Nổi cục cứng nhỏ dưới da có khả năng do nhiều loại khối u, trong đó phổ biến nhất là u nang biểu bì. Mặc dù không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung, nhưng loại u này có thể gây nhiều phiền phức đến đời sống thường ngày nếu như bạn không biết cách khắc phục.
1. Nổi cục cứng nhỏ dưới da do u nang biểu bì - đó là gì?
U nang biểu bì còn có tên gọi khác là u bã nhờn, hoặc u nang biểu mô/ u chất sừng, được đặc trưng bởi tình trạng nổi cục cứng nhỏ dưới da. Các nốt u này thường phát triển chậm nhưng phát triển nhiều lần ở cùng vị trí, đặc biệt rất khó để trở thành một khối u ác tính.
Những cục u nang biểu bì này thường xuất hiện ở đầu, trên mặt, trên cổ, phía sau lưng hay trên bộ phận sinh dục ở cả nam và nữ, có kích thước dao động từ khoảng 6mm đến 50mm. U nang biểu bì không gây ra triệu chứng cụ thể với hình dạng tương tự như một vết sưng nhỏ trên da, có chứa chất đặc bên trong và thường có mùi. Loại u này không gây cảm giác đau, thường có màu vàng hoặc màu sẫm.
2. Đặc điểm cụ thể của một u nang
Ngoài việc đó là một cục u cứng và nhỏ phát triển dưới da, u nang biểu bì còn có một số đặc điểm sau:
- Thường có hình tròn hoặc hình oval, mềm nhưng chắc chắn.
- Ở trung tâm của u nang thường có một lỗ đen, tương tự như mụn đầu đen phát triển trên mũi.
- U nang biểu bì rất thường xuất hiện ở mặt, trên cổ hoặc bộ phận sinh dục nam / nữ.
- Phần vỏ của u nang mỏng, bao quanh một lượng chất dịch bên trong chứa nhiều mảnh lipid, keratin... khiến chất nhầy có màu trắng hoặc vàng, có mùi hôi khó chịu.
- Khi vỡ, nếu như không có biện pháp kháng khuẩn phù hợp, chúng có thể gây tình trạng viêm/ nhiễm trùng, sưng và đau.
3. Điều gì gây ra nổi cục cứng nhỏ dưới da?
U nang biểu bì với biểu hiện là các cục cứng nhỏ hình thành - phát triển bên dưới da - có nguyên nhân chủ yếu đến từ sự tích lũy dài hạn chất sừng hay keratin (một loại protein tự nhiên được sản sinh bên trong các tế bào da). Khi lượng protein này bị mắc kẹt quá nhiều dưới da, chúng sẽ tạo ra một khối u sưng lên nhưng không gây ra cảm giác đau.
Sự tích lũy tế bào sừng thường là sự đáp ứng đối với các tình trạng sức khỏe như chấn thương ở da, do mụn trứng cá, nhiễm virus HPV hay thường xuyên tiếp xúc với nắng mặt trời.
Đặc biệt, một số yếu tố sau có thể làm gia tăng nguy cơ nổi cục cứng nhỏ dưới da:
- Đang trong giai đoạn dậy thì (ở cả nam và nữ)
- Có sự tổn thương nhất định trên bề mặt da.
- Liên quan đến yếu tố di truyền hiếm.
- Người đã từng bị tái phát nhiều lần tình trạng mụn trứng cá...
4. U nang biểu bì thường diễn tiến ra sao?
Khi bắt đầu hình thành, u nang biểu bị thường không gây ra triệu chứng đau khó chịu, vì vậy khi nó mọc ở một số nơi được che chắn kín đáo, bệnh nhân thường không quá quan tâm. Tuy nhiên, trong trường hợp u nang tiến triển thành các giai đoạn khác, chúng sẽ để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, gồm:
- Viêm u nang: khi bị sưng, u có thể bị viêm khi chịu tác động từ bên ngoài và khi đó, rất khó để phẫu thuật loại bỏ.
- Vỡ u nang biểu bì: khi vỡ, phần chất dịch nhầy màu vàng bên trong u nang sẽ chảy ra ngoài và có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da.
- Áp xe do u nang biểu bì: trong trường hợp u bị nhiễm trùng nghiêm trọng với dấu hiệu sưng tấy, nóng đỏ và đau dữ dội, dịch tiết chứa trong u có thể lẫn máu khi dẫn lưu.
- Trong trường hợp nguy hiểm nhất, các u nang biểu bì có thể gây ra ung thư da. Tuy nhiên, đây là trường hợp diễn tiến cực kỳ hiếm.
5. Chẩn đoán tình trạng u nang biểu bì như thế nào?
Ngoài hiện tượng nổi cục cứng nhỏ dưới da, các bác sĩ sẽ kiểm tra thêm mức độ sưng của u cũng như vùng da xung quanh cục u này, đồng thời, bạn cũng cần trả lời một cách chân thật một số câu hỏi của bác sĩ, bao gồm thông tin chi tiết về thời gian hình thành cũng như sự thay đổi của u nang dần theo thời gian.
Để chẩn đoán bệnh nhân bị u nang biểu bì, thường các bác sĩ chỉ cần kiểm tra lâm sàng. Ở một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần thực hiện các xét nghiệm khác để có kết quả chính xác hơn:
- Xét nghiệm máu và dịch tiết: thường không cần thiết đối với chẩn đoán ban đầu, nhưng trong trường hợp u nang bị nhiễm trùng tái phát cũng như không đáp ứng tốt đối với kháng sinh, vi khuẩn có trong mẫu dịch của u nang sẽ được lấy mẫu để nuôi cấy cũng như thử trên kháng sinh đồ.
- Chẩn đoán u nang biểu bì dựa trên hình ảnh: trong trường hợp u nang đang ở vị trí bất thường như xương hoặc trên vú, các bác sĩ có thể tiến hành một số kỹ thuật hình ảnh như chụp X-Quang, siêu âm, MRI... để đảm bảo đó không phải là một khối u ác tính.
- Một số xét nghiệm chẩn đoán khác: khi nổi cục cứng nhỏ dưới da ở các vị trí bất thường, bên cạnh chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ có thể chọc hút u nang để quan sát tìm keratin dưới kính hiển vi.
6. Điều trị tình trạng nổi cục cứng dưới da như thế nào?
Thông thường, u nang biểu bì có thể không cần đến điều trị, tuy nhiên chúng có thể xẹp và lại tái phát trong thời gian ngắn chứ không biến mất tự nhiên một cách hoàn toàn. Trong trường hợp u nang gây ra bất lợi liên quan đến tính thẩm mỹ, một số giải pháp sau được đề nghị để khắc phục tình trạng nổi cục cứng nhỏ dưới da.
6.1. Rạch u nang và dẫn lưu chất dịch
Ở giải pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt một vết nhỏ ở u nang, sau đó đẩy toàn bộ chất dịch nhầy bên trong u nang ra ngoài. Tuy là một phương pháp điều trị đơn giản, nhưng u nang có thể tái phát trở lại.
6.2. Tiểu phẫu cắt bỏ u nang biểu bì hoàn toàn
Đối với phẫu thuật này, u nang của bạn sẽ được loại bỏ hoàn toàn giúp ngăn ngừa khả năng tái phát của nó. Bạn không cần quá lo lắng khi tiến hành phương pháp này, bởi đây là phẫu thuật nhỏ nhưng có độ hiệu quả cao và tương đối an toàn đối với u nang biểu bì.
6.3. Điều trị u nang cứng dưới da bằng thuốc
Trong trường hợp u nang sưng đau và thay đổi kích thước nhanh chóng, bị nhiễm trùng... thì bạn cần phải sử dụng đến thuốc để điều trị, trong đó bao gồm kháng sinh, tiêm thuốc và dẫn lưu hỗ trợ tiêu sưng - giảm đau cho bệnh nhân.
Có thể nói, nổi cục cứng nhỏ dưới da thường liên quan đến sự hình thành của u nang biểu bì. Loại u này không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng lại khiến cuộc sống của bạn gặp nhiều phiền phức nếu hình thành ở những vị trí “mặt tiền” bên ngoài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.