U xơ tử cung là sự hình thành khối u ở thành của cơ tử cung. Hầu hết các khối u xơ là lành tính, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây một số biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Vậy điều trị u xơ tử cung như thế nào và cần lưu ý gì khi dùng thuốc điều trị u xơ tử cung?
1. U xơ tử cung là bệnh gì?
U xơ tử cung là khối u lành tính ở cơ quan sinh sản của phụ nữ. Tỷ lệ bệnh xảy ra ở 70% phụ nữ độ tuổi trên 45 và chỉ khoảng 1% tiến triển ác tính thành ung thư tử cung.
U xơ tử cung là sự xuất hiện các u nhú nguồn gốc từ cơ trơn, kích thước từ 1 - 20mm, thậm chí có thể to bất thường đến 100mm hoặc hơn. Vị trí xuất hiện của khối u thường gặp là dưới thanh mạc, trong cơ, đôi khi có thể xuất hiện trong dây chằng rộng buồng trứng, vòi trứng hoặc cổ tử cung.
Hầu hết các u xơ có nhiều nhân xơ, mỗi nhân xơ phát triển từ một tế bào cơ trơn hợp lại. U xơ sẽ phát triển nhanh và to ra trong độ tuổi sinh đẻ do sự gia tăng nồng độ của estrogen, đến tuổi mãn kinh kích thước của khối u sẽ giảm dần.
2. Phân loại và triệu chứng u xơ tử cung
U xơ tử cung có thể phân thành 4 loại thường gặp dựa vào vị trí xuất hiện:
- U xơ tử cung dưới niêm mạc: Khối u xơ phát triển trong nội mạc tử cung, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và quá trình sinh sản như gây sẩy thai, vô sinh. Đây là vị trí nguy hiểm nhất cần được chỉ định thuốc điều trị u xơ tử cung.
- U xơ tử cung dưới thanh mạc: Khối u xơ xuất hiện ở tử cung và phát triển hướng ra phía ngoài của tử cung.
- U xơ tử cung trong vách: Xuất hiện từ các thành trước, thành sau hoặc thành bên của tử cung. Khi khối u này phát triển thì tử cung cũng bị to ra.
- U xơ tử cung có cuống: Khối u không dính vào tử cung mà tách rời ra phía ngoài nhưng vẫn liên kết với tử cung bằng một cuống nhỏ.
Triệu chứng của u xơ tử cung:
- Chảy máu tử cung bất thường, rong kinh, rong huyết.
- Trường hợp khối u xơ có cuống bị xoắn có thể dẫn đến đau bụng do tăng áp lực trong ổ bụng.
- Tiểu nhiều, tiểu ngắt quãng do khối u chèn ép bàng quang.
- Bị táo bón.
- Nguy cơ vô sinh ơ.
- Trong giai đoạn thai kỳ, khối u xơ có thể gây sảy thai tự nhiên hoặc sảy thai thứ phát, tăng tần suất các cơn co thắt sớm, ngôi thai bất thường, chảy máu sau sinh,...
3. Nguyên nhân gây u xơ tử cung
Hiện nay chưa khẳng định chính xác nguyên nhân gây u xơ tử cung. Một số nghiên cứu cho thấy sự thay đổi nội tiết tố nữ estrogen có ảnh hưởng đến sự hình thành nhân xơ. Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi làm gia tăng tỷ lệ và mức độ phát triển bệnh như:
- Di truyền: Nếu người mẹ có u xơ tử cung thì khả năng cao di truyền cho con gái, các cặp trẻ sinh đôi cùng trứng có tỷ lệ u xơ cao hơn sinh đôi khác trứng.
- Ở bệnh nhân u xơ tử cung nồng độ hormone estrogen và progesterone cao hơn người bình thường. Khối u xơ sẽ teo lại hoặc biến mất vào thời kỳ mãn kinh do giảm nồng độ estrogen.
- Sử dụng ma túy, chất kích thích làm tăng nồng độ estrogen trong máu.
- Thừa cân, béo phì ở độ tuổi trung niên.
- Mắc các bệnh lý phụ khoa, viêm nhiễm kéo dài không điều trị.
- Chế độ ăn uống ít rau xanh, ăn nhiều thịt đỏ, sử dụng rượu bia và chất kích thích.
- Căng thẳng, stress kéo dài.
4. Biến chứng của u xơ tử cung
Một số biến chứng có thể gặp khi không điều trị u xơ tử cung kịp thời:
- Thiếu máu: U xơ gây cường kinh, rong kinh, rong huyết, chảy máu âm đạo bất thường gây thiếu máu, xanh xao, mệt mỏi, có thể nguy hiểm đến tính mạng khi mất lượng máu lớn trong thời gian ngắn.
- Chèn ép các cơ quan lân cận: Khi kích thước khối u quá lớn gây chèn ép bàng quang làm tiểu khó, tiểu rắt, ứ đọng nước tiểu, sỏi thận, viêm đường tiết niệu; chèn ép trực tràng gây táo bón kéo dài; chèn ép tĩnh mạch cửa gây phù chi dưới.
- Xoắn khối u dưới phúc mạc: Gây đau đớn dữ dội, nôn mửa, choáng, ngất.
- Nhiễm khuẩn: Có thể gây nhiễm khuẩn ở khu vực u xơ và cơ quan lân cận, dẫn đến viêm phúc mạc, viêm tắc vòi trứng,...
- Hiếm muộn và vô sinh: U xơ phát triển làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, không phóng noãn, tăng nồng độ estrogen, không thể thụ thai. Ngoài ra, khối u còn chèn ép cơ trơn tử cung, ngăn chặn trứng và tinh trùng gặp nhau. Niêm mạc tử cung yếu khiến hợp tử không thể bám vào để làm tổ.
- Sảy thai: Mất cân bằng nội tiết, tử cung co bóp bất thường làm gia tăng nguy cơ sảy thai.
5. Các thuốc điều trị u xơ tử cung
5.1. Thuốc Tây y điều trị u xơ tử cung
Nếu các u xơ không có triệu chứng thì không cần điều trị, theo dõi và kiểm tra sức khỏe mỗi 6-12 tháng. Trường hợp các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị u xơ tử cung, bao gồm:
- Các chất chủ vận GnRH giúp giảm các triệu chứng bệnh.
- Thuốc Progestin ngoại sinh; thuốc kháng progestin.
- Thuốc chọn lọc thụ thể estrogen phân tử (SERM).
- Danazol.
- Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Acid tranexamic.
Khi các phương pháp điều trị thuốc không hiệu quả, khối u gia tăng kích thước và ảnh hưởng đến sức khỏe thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bóc tách khối u. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung sẽ được chỉ định đối với phụ nữ không còn trong độ tuổi sinh con và khối u kích thước lớn, nghi ngờ ác tính,...
5.2. Các thuốc Y học cổ truyền điều trị u xơ tử cung
Một số thuốc Y học cổ truyền có hiệu quả cao trong điều trị u xơ tử cung bao gồm:
- Trinh nữ hoàng cung: Tác dụng hành khí, tiêu viêm, giảm đau, thanh nhiệt, tiêu ung; công dụng làm giảm kích thước và sự phát triển của khối u. Ngoài điều trị u xơ tử cung, bài thuốc từ cây trinh nữ hoàng cung còn có tác dụng trong điều trị các bệnh lý phụ khoa khác như u nang buồng trứng, viêm nhiễm phụ khoa,...
- Tía tô: Tác dụng của tía tô đó là chống oxy hóa, chống viêm, tiêu diệt khối u. Do đó, sử dụng tía tô như thực phẩm hàng ngày giúp ngăn ngừa sự phát triển và các biến chứng của khối u. Đây được xem như là vị thuốc điều trị u xơ tử cung hiệu quả.
- Kinh giới: Với tác dụng hoạt huyết, chỉ thống, hóa ứ, tiêu u, tía tô được sử dụng như một thực phẩm hàng ngày hoặc kết hợp với các vị thuốc khác tạo thành bài thuốc để làm tiêu khối u xơ tử cung.
- Cây xạ đen: Loại cây này căng sức đề kháng, ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào sinh u, các tế bào ung thư. Công dụng chữa các rối loạn kinh nguyệt, giảm triệu chứng chảy máu trong bệnh lý u xơ.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị u xơ tử cung
Khi sử dụng thuốc điều trị u xơ tử cung cần lưu ý như sau:
- Chất chủ vận GnRH là thuốc điều trị u xơ tử cung thường dùng nhất, có thể làm giảm sản xuất estrogen, giảm nồng độ của estrogen trong máu từ đó giảm kích thước khối u trước phẫu thuật, đồng thời cũng làm giảm các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên không được sử dụng thuốc kéo dài vì khối u có thể gia tăng kích thước sau 6 tháng điều trị, thuốc làm mất chất khoáng ở xương, tăng nguy cơ loãng xương. Nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài, cần chỉ định thêm liệu pháp bổ sung estrogen.
- Các thuốc nhóm Progestins ngoại sinh có thể làm giảm sự tăng trưởng của u xơ, giảm chảy máu ở tử cung. Tuy không tác dụng nhiều bằng chất chủ vận GnRH nhưng thuốc có thể sử dụng dài ngày và liên tục.
- Các thuốc chống progestin (Mifepristone) liều cao tác dụng đình chỉ thai (200mg), chỉ dùng liều thấp (5-50mg), thường không có dạng bào chế sẵn. Vì vậy, khi sử dụng cần được chỉ định và pha chế bởi dược sĩ hoặc nhân viên y tế.
- Danazol (chất chủ vận thụ thể androgen) tác dụng ngăn chặn sự tăng trưởng của u xơ, nhưng gây nhiều tác dụng phụ như tăng cân, mụn trứng cá, dị ứng, phù nề, rụng tóc, khô âm đạo, đổ mồ hôi,... do đó ít được chỉ định sử dụng làm thuốc điều trị u xơ tử cung.
- NSAIDs là thuốc điều trị triệu chứng đau của u xơ tử cung. Tuy nhiên, thuốc không làm giảm khả năng chảy máu, tăng nguy cơ bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng.
- Đối với các bài thuốc Đông y trị u xơ tử cung, người bệnh cần tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng.
Như vậy, u xơ tử cung là một bệnh lý tuy lành tính nhưng nếu không được điều trị và xử trí kịp thời sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Việc dùng thuốc điều trị u xơ tử cung phải được sự chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.