Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin là nhóm thuốc giúp người bệnh thuyên giảm các triệu chứng khó chịu do tình trạng dị ứng gây ra như ngứa mắt, hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi và phát ban da như nổi mề đay. Mặc dù phổ biến là dạng viên được uống bằng miệng, thuốc kháng histamin còn có dạng chất lỏng, dạng xịt hay dùng qua ngã trực tràng. Chính vì vậy, người dùng cần biết các lưu ý khi sử dụng thuốc kháng histamin sau đây để việc dùng thuốc được an toàn.

1. Thuốc kháng histamin là gì?

Thuốc kháng histamin được sử dụng để làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng của dị ứng như ngứa mắt, ngứa mũi, chảy nước mũi, ho khan, ngứa họng, nổi hồng ban trên da và các loại dị ứng khác.

Cơ chế hoạt động của thuốc kháng histamin là bằng cách ngăn chặn tác động của một chất gọi là histamin được sản xuất bởi các tế bào bạch cầu trong cơ thể khi tiếp xúc với dị nguyên từ môi trường bên ngoài. Chính histamin gây ra các triệu chứng ngứa, hắt hơi, sổ mũi và chảy nước mắt nhằm tống xuất các chất lạ, lập hàng rào phòng thủ bảo vệ cơ thể.

Thuốc kháng histamin phổ biến nhất là dùng ở dạng viên uống hoặc dạng lỏng. Bên cạnh đó, nhóm thuốc này còn được bào chế sử dụng trong thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc nhỏ mũi, thuốc xịt mũi, họng. Ngoài ra, thuốc kháng histamin cũng được dùng bằng đường tiêm để có tác dụng ngay lập tức cho các trường hợp gặp phải phản ứng dị ứng mức độ nghiêm trọng, nguy kịch đến tính mạng.

Vì thuốc kháng histamin nhìn chung thường được coi là an toàn cho hầu hết mọi người, bao gồm người lớn, trẻ em trên 2 tuổi và cả người lớn tuổi, nên thuốc rất sẵn có tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, nếu là phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Đồng thời, bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính như bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường... cũng không nên tự ý dùng thuốc kháng histamin.


Thuốc kháng histamin giúp giảm các triệu chứng của dị ứng
Thuốc kháng histamin giúp giảm các triệu chứng của dị ứng

2. Cần theo dõi gì khi dùng thuốc kháng histamin?

Thuốc kháng histamin trong đa số các trường hợp là thường được dung nạp tốt. Tuy nhiên, một số thuốc kháng histamin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Chính vì thế, các thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai mới hơn như loratadin, cetirizin... có khuynh hướng khắc phục nhược điểm này. Ngoài ra, mặc dù rất hiếm, thuốc kháng histamin cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như nhịp tim nhanh hoặc không đều, co giật, ảo giác, khó thở... Theo đó, khi có các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng thuốc và tái khám sớm.

Bên cạnh đó, trong khi dùng thuốc kháng histamin, người bệnh cần tránh uống rượu. Nguyên nhân là rượu có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc và đồng thời cũng cần lưu ý chặt chẽ khi dùng các thuốc an thần kết hợp với thuốc kháng histamin.


Thuốc kháng histamin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ
Thuốc kháng histamin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ

3. Nên sử dụng thuốc kháng histamin như thế nào?

Thuốc kháng histamin thường hiện diện khá phổ biến khi bệnh nhân có các triệu chứng của dị ứng trong một số bệnh lý mũi họng, hen suyễn, mắt và cả da liễu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chỉ là nhóm thuốc điều trị triệu chứng hơn là thuốc điều trị trọng tâm vào cơ chế sinh bệnh. Chính vì vậy, điều quan trọng là người bệnh phải tuân theo các hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, ngừng thuốc sớm khi các biểu hiện đã chấm dứt nhằm tránh lạm dụng thuốc.

Cụ thể là số lượng, liều dùng mỗi ngày và thời gian giữa các liều là tùy thuộc vào việc sử dụng thuốc kháng histamin có thời gian tác dụng ngắn như chlorpheniramine hay thuốc kháng histamin tác dụng dài như cetirizine. Nếu vô tình bỏ lỡ một liều, người bệnh có thể dùng liều đó càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc theo chỉ định mà không tăng gấp đôi liều để bù cho một liều đã quên.

Hướng dẫn sử dụng thuốc theo từng đường dùng như sau:

  • Đối với bệnh nhân dùng thuốc bằng miệng, uống thuốc kháng histamin cần dùng cùng với thức ăn hoặc một ly nước hoặc sữa để giảm bớt kích ứng dạ dày. Nếu dùng dạng viên nén phóng thích kéo dài, người bệnh cần nuốt cả viên thuốc nguyên vẹn mà không phá vỡ, nghiền nát hoặc nhai trước khi nuốt để bảo toàn hiệu quả của thuốc.
  • Đối với bệnh nhân dùng thuốc kháng histamin nhằm đề phòng cho chứng say tàu xe, cần dùng ít nhất 30 phút hoặc, thậm chí tốt hơn, 1 đến 2 giờ trước khi xe bắt đầu khởi hành nhằm đảm bảo thuốc kịp phát huy tác dụng.

Sử dụng thuốc trước 30 phút phòng say tàu xe
Sử dụng thuốc trước 30 phút phòng say tàu xe

  • Đối với bệnh nhân sử dụng thuốc dạng viên đạn, để chèn thuốc vào lòng trực tràng: Đầu tiên hãy tháo màng bọc và làm ướt viên thuốc đạn bằng nước. Sau đó, người bệnh nằm nghiêng trên giường và sử dụng một ngón tay để đẩy viên thuốc đạn lên trực tràng. Nếu viên thuốc quá mềm thì trước đó hãy làm lạnh tủ đông trong 30 phút hoặc ngâm trong nước lạnh trước khi tháo màng bọc.
  • Đối với thuốc kháng histamin dạng tiêm, việc sử dụng chỉ được thực hiện trong các tình huống cấp cứu và bởi các nhân viên y tế.

Việc lưu trữ thuốc kháng histamin cần trong lọ có nắp và đậy kín, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ. Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp trong nhiệt độ phòng. Một số thuốc dạng lỏng hay dạng xịt, gel thì có thể đậy kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, không đặt trong tủ đóng băng. Chú ý thời hạn sử dụng thuốc kể từ khi mở nắp, nhất là các dạng thuốc dùng tại chỗ như nhỏ mắt, mũi nhằm tránh lây nhiễm.


Trước khi sử dụng thuốc người bệnh cần được tư vấn về thuốc
Trước khi sử dụng thuốc người bệnh cần được tư vấn về thuốc

Tóm lại, bạn có thể dùng thuốc kháng histamin theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào triệu chứng nhằm thuyên giảm những khó chịu do tình trạng dị ứng gây ra. Tuy nhiên, điều tốt nhất vẫn là hạn chế tiếp xúc với các chất dị nguyên, chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, nhằm cải thiện triệu chứng một cách an toàn cũng như hạn chế các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: poison.org, familydoctor.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe