Lưu ý trong điều trị vôi hóa cột sống

Vôi hóa cột sống là tình trạng thường gặp, là dấu hiệu của quá trình lão hóa tự nhiên trên cột sống của cơ thể. Tuy không nguy hiểm, nhưng bệnh lại có nguy cơ gây đau nhức, khó chịu và tổn thương thần kinh nếu không được điều trị kịp thời. Để điều trị hiệu quả căn bệnh này, bệnh nhân phải có sự kiên trì và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hỗ trợ.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Tìm hiểu về vôi hóa cột sống

Vôi hóa cột sống là tình trạng các dây chằng bám vào các đốt sống và các mỏm gai, mỏm ngang của cột sống tích tụ canxi. Đây có thể là dấu hiệu lão hóa tự nhiên theo thời gian, hoặc là biểu hiện của bệnh lý về cột sống.

Vôi hóa cột sống là một tình trạng thường gặp và tăng dần theo tuổi. Vôi hóa có thể xuất hiện ở bất kỳ phần nào của cột sống, bao gồm cột sống cổ (vôi hoá cột sống cổ), cột sống lưng (vôi hoá cột sống lưng) và thắt lưng. Cột sống cổ và cột sống thắt lưng là hai đoạn dễ bị vôi hoá nhất do chịu nhiều áp lực từ trọng lực cơ thể.

Các triệu chứng mà bệnh nhân thường gặp nhất, bao gồm:

  • Bệnh gây ra các cơn đau ở cột sống. Nếu tình trạng vôi hóa trở nên nghiêm trọng có thể chèn ép tủy sống và dây thần kinh, dẫn đến cảm giác đau đớn lan dọc theo đường đi của dây thần kinh bị ảnh hưởng. Vôi hoá tại cột sống cổ gây đau từ cổ lan xuống cánh tay hoặc đau từ lưng lan xuống chân khi vôi hoá tại đoạn thắt lưng.
  • Khi ảnh hưởng đến tủy sống và dây thần kinh, tình trạng này không chỉ dẫn đến tê bì, cảm giác như có kiến bò và nóng rát ở bàn tay, bàn chân mà còn có thể gây teo cơ.
  • Các triệu chứng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết thay đổi hoặc khi bệnh nhân vận động quá sức.

Nguyên nhân gây vôi hóa cột sống:  

  • Chủ yếu do suy giảm trao đổi chất, thiếu dinh dưỡng và số lượng tế bào bị thoái hóa ở người cao tuổi tăng lên.
  • Chấn thương và viêm cột sống có thể thúc đẩy quá trình thoái hóa, dẫn đến tình trạng vôi hóa cột sống ở bệnh nhân.
  • Người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh do ít vận động, làm việc lâu ở một tư thế khiến tế bào xương thiếu dinh dưỡng, vì khi vận động, các chất dinh dưỡng sẽ dễ dàng lưu thông đến cột sống hơn. 
Nguyên nhân gây vôi hóa cột sống chủ yếu do suy giảm trao đổi chất, thiếu dinh dưỡng.
Nguyên nhân gây vôi hóa cột sống chủ yếu do suy giảm trao đổi chất, thiếu dinh dưỡng.

2. Các biện pháp chẩn đoán

Việc chẩn đoán chính xác tình trạng vôi hóa cột sống đóng vai trò then chốt trong việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng:

  • Trước khi tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng, việc quan trọng là phải lưu ý và kiểm tra các dấu hiệu bệnh lý mà bệnh nhân thường gặp phải.
  • Chụp X-quang giúp hiển thị hình ảnh chi tiết các tổn thương trên xương cột sống và các cơ quan nội tạng nằm gần đó.
  • Chụp CT có thể đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh và xác định các biến chứng.
  • Sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.

3. Cách chữa vôi hóa cột sống

Vôi hóa cột sống cần được điều trị khi bệnh gây đau nhức cột sống hoặc tổn thương đến rễ thần kinh. Các cách chữa vôi hóa cột sống bao gồm:

  • Dùng thuốc: Việc sử dụng thuốc chống viêm giảm đau khi bị đau có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng đau nhức tại cột sống, đồng thời hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa cột sống. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giãn cơ hoặc áp dụng các liệu pháp như bó nến, chiếu tia cực tím, chạy sóng điện từ…
  • Không dùng thuốc: Vật lý trị liệu bao gồm các phương pháp như xoa bóp, siêu âm trị liệu, nhiệt trị liệu (chiếu đèn hồng ngoại, đắp nến...) và y học cổ truyền như bấm huyệt, châm cứu có hiệu quả trong việc giảm đau, giảm viêm tại cột sống. 
Vôi hóa cột sống có thể được điều trị bằng thuốc chống viêm giảm đau.
Vôi hóa cột sống có thể được điều trị bằng thuốc chống viêm giảm đau.

4. Lưu ý khi điều trị bệnh

Bệnh nhân cần lưu ý các vấn đề sau khi điều trị:

  • Thuốc giảm đau chống viêm tuy giúp giảm triệu chứng hiệu quả nhưng chỉ mang tính điều trị triệu chứng và tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ đối với đường tiêu hóa như viêm dạ dày, tá tràng. Do đó, bệnh nhân cần sử dụng một cách thận trọng, tránh dùng trong thời gian dài và phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, việc kết hợp với chế độ sinh hoạt, ăn uống và tập luyện hợp lý là vô cùng quan trọng.
  • Cần lưu ý tránh các tư thế sai lệch trong sinh hoạt và lao động, đặc biệt là hạn chế ngồi hoặc đứng lâu ở một tư thế. Đồng thời, tránh mang vác vật nặng quá sức hoặc thực hiện các động tác đột ngột, quá mạnh và sai tư thế.
  • Áp dụng chế độ ăn uống khoa học để duy trì cân nặng hợp lý, ngăn ngừa béo phì và hỗ trợ giảm cân hiệu quả khi thừa cân.
  • Nên duy trì thói quen tập luyện thường xuyên các môn thể thao vừa sức như bơi lội, đi bộ, đạp xe, yoga, dưỡng sinh...
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý đi kèm có nguy cơ ảnh hưởng, tổn thương cột sống như thoát vị đĩa đệm đốt sống, loãng xương,...
  • Cần theo dõi sát sao diễn biến bệnh và thông báo cho bác sĩ ngay khi có bất kỳ thay đổi bất thường hoặc dấu hiệu bệnh không thuyên giảm.
  • Do là bệnh mạn tính nên thuốc chỉ giúp giảm thiểu triệu chứng chứ không thể thay đổi những gì đã xuất hiện trên phim chụp X-quang. Do đó, việc duy trì lối sống lành mạnh là vô cùng quan trọng để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
  • Đây là một tình trạng lành tính chủ yếu do tuổi tác gây ra, vì vậy bệnh nhân không cần quá lo lắng. Việc giữ tinh thần thoải mái sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe