Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Da liễu.
Bệnh chốc mép là bệnh nhiễm trùng da phổ biến và rất dễ lây lan. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Có rất nhiều cách nhân gian chữa chốc mép và cần lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Bệnh chốc mép hiếm khi biến chứng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu tình trạng bệnh lây lan, người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị hợp lý.
1. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh chốc mép
Mụn nước mọc thành từng mảng nhỏ, liên kết với nhau và bắt đầu có chứa dịch, mủ. Mụn nước có thể tiếp tục phát triển trong 3 – 4 ngày sau đó vỡ ra. Sau đó da sẽ kết vảy và bong da sau 1 – 2 ngày. Cảm thấy nóng rát, khó chịu ở vùng mép. Vùng da mép tấy đỏ hoặc xuất hiện các nốt mụn nước li ti. Da có thể bị phù nhẹ.
2. Áp dụng cách chữa chốc mép tại nhà
- Nha đam: Thoa trực tiếp gel nha đam tươi lên vùng da bệnh hoặc có thể sử dụng thuốc mỡ có chứa nha đam. Các thành phần có trong nha đam có thể dưỡng ẩm, kháng khuẩn và hỗ trợ điều trị các bệnh nhiễm trùng da, chống ngứa và làm mềm da giúp giảm đau và khó chịu do chốc mép gây ra.
- Tỏi: Có thể thoa trực tiếp tỏi lên vùng bệnh chú ý kích ứng da, dùng tỏi để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm và đặc biệt là chốc mép. Do đó, người bệnh có thể dùng tỏi như một phương pháp điều trị thay thế.
- Mật ong: Mật ong có thể kháng khuẩn và chống lại virus Staphylococcus và Streptococcus gây bệnh chốc lở.
- Tinh dầu tràm trà: Để điều trị người bệnh pha loãng tinh dầu theo tỷ lệ 1:10 và thoa lên vùng da bệnh. Người bệnh cũng có thể dùng các sản phẩm nước rửa có chứa tràm trà để vệ sinh vùng da chốc mép..
- Hoa cúc: Trong hoa cúc chứa nhiều thành phần kháng khuẩn, chống viêm và dưỡng ẩm cho da, ngoài ra tinh dầu hoa cúc có thể chống lại vi khuẩn Staphylococcus gây ra bệnh chốc lở.
- Nghệ: Người bệnh có thể trộn bột nghệ với nước sạch và thoa lên vùng da bệnh để điều trị.
3. Thuốc điều trị chốc mép
Trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc chốc mép có dấu hiệu lây lan, người bệnh có thể cần điều trị bằng kháng sinh.
- Kháng sinh bôi điều trị chốc mép tại chỗ
Kháng sinh tại chỗ được sử dụng thoa trực tiếp lên vùng da mắc bệnh. Bác sĩ có thể kê toa thuốc mỡ chứa Mupirocin chẳng hạn như Bactroban để điều trị. Trước khi thoa thuốc, người cần loại bỏ các mảng bám, vảy, da chết để thuốc dễ dàng thấm sâu hơn vào da.
Việc điều trị bằng kháng sinh tại chỗ thường kéo dài trong 7 ngày liên tục. Thông báo cho bác sĩ điều trị nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm sau 7 ngày.
- Kháng sinh đường uống
Thông thường kháng sinh đường uống được chỉ định khi chốc mép lan rộng hoặc khi kháng sinh tại chỗ không mang lại hiệu quả. Bác sĩ có thể dựa vào mức độ nghiêm trọng và nhiễm trùng để kê các loại thuốc phù hợp. Ngoài ra, hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử dị ứng thuốc.
Một đợt kháng sinh thường kéo dài trong 7 ngày. Điều quan trọng là người bệnh cần uống thuốc đầy đủ liều để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Không tự ý thêm liều hoặc bỏ liều khi chưa nhận được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
Các trường hợp chốc mép tái phát cần được kiểm tra để loại bỏ các tác nhân nguy hiểm.
4. Phòng ngừa bệnh chốc mép
Cần vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ và tránh các tổn thương khác. Để phòng ngừa chốc mép người bệnh nên lưu ý:
- Thường xuyên rửa tay và tránh chạm vào vùng da bệnh chốc mép.
- Cắt ngắn móng tay của người bệnh để tránh làm tổn thương vùng da bệnh và làm nhiễm trùng lan rộng.
- Vệ sinh vùng da bệnh bằng xà phòng và nước sạch.
- Không dùng chung khăn mặt, bàn chải hoặc vật dụng cá nhân với người khác.
- Ăn uống cân bằng đủ chất dinh dưỡng
- Chú ý vệ sinh miệng sạch sẽ nhất là trước và sau khi ăn
- Xem kỹ thành phần của son môi, mỹ phẩm để phát hiện các thành phần khiến bạn dị ứng
Một số lưu ý trong điều trị bệnh chốc mép tại nhà:
- Tuyệt đối không dùng tay cậy vảy của tổn thương để tránh lây lan sang chỗ khác
- Tránh chà mạnh làm trầy xước vùng tổn thương
- Không liếm môi, liếm mép
- Vệ sinh vết tổn thương bằng nước sạch hoặc nước muối loãng.
- Chốc lở mép do nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể do virus, nấm hoặc tình trạng thiếu vitamin. Với mỗi nguyên nhân sẽ có cách điều trị phù hợp riêng.
- Phần lớn các vết chốc lở mép do virus có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần. Nhưng nếu tình trạng không cải thiện bạn nên chủ động đi khám và tham khảo ý kiến chuyên gia.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.