua đường miệng hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ mụn nước và nước bọt hay phân của trẻ đang bị bệnh
Cả hai bệnh tay-chân-miệng và thủy đậu đều không để lại sẹo, chỉ xuất hiện sẹo trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn khác.
2.2 Tổ đỉa và các loại mụn ở chân tay khác chứa dịch lỏng trong suốt
Cũng là một dạng tổn thương mụn nước - mụn chứa dịch lỏng trong suốt nhưng khác các loại mụn mọc ở chân tay khác, mụn nước trong tổ đỉa chỉ mọc ở lòng bàn chân bàn tay và rìa ngón tay ngón chân, không vượt quá giới hạn cổ tay cổ chân. Còn mụn nước trong các bệnh lý khác có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể kể cả tay và chân.
Mụn nước trong tổ đĩa có kích thước khoảng 1mm, nằm sâu thường khó vỡ hơn mụn nước trong các thể chàm khác. Trước khi nổi mụn nước bệnh nhân thường sẽ có cảm giác ngứa rát, tăng tiết mồ hôi. Bệnh tiến triển thành từng đợt, dai dẳng, gây trở ngại cho sinh hoạt của người bệnh
Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng và phức tạp thường gặp là nhóm nguyên nhân di truyền, stress, thời tiết, vệ sinh kém, dị ứng với hóa chất trong sinh hoạt, tiếp xúc với đất nước bẩn, nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, tăng tiết mồ hôi,... Vì vậy để dự phòng bệnh là tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng, khi cần tiếp xúc nên đeo găng tay bảo vệ, thường xuyên vệ sinh tay chân sạch sẽ đúng cách, cắt ngắn móng tay,...
2.3 Ghẻ nước
Một trong số nguyên nhân gây ra các loại mụn mọc ở chân và tay khá dễ nhận biết là do ghẻ. Do đặc trưng ngứa dữ dội, và ngứa vào ban đêm nhiều hơn ban ngày do ghẻ cái đào hang và đẻ trứng về đêm, ngoài những vết mụn nước màu đỏ nhạt chứa đầy dịch lỏng bên trong, bạn còn có thể quan sát được các rãnh ghẻ do quá trình đào hang của ghẻ cái để lại, chúng có chiều dài khoảng từ 2-4mm.
3. Lưu ý về mụn mủ ở chân tay trong một số bệnh lý
3.1 PPP - Palmoplantar pustulosis
Các loại mụn ở lòng bàn chân, bàn tay có thể xuất hiện trong các bệnh lý như chốc, thủy đậu, vẩy nến, viêm nang lông, lông mọc ngược,... nhưng trong các bệnh lý này tổn thương mụn mủ cũng xuất hiện ở nhiều vị trí khác trên cơ thể nhưng có một loại bệnh lý mà mụn mủ chỉ xuất hiện ở lòng bàn tay bàn chân đó là PPP. PPP - Palmoplantar pustulosis hay còn gọi là mụn mủ vô khuẩn ở lòng bàn tay chân. Đây là tình trạng viêm mạn tính với tổn thương cơ bản là các nốt mụn mủ vô khuẩn có kích thước từ 1-10mm, giới hạn rõ tập trung thành đám, bệnh tiến triển thành từng đợt. Sau giai mụn mủ biến mất sẽ để lại các mảng đỏ da, bong vảy, da sừng hóa. Điều trị mụn mủ vô khuẩn PPP bằng cách dưỡng ẩm da, tránh các chất kích ứng da, dùng thuốc bôi corticoid, retinoid uống, thuốc ức chế miễn dịch, liệu pháp ánh sáng và sử dụng kháng sinh nếu kèm theo mụn mủ bội nhiễm vi khuẩn.
3.2 Các loại mụn ở chân tay có mủ trong một số bệnh lý khác
Mụn mủ trong chốc thuộc thể chốc không bọng nước, chốc gây ra bởi liên cầu Streptococci, tụ cầu Staphylococci, hoặc cả hai. Bệnh khởi phát với dát hồng ban rồi tiến triển thành mụn nước và hóa mủ nhanh chóng sau khi vỡ chúng để lại các vết trợt trên da với vảy tiết màu vàng nâu trên nền da đỏ và cũng có các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân. Khác với hai thể còn lại của chốc là chốc bọng nước và chốc loét, chốc không bọng nước khá dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh có mụn mủ khác. Tuy nhiên trên lâm sàng chỉ có chỉ định nuôi cấy tổn thương khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị theo kinh nghiệm.
Mụn mủ trong thủy đậu có thể dễ dàng phân biệt với các bệnh lý khác thông qua quá trình bệnh lý của bệnh .
Tốt nhất khi xuất hiện mụn nước ở tay, chân, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra nhằm đưa ra hướng điều trị hợp lý. Tránh việc tự ý xử lý mụn tại nhà có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.