Lưu ý trong sơ cấp cứu cho người bị tai biến

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh nhân bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) đến bệnh viện càng sớm thì khả năng chữa được càng cao. Ngược lại bệnh nhân đến càng trễ thì khả năng thành công càng thấp và nguy cơ tử vong càng cao.

1. Tai biến mạch máu não là gì?

Có 2 thể tai biến mạch máu não bao gồm: Nhồi máu nãoxuất huyết não.

  • Nhồi máu não là khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ hoặc các huyết khối từ tim di chuyển lên làm tắc mạch máu não. Hiện tượng tắc mạch não xảy ra do một vùng vi mô não bị thiếu máu và gây ra hoại tử vi mô não, gây ra các triệu chứng, thường gặp nhất ở bệnh nhân đột quỵ là liệt nửa người, méo miệng và không nói được.
  • Xuất huyết não nguy hiểm hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn do thành mạch chịu áp lực quá lớn gây ra vỡ mạch máu, nguyên nhân thường gặp nhất là do cao huyết áp không được kiểm soát đúng mức.

Đây là 2 thể chính của đột quỵ và cả 2 thể này đều liên quan tới lứa tuổi, tuổi càng cao nguy cơ đột quỵ càng cao, tuổi thường gặp nhất của đột quỵ từ 60-70.

Người ta thấy rằng, tuổi càng lớn nguy cơ đột quỵ càng lớn. Bởi khi tuổi càng lớn nguy cơ bệnh nhân bị tăng huyết áp nhiều, đái tháo đường nhiều, các bệnh tim mạch cũng vậy. Đây là các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ. Tuy nhiên gần đây số bệnh nhân bị đột quỵ ở lứa tuổi trẻ cũng khá thường gặp do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là việc sử dụng các loại thuốc gây nghiện, đặc biệt là thuốc lá vì thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra đột quỵ.

Tiếp đó là việc sử dụng quá nhiều rượu bia. Chưa kể cuộc sống hiện đại, mức độ stress cũng cao hơn, làm tăng tần suất mắc bệnh đột quỵ ở các bệnh nhân trẻ hơn. Sơ cấp cứu người bị tai biến đóng vai trò quan trọng trong về khả năng hồi phục của bệnh nhân sau tai biến.


Thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra đột quỵ
Thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra đột quỵ

2. Sơ cứu khi bị tai biến và những lưu ý trong sơ cấp cứu cho người bị tai biến

  • Đưa bệnh nhân đến viện ngay lập tức. Hiện nay phần lớn người dân chưa có kiến thức sơ cứu ban đầu dẫn đến xử trí sai lầm, gây hậu quả nặng nề về sau cho bệnh nhân bị đột quỵ. Nhiều gia đình đưa bệnh nhân bị đột quỵ đến muộn giải thích hồn nhiên rằng nghe nói đột quỵ không được di chuyển nên để nằm yên một chỗ tại nhà và sử dụng những phương thức dân gian như cho sử dụng an cung ngưu hoàng, trích máu, nặn máu ở đầu ngón tay, dái tai, bấm huyệt, châm cứu mà không đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay, đến khi đưa bệnh nhân đến viện thì đa số đã muộn, qua cơ hội vàng để can thiệp.

Và nếu như chúng ta trì hoãn cứ 1 phút các tế bào não có thể chết đến 2 triệu tế bào và không thể phục hồi được. Nếu như chúng ta quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đi bệnh viện thì như vậy chúng ta đã vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể chữa được cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì khả năng chữa được càng cao. Ngược lại bệnh nhân đến càng trễ thì khả năng thành công càng thấp và nguy cơ tử vong càng cao.

  • Phát hiện sớm các dấu hiệu tai biến như: méo miệng, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng. Yếu liệt tay chân, có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay, hai chân lên cao. Ngôn ngữ bất thường, giọng bị đơ đớ, có thể đề nghị bệnh nhân lặp lại cụm từ gì đó xem họ có hiểu và lặp lại được không. Đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị tai biến gần nhất.

Phát hiện sớm các biểu hiện của tai biến như méo mặt
Phát hiện sớm các biểu hiện của tai biến như méo mặt
  • Không áp dụng các phương pháp không có tính khoa học. Một số bệnh nhân bị đột quỵ, chức năng nuốt bị ảnh hưởng và nếu như chúng ta cố tình cho bệnh nhân uống các loại thuốc ví dụ như cung ngưu hoàng hoặc những loại thuốc nào khác không rõ nguồn gốc vô tình chúng ta có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi do hít sặc, do thức ăn, do thuốc rơi vào phổi. Còn những biện pháp đâm kim đầu ngón tay, dái tai đó là biện pháp hoàn toàn phản khoa học, vô tình làm trì hoãn việc đưa bệnh nhân đến bệnh viện và mất đi thời gian vàng của bệnh nhân.
  • Không hạ huyết áp đột ngột. Ngay khi đo huyết áp cho bệnh nhân đột quỵ xong chúng ta không cần làm gì cả, bởi vì khi chúng ta giảm huyết áp đột ngột đặc biệt rất nhiều bác sĩ ngay cả người thân thấy bệnh nhân có huyết áp cao và chúng ta vội vàng lấy các thuốc Adalat nhỏ vào lưỡi gây tụt huyết áp nhanh chóng và điều đó có thể ảnh hưởng lên sự tưới máu trên não và gây chết các tế bào não nhiều hơn. Như tôi nói ban đầu khi chúng ta phát hiện các bệnh nhân đột quỵ, việc quan trọng nhất chúng ta nên làm là nhanh chóng di chuyển đưa bệnh nhân đến bệnh viện cơ sở y tế càng sớm càng tốt, không phải làm gì cả.
  • Không nên chủ quan cơn thiếu máu não thoáng qua. Trong nhiều trường hợp chỉ có triệu chứng đột quỵ chỉ bị thoáng qua, khoảng một giờ sau đó giảm dần, nhưng không vì vậy mà nghĩ rằng mình đã khỏe.

Do sự tắc nghẽn mạch máu nhỏ sẽ khiến một phần nhỏ mô não bị thiếu máu tạm thời và sớm được phục hồi nhờ cục máu đông tự tan (do kích thước nhỏ), hoặc mô não này có thể nhận được dòng máu từ một nhánh mạch máu cạnh bên (tuần hoàn bàng hệ). Tuy nhiên, cứ khoảng 10 bệnh nhân có cơn thiếu máu não "thoáng qua" thì sẽ có 1 người xuất hiện đột quỵ thật sự trong một tuần sau.

  • Xác định thời gian khỏi bệnh đột quỵ chính xác để áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp.
  • Giữ bệnh nhân nằm yên, tránh bị té ngã, sau đó cho bệnh nhân nằm đầu cao 30 độ.
  • Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê: Cần xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngừng thở. Nếu ngừng tuần hoàn thì cần hô hấp nhân tạo, vì cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và não.
  • "Thời gian vàng" là khoảng thời gian để cấp cứu tính từ triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ là 6 giờ. Thời gian tốt nhất là 3 giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ. Với sự tiến bộ của y học, ngày nay người ta có thể dùng thuốc làm tan cục máu gây ra tắc mạch máu não. Tuy nhiên, nó chỉ được dùng cho những người bệnh đến viện sớm trong vòng 4,5 giờ sau khi khởi phát bệnh. Từ 4,5-6 giờ chỉ còn có thể áp dụng thông mạch bằng dụng cụ rút huyết khối. Nếu muộn hơn, không còn khả năng thông mạch được nữa thì việc điều trị rất khó khăn, khả năng tiên lượng xấu rất cao.
  • Không được cho bệnh nhân ăn uống đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.

Không được cho bệnh nhân ăn uống đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm
Không được cho bệnh nhân ăn uống đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm

Bệnh đột quỵ là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, việc tầm soát đột quỵ sớm là vô cùng quan trọng và cần thiết. Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang sở hữu Hệ thống chụp MRI 3.0 Tesla được trang bị tối tân bởi hãng GE Healthcare (Mỹ) với chất lượng hình ảnh cao, cho phép đánh giá toàn diện, không bỏ sót tổn thương mà lại giảm được thời gian chụp. Công nghệ Silent giúp hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.Với hệ thống MRI tối tân và áp dụng các phương pháp can thiệp mạch não hiện đại, đội ngũ chuyên gia chẩn đoán hình ảnh và thần kinh giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, Vinmec là địa chỉ khám, tầm soát nguy cơ đột quỵ uy tín được khách hàng tin cậy.

Trong thời gian qua; Vinmec đã cấp cứu, điều trị kịp thời thành công nhiều trường hợp đột quỵ, không để lại di chứng: Cứu sống người bệnh bị 2 lần đột quỵ não liên tiếp; Ứng cứu nữ du khách nước ngoài thoát khỏi “cửa tử” đột quỵ;...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe