Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Chuyên viên y tế, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lung - Chuyên viên Y tế Tế bào gốc - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec.
Tế bào gốc từ răng sữa gần đây đã trở thành một trong những lĩnh vực được nghiên cứu rộng rãi trong nha khoa. Việc lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa để sử dụng trong tương lai cho các ứng dụng lâm sàng khác nhau đã được khám phá, đem lại cơ hội điều trị cho các bệnh lý vốn trước đây được xem là “nan y”. Để thực hiện điều này, quá trình lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa phải trải qua các bước đúng tiêu chuẩn và được theo dõi chặt chẽ.
1. Lấy mẫu lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa
Răng sữa là sản phẩm tự nhiên của quá trình thay răng và được nhổ hoặc tự rụng khi lung lay. Vì vậy, việc lấy răng để phân lập tế bào gốc từ răng sữa không cần can thiệp xâm lấn gì thêm trên cơ thể của trẻ.
Răng sữa sau khi nhổ đã được quyết định sẽ lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa cần được làm sạch và chuyển ngay sang dung dịch vận chuyển chuyên dụng. Nếu không được thu mẫu kịp thời, tủy răng nhanh chóng bị mất độ ẩm, thay đổi áp suất thẩm thấu,... dẫn đến tủy chết, không thể phân tách được tế bào gốc tủy răng sữa. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý khi đưa trẻ đi nhổ răng cần thông báo trước với cơ sở lưu mẫu để chuẩn bị lấy mẫu kịp thời, đúng quy trình. Trong trường hợp không mong muốn, răng bị gãy, mất, nhổ khi không có nhân viên đến lấy, phụ huynh cần khẩn trương thông báo cho cơ sở lưu giữ để được hướng dẫn biện pháp xử lý phù hợp, tuy nhiên khả năng thành công khi tách tế bào gốc cũng sẽ bị giảm đi đáng kể.
Một vấn đề cần quan tâm nữa là răng sữa được lấy tế bào gốc từ răng sữa phải là răng bình thường, không có các can thiệp nha khoa đặc biệt (như trám răng), không bị sâu răng, viêm tủy. Trong nhiều trường hợp, mẫu răng trông giống như một chiếc răng khỏe mạnh, nhưng khi lấy tủy răng ra thì phát hiện ra tình trạng viêm nhiễm. Theo các nghiên cứu trên thế giới và tại Vinmec, răng bị sâu hoặc viêm tủy có nguy cơ nhiễm trùng cao, không phân lập được tế bào gốc đạt chất lượng.
Ngoài ra, kết quả xét nghiệm tại Vinmec cũng cho thấy, vị trí răng sữa cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phân lập tế bào gốc. Răng cửa và răng nanh có buồng tủy hẹp và sâu nên tủy răng sau khi nhổ thường được bảo quản tốt hơn, tỉ lệ tách tế bào gốc thành công cao (trong đó răng cửa có kích thước lớn hơn, thể tích tủy răng nhiều hơn răng nanh), giúp cho việc lấy tế bào gốc trở nên dễ dàng hơn. Ngược lại, răng hàm có buồng tủy rộng và nông, khi răng lung lay thường bị bám thức ăn hoặc bụi bẩn, dễ bị vi khuẩn tấn công, thậm chí tủy răng có thể bị giữ lại trong cung hàm khi nhổ răng. Vì vậy, dù trẻ có đến 20 chiếc răng sữa bố mẹ cũng nên cân nhắc quyết định lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa sớm, vì răng cửa luôn là những chiếc răng được thay trước. Khi trẻ lớn hơn, số lượng răng sữa sẽ giảm dần và chỉ còn lại răng hàm, từ đó cơ hội lấy được tế bào gốc tủy răng sữa giảm đi nhiều lần.
2. Phân lập và nuôi cấy tế bào gốc
Sau khi thu thập, răng sữa nhanh chóng được chuyển đến nơi xử lý để phân lập tế bào gốc từ răng sữa. Tủy răng được tách ra khỏi răng, tách khỏi tế bào gốc và được nuôi cấy trong điều kiện đặc biệt. Sau khoảng 20 - 30 ngày nuôi cấy, số lượng tế bào gốc tủy răng sữa sẽ tăng lên nhanh chóng và đủ để bảo quản lạnh.
Trong giai đoạn này, môi trường nuôi cấy tế bào đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng liệu pháp tế bào gốc sau này và giá thành dịch vụ. Trước đây, môi trường được sử dụng thường chứa huyết thanh và các yếu tố tăng trưởng chiết xuất từ động vật để mô phỏng tốt nhất các điều kiện phát triển trong cơ thể, để tế bào có thể phát triển tốt. Tuy nhiên, những yếu tố này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, vi rút (đặc biệt là những virus hiện chưa được phát hiện, hoặc chưa có bằng chứng về bệnh ở người nhưng tương lai không chắc chắn) và nhiều thành phần trong cơ thể người. Tác dụng của huyết thanh đối với sự điều hòa gen trong tế bào vẫn chưa được biết rõ.
Hiện nay, các loại môi trường nuôi cấy tế bào gốc ứng dụng cho người thường được sản xuất thương mại, không chứa các thành phần có nguồn gốc động vật mà được tổng hợp nhân tạo bằng phương pháp tái tổ hợp. Những loại này đắt hơn, nhưng an toàn hơn để có thể sử dụng tế bào gốc sau này.
3. Bảo quản tế bào gốc
Đây là quá trình các tế bào được làm lạnh xuống dưới âm 150°C bằng nitơ pha lỏng. Các tế bào được làm lạnh cẩn thận và nhanh chóng để không gây chết tế bào. Thông qua quá trình bảo quản lạnh, các tế bào tạm thời được “ngủ đông” và vẫn duy trì các đặc tính vốn có của chúng.
Ngoài ra, trước khi được lưu trữ, tế bào gốc tủy răng sữa cũng cần được đánh giá chất lượng với một số chỉ tiêu cơ bản như loại tế bào, độ tinh khiết, độ ổn định của nhiễm sắc thể, tỷ lệ tế bào sống sót,...
Tóm lại, quy trình lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa bắt đầu từ thời điểm nhổ răng cho trẻ. Răng sau khi nhổ hoặc rụng tự nhiên được chọn để lấy tế bào gốc từ răng sữa cần được bảo quản trong dung dịch vận chuyển và gửi đến cơ sở lưu giữ nhanh chóng. Tế bào gốc được phân lập từ tủy răng, được nuôi cấy và đánh giá chất lượng trước khi bảo quản lạnh. Trong tương lai, khi trẻ hoặc người khác gặp vấn đề về sức khỏe có thể được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc, các tế bào gốc từ răng sữa sẽ được rã đông và nuôi cấy trước khi chuyển lại cho bệnh nhân.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tủy răng
Nguồn tham khảo: www.ncbi.nlm.nih.gov; www.vinmec.com.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.