Lưu ý khi dùng thuốc chống co thắt bàng quang

Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu được lọc ra từ thận và thải ra ngoài khi đầy. Khi một người bị chứng bàng quang tăng hoạt sẽ không thể kiểm soát mức độ khi đi tiểu và số lần đi tiểu trong ngày. Trong trường hợp này người bệnh thường chỉ định dùng thuốc chống co thắt bàng quang để cơ thể có thể sinh hoạt được bình thường.

1. Bệnh co thắt bàng quang

Co thắt bàng quang hay còn gọi là bàng quang tăng hoạt. Hội chứng này thường gặp ở những người cao tuổi. Đây là tình trạng tiểu gấp, có hoặc không kèm theo són tiểu gấp, thường kèm theo tiểu nhiều lần và tiểu đêm.... Mặc dù, hội chứng bàng quang tăng hoạt không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu cho người bệnh và làm giảm chất lượng sống. Một số biện pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt bao gồm: điều chỉnh chế độ sinh hoạt hàng ngày và cách ăn uống, hoặc dùng một số thuốc đặc trị. Trong trường hợp không cải thiện triệu chứng thì xem xét thực hiện một số thủ thuật can thiệp.

2. Thuốc chống co thắt bàng quang là gì?

Trong trường hợp bị nặng, có thể cần được điều trị phối hợp giữa điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dùng thuốc kháng muscarinic. Các loại thuốc kháng muscarinics có tác dụng làm giảm sự co bóp của cơ chóp bàng quang. Thuốc kháng muscatinics gồm có darifenacin, solifenacin, tolterodine, fesoterodine, oxybutyninvà trospium.

Tác dụng ngoài ý của các thuốc kháng muscarinics là khô miệng, nhức đầu, tim đập nhanh, mờ mắt, nóng mặt, khó tiêu, táo bón...

Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc sau:

Thuốc Imipramine

  • Tác dụng chống trầm cảm ba vòng, tác dụng kháng cholinergic, và chất chủ vận alpha
  • Liều dùng 25 mg uống vào ban đêm; có thể tăng theo từng bước từ 25 mg đến liều tối đa là 150 mg
  • Imipramine rất hữu ích cho tiểu đêm và thể phối hợp các loại tiểu không tự chủ gây ra bởi bàng quang tăng hoạt và sự suy yếu đường ra của bàng quang.
  • Được chấp nhận như là liệu pháp bổ trợ tạm thời để giảm đái dầm ở trẻ em ≥ 6 tuổi.

Thuốc chẹn alpha-adrenergic

  • Ở nam giới, các thuốc chẹn alpha-adrenergic làm giảm các triệu chứng tắc nghẽn đường ra, có thể làm giảm thể tích tồn dư sau khi đi tiểu và trở kháng đường ra và làm tăng tốc độ dòng chảy. Có hiệu quả trong vài ngày đến vài tuần.
  • Tác dụng ngoại ý bao gồm hạ huyết áp, mệt mỏi, suy nhược, và chóng mặt.

Thuốc Oxybutynin

  • Giãn cơ trơn; kháng cholinergic, không chọn lọc muscarinic, và hiệu quả gây tê tại chỗ.
  • Loại tác dụng nhanh: 2,5-5 mg uống 3 đến 4 lần/ngày
  • Loại tác dụng kéo dài: 5-30 mg uống 1 lần/ngày
  • Oxybutynin là thuốc hiệu quả nhất được sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt chịu trách nhiệm cho tiểu gấp hoặc tiểu không tự chủ dưới áp lực.
  • Hiệu quả có thể tăng theo thời gian.
  • Tác dụng ngoại ý bao gồm các tác dụng kháng cholinergic (ví dụ: khô miệng, táo bón), có thể gây trở ngại cho việc tuân thủ và làm tăng tình trạng tiểu không tự chủ.
  • Tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn với các dạng phóng thích kéo dài và qua da.

3. Lưu ý khi dùng thuốc chống co thắt bàng quang

Để đảm bảo an toàn khi điều trị co thắt bàng quang bằng thuốc, bạn cần chú ý đến những thông tin liên quan đến thuốc. Những thông tin này bao gồm chống chỉ định, tương tác thuốc và một số tác dụng phụ của thuốc có thể gặp.

Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định thuốc. Hoặc bạn đang sử dụng các loại thuốc, vitamin, thảo dược khác. Cụ thể như sau:

Đối tượng chống chỉ định – nhóm đối tượng này không nên được sử dụng thuốc. Bao gồm:

  • Đang hoặc có tiền sử bị dị ứng, mẫn cảm với thuốc hoặc bất kỳ tá dược nào trong thuốc.
  • Đang bị chảy máu, tắc nghẽn đường tiêu hóa như dạ dày, ruột hoặc các vấn đề khác liên quan đến đường ruột.
  • Đang bị chảy máu, tắc nghẽn bàng quang và không thể đi tiểu.
  • Đối tượng trẻ em.

Đối tượng cần thận trọng – Cần lưu ý điều chỉnh liều lượng hoặc cân nhắc giữa lợi ích, nguy cơ trước khi dùng. Bao gồm:

  • Đang/có tiền sử bị tăng nhãn áp.
  • Đang/có tiền sử bị các vấn đề khác liên quan đến tiểu tiện.
  • Phụ nữ có thai, đang có ý định mang thai, đang cho con bú.
  • Không khuyến khích sử dụng cho người lớn trên 65 tuổi.

Tương tác thuốc – Các loại thuốc có thể phản ứng với khoảng 315 loại thuốc và thay đổi tác dụng hoặc tăng nguy cơ bị tác dụng phụ. Đặc biệt là những nhóm thuốc sau:

  • Các loại thuốc kháng Cholinergic: Ví dụ như Scopolamine, Atropine, Alkaloids, Belladonna, Trihexyphenidyl.
  • Thuốc chống co thắt: Ví dụ như Dicyclomine, Clidinium.
  • Thuốc Bisphosphonate: Ví dụ như Etidronate, Alendronate, Risedronate.
  • Các loại viên nén kali, pramlintide.
  • Thuốc giảm đau Opioid, thuốc giảm ho, thuốc ngủ, thuốc giảm rối loạn lo âu, thuốc giãn cơ, thuốc kháng histamine hoặc các loại thuốc khác có thể gây buồn ngủ.
  • Không sử dụng thuốc chung với rượu bởi có thể làm tăng khả năng ức chế lên hệ thần kinh trung ương.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, tốt cho sức khỏe, người bệnh trước khi sử dụng thuốc chống co thắt bàng quang cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên môn để từ đó có những chỉ định về liều lượng sao cho phù hợp. Nghiêm cấm việc tự ý dùng thuốc, bởi điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe