Tiêu chảy là bệnh lý thường gặp ở tất cả các độ tuổi. Các nguyên nhân gây tiêu chảy có thể bao gồm nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus, ngộ độc thức ăn... Điều trị tiêu chảy không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như mất nước, suy nhược cơ thể thậm chí là tử vong. Vì vậy người bệnh không được chủ quan và cần sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy cấp đúng cách và đúng chỉ định.
1. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân toàn nước hoặc phân lỏng từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ bú mẹ, việc đi ngoài phân lợn cợn nhiều lần trong ngày vẫn được xem là bình thường, để xác định trẻ có bị tiêu chảy không cần dựa vào sự thay đổi tính chất phân.
Tiêu chảy không quá 14 ngày được gọi là tiêu chảy cấp. Tiêu chảy từ 14 ngày trở lên được gọi là tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy trên 30 ngày được gọi là tiêu chảy mạn tính.
Các nguyên nhân gây tiêu chảy bao gồm:
- Nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng. Đây là nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến ở trẻ em, trong đó phổ biến nhất là tiêu chảy gây ra do Rota Virus, tiếp đến là độc tố của vi khuẩn do ngộ độc thực phẩm, amip, lỵ trực khuẩn;
- Thức ăn làm rối loạn đường tiêu hóa, dị ứng với thức ăn hoặc thành phần cụ thể trong thức ăn;
- Tiêu chảy do dùng thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc hóa trị, thuốc nhuận tràng chứa Magie;
- Tiêu chảy là triệu chứng của một bệnh lý khác như bệnh viêm ruột, hội chứng kém hấp thu, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích;
- Tiêu chảy khi uống sữa do không dung nạp đường Lactose;
- Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm xạ trị, cắt bỏ một phần dạ dày, rối loạn dây thần kinh...
2. Thuốc điều trị tiêu chảy cấp
2.1. Nhóm thuốc hấp phụ và tạo khối
Các thuốc trong nhóm hấp phụ và tạo khối bao gồm Attapulgit, Calci Polycarbiphil, Diosmectit. Nhóm thuốc này được cho là có tác dụng hấp phụ các chất trong lòng ruột, kể cả nước hay độc tố, góp phần tạo khối cho phân. Cần lưu ý khi sử dụng các thuốc này vì thuốc dùng cùng với thuốc hấp phụ và tạo khối cũng có thể bị hấp phụ và giảm tác dụng.
Diosmectit là một trong các thuốc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em. Hiệp hội tiêu hóa Nhi khoa Châu Âu và hiệp hội Nhiễm trùng Nhi khoa Châu Âu có gợi ý cân nhắc dùng Diosmectit kiểm soát triệu chứng tiêu chảy trong điều trị viêm đường tiêu hóa cấp ở trẻ em trên 2 tuổi. Tác dụng của Diosmectit ở người trưởng thành vẫn chưa rõ ràng. Về mặt lý thuyết, Diosmectit làm giảm lượng phân thải ra, qua đó giúp làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa mất dịch.
2.2. Nhóm thuốc giảm nhu động ruột
Các thuốc trong nhóm này chủ yếu thuộc nhóm opiat và dẫn chất opioid, bao gồm Loperamid và phối hợp Diphenoxylat với Atropin Sulfat.
Tác dụng của nhóm thuốc giảm nhu động ruột là kéo dài thời gian di chuyển dưỡng trấp trong lòng ruột, tăng thời gian tái hấp thu nước, qua đó giảm số lượng phân và giảm lượng dịch có thể mất qua phân.
Các thuốc giảm nhu động ruột thuộc nhóm thuốc điều trị tiêu chảy ở người lớn, không dùng trong trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Chống chỉ định sử dụng Loperamid ở trẻ em dưới 12 tuổi và chống chỉ định sử dụng Diphenoxylat ở trẻ em dưới 6 tuổi.
Loperamid an toàn khi sử dụng với liều khuyến cáo như sau: Liều khởi đầu uống 4mg, sau đó uống mỗi 2mg sau mỗi lần đi phân lỏng, tổng liều dùng không quá 16mg/ngày. Liều cao Loperamid có thể dẫn đến biến cố nghiêm trọng như loạn nhịp tim và tử vong. Người bệnh sử dụng liều cao Loperamid hoặc dùng kèm với thuốc làm tăng tác dụng của Loperamid có thể gặp các triệu chứng như đánh trống ngực, nhịp tim bất thường, choáng váng, chóng mặt, khó thở và ngất. Nếu gặp các triệu chứng trên người bệnh cần ngưng sử dụng Loperamid và liên hệ với nhân viên y tế.
2.3. Nhóm thuốc chống tiết dịch
Các thuốc trong nhóm này bao gồm Bismuth Subsalicylat, Octreotid, Racecadotril.
Bismuth Subsalicylat có tác dụng chống tiết dịch và kháng khuẩn, được dùng trong điều trị tiêu chảy cấp. Chỉ định chủ yếu của Bismuth Subsalicylat là thuốc điều trị tiêu chảy cấp ở người trưởng thành. Chống chỉ định sử dụng thuốc ở trẻ em dưới 16 tuổi.
Octreotid được chỉ định trong điều trị tiêu chảy do tiết dịch nghiêm trọng liên quan đến hóa trị/ung thư, bệnh HIV, đái tháo đường, cắt dạ dày và u đường tiêu hóa. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Octreotid bao gồm đầy bụng, buồn nôn, đau tại nơi tiêm và sỏi mật.
Racecadotril có tác dụng chống tiết dịch, là thuốc điều trị tiêu chảy ở trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi. Khi vào trong cơ thể, Racecadotril thủy phân thành thiorphan là chất có hoạt tính ức chế chọn lọc trên enzym Enkephalinase, qua đó ngăn quá trình thoái giáng enkephalin nội sinh và làm giảm bài tiết nước và chất điện giải vào lòng ruột.
2.4. Probiotic, Prebiotic và Synbiotic
Probiotic là các chế phẩm chứa bào tử vi sinh có lợi cho hệ vi sinh vật đường ruột và ngăn chặn phát triển các vi khuẩn gây hại. Một số chủng Probiotic có thể kể đến như Lactobacillus, Bifidobacterium, Saccharomyces boulardii...
Prebiotic có thành phần từ thực phẩm mà không bị tiêu hóa, có thể lên men trong đường ruột và kích thích vi khuẩn có lợi phát triển. Các Prebiotic phổ biến bao gồm Oligofructose, Inullin, Lactulose, Oligosaccharid từ sữa...
Synbiotic là sản phẩm kết hợp giữa Probiotic và Prebiotic.
2.5. Kháng sinh
Kháng sinh kinh nghiệm không nên được sử dụng trong điều trị tiêu chảy cấp, trừ khi xác định được nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy hoặc tiêu chảy du lịch. Phần lớn tiêu chảy nhiễm trùng là do virus, vì vậy kháng sinh không được khuyến cáo sử dụng vì không có hiệu quả, trừ khi xác định được tiêu chảy do vi khuẩn gây ra.
Cân nhắc dùng kháng sinh kinh nghiệm trong trường hợp người bệnh bị suy giảm miễn dịch có sốt và các triệu chứng khác kèm theo như phân lẫn máu hoặc trẻ em dưới 3 tháng tuổi bị tiêu chảy nặng. Kháng sinh kinh nghiệm ở người trưởng thành thường là Fluoroquinolon, Azithromycin, ở trẻ em là Cephalosporin thế hệ 3 hoặc Azithromycin.
2.6. Dung dịch bù nước và điện giải
Tiêu chảy làm cơ thể bị mất nước quá mức, người bệnh cần dùng dung dịch bù nước và chất điện giải nhằm bổ sung lại lượng nước cần thiết cho cơ thể. Thành phần trong dung dịch bù nước điện giải bao gồm đường glucose, nước, muối Kali và muối Natri...
Đối với trẻ em nhỏ hơn 10 tuổi, sau mỗi lần đi ngoài phân lỏng cần dùng 10ml/kg cân nặng dung dịch bù nước nhằm ngăn ngừa cơ thể bị mất nước. Tuy nhiên trong 4 giờ đầu bị tiêu chảy nên uống 75ml/kg cân nặng dung dịch bù nước để bù nước kịp thời.
3. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị tiêu chảy cấp
Các thuốc điều trị tiêu chảy đều có chỉ định cụ thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau khi sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy cấp:
- Người có tiền sử bệnh lý về gan, người bệnh đang điều trị bằng các loại thuốc khác hoặc có triệu chứng đi ngoài phân lẫn máu, kèm sốt không nên tự ý điều trị tiêu chảy tại nhà;
- Các thuốc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em nên được chỉ định bởi bác sĩ có chuyên môn, tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em dưới 12 tuổi;
- Không sử dụng đồng thời các thuốc điều trị tiêu chảy;
- Trường hợp các triệu chứng bệnh không cải thiện sau khi dùng thuốc, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám chính xác hơn;
- Khi tần suất đi ngoài lớn hơn 6 lần/ngày cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tiêu chảy cấp nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy người bệnh cần hiểu được tác dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy để hạn chế những tác dụng phụ không đáng có. Hi vọng những thông tin từ bài viết trên sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để giúp bạn đọc có thể những kiến thức về tiêu chảy và các nhóm thuốc điều trị tiêu chảy cấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.