Bài viết bởi Dược sĩ Hoàng Nguyễn Kim Thoa - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng chlorpheniramin là buồn ngủ (tỷ lệ >10%), bạn có thể gặp buồn ngủ từ mức độ nhẹ đến trung bình khi dùng thuốc. Trên thị trường, chlorpheniramin có sẵn ở dạng viên uống, siro uống hoặc phối hợp trong các chế phẩm điều trị triệu chứng cảm cúm.
1. Chỉ định và chống chỉ định của Chlorpheniramin?
Chlorpheniramin là một thuốc kháng histamin thế hệ 1, được dùng trong điều trị các triệu chứng dị ứng như mẩn ngứa, mày đay, viêm mũi dị ứng hoặc dùng hỗ trợ giảm triệu chứng cảm cúm thông thường. Thuốc có tác dụng thông qua việc cạnh tranh tại vị trí tác dụng với histamin, một chất trung gian hóa học gây ra các phản ứng dị ứng.
Trên thị trường, chlorpheniramin có sẵn ở dạng viên uống, siro uống hoặc phối hợp trong các chế phẩm điều trị triệu chứng cảm cúm.
Không dùng chlorpheniramin nếu bạn bị quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc, bị bệnh glaucom góc đóng, phì đại tuyến tiền liệt có triệu chứng, tắc nghẽn môn vị, loét dạ dày tắc nghẽn hoặc tắc nghẽn cổ bàng quang. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có các vấn đề về bệnh đường hô hấp như khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản chưa được kiểm soát. Thận trọng khi dùng chlorpheniramin ở trẻ < 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Chỉ dùng trên các đối tượng này khi có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
2. Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng chlorpheniramin
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng chlorpheniramin là buồn ngủ (tỷ lệ >10%), bạn có thể gặp buồn ngủ từ mức độ nhẹ đến trung bình khi dùng thuốc. Không nên vận hành máy móc tàu xe khi sử dụng thuốc này. Ngoài ra, thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, tăng cảm giác thèm ăn, khô miệng, bí tiểu, rối loạn thị giác (nhìn đôi).
Không phải bệnh nhân nào cũng gặp tác dụng phụ của thuốc. Nếu gặp các biểu hiện khó chịu, bất thường sau khi dùng thuốc bạn nên trao đổi lại với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.
3. Chorpheniramin tương tác với thuốc nào?
Chlorpheniramin có thể tương tác với các thuốc bạn đang dùng. Tương tác có thể tăng nguy cơ tác dụng phụ của các thuốc, bao gồm các tác dụng phụ nghiêm trọng. Bạn cần trao đổi với bác sĩ và dược sĩ trước khi sử dụng chlorpheniramin nếu đang sử dụng các thuốc an thần gây ngủ, thuốc điều trị rối loạn tâm thần, giảm lo âu, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau opioid và tất cả các thuốc bạn đang dùng, đặc biệt nếu chưa nắm rõ tác dụng điều trị.
4. Quá liều và cách xử lý quá liều chlorpheniramin?
Mức liều thông thường của chlorpheniramin không quá 24mg/ngày ở người lớn và trẻ em >12 tuổi; không quá 12mg/ngày ở trẻ từ 6-12 tuổi; không quá 6mg/ngày ở trẻ từ 2-6 tuổi. Liều thuốc thường được chia 3-4 lần trong ngày, không dùng quá 4 lần trong vòng 24 giờ. Với trẻ <6 tuổi, không nên tự sử dụng thuốc mà không có đơn kê của bác sĩ. Không nên dùng thìa gia dụng để đong thuốc ở dạng siro cho trẻ em do tăng nguy cơ quá liều.
Cần tránh sử dụng nhiều chế phẩm thuốc cảm cúm do nguy cơ trùng lặp thuốc và quá liều có thể xảy ra.
Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm: Buồn ngủ (mức độ nặng), lú lẫn, yếu mệt, nhìn mờ, đồng tử giãn, miệng khô, sốt, run, ảo giác, co giật... Bạn cần tới cơ sở y tế gần nhất, mang theo thuốc đã dùng nếu có biểu hiện quá liều thuốc để được xử trí kịp thời
5. Cần lưu ý gì khi sử dụng chlorpheniramin?
Trao đổi với bác sĩ và dược sĩ về các bệnh lý mạn tính, tình trạng có thai, cho con bú và các thuốc bạn đang sử dụng trước khi dùng thuốc
- Tránh sử dụng rượu trong khi dùng thuốc
- Không dùng quá liều được kê đơn hoặc liều khuyến cáo trong tờ hướng dẫn sử dụng
- Báo bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ biểu hiện khó chịu hay bất thường sau khi sử dụng thuốc
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM