Lưu ý khi chữa tủy răng số 6 và 7

Chữa tủy răng là một trong những kỹ thuật nha khoa phổ biến khi răng bị tổn thương tuỷ. Mọi răng đều có thể điều trị bằng phương pháp này trong đó có răng hàm số 6 và số 7. Mục đích chính của chữa tủy răng là chấm dứt tình trạng đau nhức dai dẳng do răng bị sâu, nứt, hư hỏng,... gây ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những lưu ý khi chữa tủy răng số 6 và 7.

1. Chữa chữa tủy răng số 6 và chữa tủy răng số 7 là gì?

Bên trong răng, dưới lớp men trắng và một lớp cứng gọi là ngà răng, một mô mềm gọi là tủy răng. Tủy răng có chứa các mạch máu, dây thần kinh, các mô liên kết và tạo ra các mô cứng xung quanh của răng trong quá trình phát triển.

Tủy răng kéo dài từ thân răng đến đầu chân răng, nơi nó kết nối với các mô xung quanh chân răng. Tủy răng rất quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của răng. Tuy nhiên, một khi răng đã trưởng thành hoàn toàn, nó có thể tồn tại mà không cần đến tủy răng, vì răng vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng bởi các mô xung quanh nó.

Trên cung hàm, răng số 6 và răng số 7 là hai răng vĩnh viễn đảm nhiệm chức năng chính là nhai và nghiền nát thức ăn. Trong đó, răng số 6 là răng hàm lớn và cũng là răng mọc sớm nhất khi trẻ lên 6 tuổi. Răng số 7 là răng hàm lớn thứ hai nằm ở vị trí trong cùng, thường mọc khi trẻ 12-13 tuổi.

Răng số 6 và răng số 7 có cấu tạo bề mặt nhai và thân răng lớn tạo điều kiện cho việc nhai, nghiền thức ăn dễ dàng hơn. Mặc dù 2 răng hàm này rất khoẻ nhưng chúng cũng rất bị tổn thương hoặc mắc các bệnh lý nha khoa. Đặc biệt, trẻ em có nguy cơ bị sâu răng số 6, 7 khá cao do độ tuổi này chưa có ý thức đảm bảo vệ sinh răng miệng tốt.

Những răng số 6 và số 7 bình thường thì tủy răng là mô liên kết với nhiều sợi thần kinh, được bao bọc xung quanh bởi các mô cứng của răng và nằm sâu trong hốc tuỷ. Tủy răng được coi như trái tim của mỗi chiếc răng, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc cảm nhận khi có các tác động lên răng của bạn. Tủy răng tham gia trực tiếp vào quá trình nuôi dưỡng, sửa chữa và góp phần vào sự sống của răng. Khiến răng được bền chắc, khoẻ mạnh và ăn uống được thoải mái hơn.

Biểu hiện tổn thương răng số 6 và số 7

Khi tuỷ răng số 6 và số 7 bị tổn thương sẽ có những biểu hiện:

  • Cảm giác đau dữ dội khi nhai hoặc cắn
  • Nổi mụn trên nướu răng
  • Răng bị mẻ hoặc nứt
  • Nhạy cảm kéo dài đối với nóng hoặc lạnh, ngay cả sau khi cảm giác đã được loại bỏ
  • Nướu bị sưng hoặc mềm
  • Sâu răng hoặc thâm đen nướu răng

Yếu tố tác động khiến răng bị tổn thương

Theo giải phẫu, tủy răng nằm sâu phía bên trong hốc tủy và chúng được bảo vệ tối ưu bởi men răng và ngà răng ngoài cùng. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân nhất định chủ yếu do người bệnh gây ra, khiến cho ảnh hưởng nghiêm trọng đến tủy răng. Thường gặp một số yếu tố tác động đến tủy răng như sau:

  • Người bệnh không chăm sóc vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày dẫn đến sâu răng.
  • Vi khuẩn tăng sinh trong răng miệng của người bệnh.
  • Tủy răng bị ảnh hưởng trực tiếp do răng bị chấn thương trong cơ học
  • Yếu tố dùng lực chỉnh hình sai cũng khiến cho tủy răng bị tổn thương.
  • Mài răng sống không đúng cách khi phục hình răng sứ hay can thiệp các thủ thuật khác có thể khiến tủy răng bị tổn thương lớn.
  • Ngoài ra, một số bệnh lý răng miệng phổ biến khác hay hóa chất,... cũng ảnh hưởng đến tủy răng.
  • Răng số 6, số 7 bị nhiễm trùng là răng đang chết dần. Vì vậy nếu không điều trị kịp thời thì nhiễm trùng sẽ lây lan sang các răng lân cận khác. Từ đó khiến tình trạng đau đớn kéo dài hơn.

Khi mô mềm bên trong ống tủy bị viêm hoặc nhiễm thì điều trị nội nha là cần thiết. Tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng có thể do nhiều nguyên nhân: sâu do các thủ thuật nha khoa lặp đi lặp lại trên răng hoặc vết nứt trên răng. Ngoài ra, chấn thương răng có thể gây tổn thương tủy răng ngay cả khi răng không có vết nứt hoặc vụn. Nếu tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng tủy không được điều trị, nó có thể gây đau hoặc dẫn đến áp xe.

2. Quá trình lấy tủy răng số 6 và số 7

Thông thường, việc lấy tủy răng hàm sẽ mất nhiều thời gian hơn răng cửa bởi vị trí của răng khá khó để thực hiện các thao tác điều trị và giải phẫu của răng hàm cũng chứa nhiều ống tủy hơn.

Việc tiến hành lấy tủy răng bị tổn thương là rất cần thiết, nếu không tình trạng viêm nhiễm sẽ ngày càng lan rộng gây đau đớn âm ỉ cho bệnh nhân. Việc tiến hành lấy tủy cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên khoa và phải đảm bảo đúng quy trình, nếu không lấy hết được tuỷ viêm sẽ khiến bệnh nhân phải chịu đau và tiến hành lấy tủy thêm lần nữa, hơn nữa còn gây tốn kém cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến sức khoẻ của hàm răng.

Tiêu chuẩn kỹ thuật tiến hành lấy tủy răng như sau:

Thăm khám

Sau khi nghe bệnh nhân kể về các triệu chứng của mình, nha sĩ sẽ cho bệnh nhân tiến hành một số phương pháp phục vụ cho việc lấy tủy như:

Chụp X - quang răng: giúp xác định điểm tối trên chóp răng có vấn đề, mức độ nhiễm trùng đã ảnh hưởng đến tủy răng như thế nào

Xác định đường rò dẫn lưu mủ xem mủ có bị thoát ra ngoài hay không. Phần nhọt nướu thường mềm khi chạm vào, nhưng những nhọt này không nhất thiết phải lấy tủy răng.

Xác định răng có vấn đề bị sậm màu: Sự đổi màu răng có nghĩa là một số thay đổi đã xảy ra trong không gian thần kinh. Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu này cho thấy cần phải điều trị tủy răng.

Tiếp xúc với dây thần kinh: Vì khó xác định được vị trí của dây thần kinh với bề mặt răng như thế nào, nên sự tiếp xúc của dây thần kinh này có thể xảy ra nếu nha sĩ tiếp xúc với mô tủy trong quá trình điều trị. Trong trường hợp này, nên lấy tủy răng, vì việc tiếp xúc có thể gây thoái hóa mô trong tương lai.

Tiến hành

Gây tê: Sau khi tiến hành thăm khám, nha sĩ sẽ gây tê cục bộ tại vị trí răng bị tổn thương để tạo cảm giác thoải mái và tâm lý tốt cho bệnh nhân trong quá trình tiến hành. Hơn nữa, khi điều trị xong thì thuốc tê cũng hết tác dụng, bệnh nhân sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt.

Đặt đế cao su: Đế nha khoa là một tấm cao su để đảm bảo một khu vực khô ráo xung quanh răng số 6 và số 7 có vấn đề. Đế này có tác dụng ngăn nước bọt tiếp cận khu vực được xử lý.

Tạo đường mở và loại bỏ tuỷ bị nhiễm trùng: Bác sĩ nội nha tạo một khe hở trên thân răng. Sau khi lấy tủy răng số 6, 7 bị viêm nhiễm ra bên ngoài, bác sĩ tiếp tục tạo hình lại cho ống tủy. Tiếp đến là lấp đầy buồng tủy trống bằng các vật liệu chuyên dụng trong nha khoa. Để đảm bảo răng khỏi sự tấn công của các vi khuẩn và đảm bảo tính thẩm mỹ và định hình khoảng trống để trám răng.

Bôi thuốc và trám răng: Sau khi không gian được làm sạch và định hình, trong trường hợp răng của bạn có ổ nhiễm trùng bên trong, nha sĩ sẽ bôi thuốc vào vùng răng bên trong để loại bỏ vi khuẩn, sau đó nha sĩ sẽ lấp đầy ống tủy bằng vật liệu tương thích sinh học, thường là vật liệu giống cao su được gọi là gutta-percha. Gutta-percha được đặt bằng một lớp xi măng kết dính để đảm bảo bít kín hoàn toàn các ống tủy. Trong hầu hết các trường hợp, một miếng trám tạm thời được đặt để đóng khe hở. Miếng trám tạm thời sẽ được nha sĩ loại bỏ trước khi răng được phục hồi.

Phục hồi răng: Trong giai đoạn cuối cùng, nha sĩ sẽ khôi phục hoàn toàn chiếc răng đã điều trị của bạn. Trong nhiều trường hợp, vì răng dễ gãy hơn sau khi điều trị chân răng, nha sĩ có thể đề nghị bạn lấy tủy răng và bọc răng được gọi là mão răng. Nó bao phủ toàn bộ răng để bảo vệ răng khỏi bị hư hại thêm. Để lắp mão răng, trước tiên nha sĩ phải cạo một số lớp men bên ngoài răng của bạn. Họ sử dụng keo nha khoa mạnh để giữ cho nó ở đúng vị trí. Sau khi cố định vào vị trí, nó sẽ có cảm giác và hoạt động giống như răng tự nhiên. Tất nhiên, chi phí lấy tủy răng và mão răng cao hơn chỉ điều trị chân răng, nhưng nha sĩ sẽ cho bạn biết điều gì là tốt nhất với tình trạng răng của bạn.

3. Lưu ý khi chữa tủy răng số 6 và 7

Sau khi tiến hành lấy tuỷ răng số 6 và số 7 xong, nha sĩ sẽ yêu cầu bạn phải thực hiện việc chăm sóc sau nghiêm ngặt, thường tuân theo các quy tắc chung như sau:

  • Uống thuốc giảm đau theo khi quá đau
  • Hạn chế ăn cho đến khi hết cảm giác tê trong miệng
  • Không nhai vào chiếc răng vừa được điều trị cho đến khi khỏi hoàn toàn
  • Chải răng bằng kem đánh răng có chứa flour và dùng chỉ nha khoa hàng ngày như bình thường

Bạn có thể cảm thấy đau và nhức nhẹ sau khi thực hiện thủ thuật và trong thời gian phục hồi tủy răng có thể kéo dài một hoặc hai tuần. Liên hệ với nha sĩ của bạn nếu gặp phải các dấu hiệu sau:

  • Đau nhói sau khi lấy tủy răng: Nếu bạn đã uống thuốc giảm đau nhưng vẫn bị đau nhói hoặc đau dữ dội sau khi lấy tủy răng, rất có thể ca lấy tủy răng của bạn không thành công và bạn nên gọi cho nha sĩ ngay lập tức.
  • Sưng sau khi lấy tủy răng: thông thường tình trạng sưng và đau là bình thường sau khi lấy tủy răng và sẽ hết sau vài ngày. Nếu triệu chứng không hết, hoặc cơn đau trở nên tồi tệ hơn, hãy gọi cho nha sĩ của bạn.
  • Đau nhức răng khi cắn sau khi lấy tủy răng: Hơi khó chịu, đau nhức hoặc ê buốt là hiện tượng bình thường sau khi lấy tủy răng của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp tục cảm thấy đau khi cắn xuống, có thể là do nắp trám răng của bạn không được làm phẳng đủ. Bạn nên gọi cho nha sĩ để kiểm tra lại.
  • Đau răng trong thời gian dài sau khi lấy tủy răng: Rất có thể răng của bạn không thể lành lại theo đúng quy trình sau khi lấy tủy răng, hoặc răng có thể bị gãy hoặc sâu mới.
  • Đau hàm sau khi lấy tủy răng: Cảm giác đau nhức ở hàm là bình thường, nếu nó không biến mất hoặc trở nên trầm trọng hơn, bạn cần gọi nha sĩ.
  • Phản ứng dị ứng với thuốc của bạn
  • Chụp răng tạm thời hoặc miếng trám của bạn rơi ra
  • Nhiễm trùng sau khi lấy tủy răng: Cơn đau dữ dội và ngày càng trầm trọng hơn một tuần sau khi làm thủ thuật có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, và bạn nên gọi cho nha sĩ.
  • Các triệu chứng tương tự bạn đã có trước khi lấy tủy răng

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tủy răng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe