Bài viết được viết bởi TS. Ngô Anh Tiến - Ngân hàng mô Vinmec
Các nhà nghiên cứu của Đại học Y khoa Miami Miller, Mỹ đã đi tiên phong trong việc thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên độc đáo và đột phá cho thấy việc truyền tế bào gốc trung mô có nguồn gốc từ dây rốn giúp giảm nguy cơ tử vong một cách an toàn và nhanh chóng, phục hồi cho những bệnh nhân COVID-19 nặng nhất. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng thế giới STEM CELLS Translational Medicine tháng 1/2021.
1.Kết quả của nhóm điều trị và nhóm đối chứng
Thí nghiệm được thực hiện với 24 bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 có biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng, nhập viện tại bệnh viện đại học Miami hoặc bệnh viện Jackson Memorial.
Mỗi người được truyền hai lần tế bào gốc trung mô từ dây rốn hoặc giả dược, mỗi lần truyền cách nhau vài ngày. Tuy nhiên, đó là một nghiên cứu làm mù đôi, không ai trong các bác sĩ hay bệnh nhân biết những gì đã được truyền vào người bệnh trong quá trình thử nghiệm. Ước tính có tới 100 triệu tế bào gốc từ dây rốn đã được truyền cho bệnh nhân trong vòng 3 ngày qua hai lần truyền, tổng cộng có 200 triệu tế bào được truyền ở mỗi đối tượng trong nhóm điều trị. Quá trình tiêm truyền diễn ra an toàn, không có tác dụng phụ nào xảy ra.
Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân sau một tháng là 91% ở nhóm được điều trị bằng tế bào gốc trung mô từ dây rốn và 42% ở nhóm đối chứng. Trong số những bệnh nhân dưới 85 tuổi, 100% những người được điều trị bằng tế bào gốc trung mô sống sót sau một tháng.
Tiến sĩ Ricordi và các đồng nghiệp cũng nhận thấy thời gian hồi phục của các bệnh nhân COVID-19 ở nhóm điều trị nhanh hơn đáng kể. Hơn một nửa số bệnh nhân được điều trị bằng truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn đã hồi phục và xuất viện về nhà trong vòng hai tuần sau đợt điều trị cuối cùng. Tính đến ngày điều trị thứ 30, hơn 80% bệnh nhân thuộc nhóm điều trị đã hồi phục trong khi tỷ lệ này ở nhóm đối chứng chỉ là 37%.
Dây rốn chứa các tế bào gốc tiền thân, hoặc tế bào gốc trung mô, có thể được tăng sinh và cung cấp liều điều trị cho hơn 10.000 bệnh nhân từ một dây rốn duy nhất. Dây rốn là nguồn tế bào duy nhất đang được khai thác cho những ứng dụng tiềm năng của nó trong các liệu pháp tế bào, như điều chỉnh các phản ứng miễn dịch hay phản ứng viêm. Tiến sĩ Ricordi cho biết ông đã tiến hành kết hợp nghiên cứu với các đồng nghiệp tại Trung Quốc trong hơn 10 năm qua về thử nghiệm điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 và các liệu pháp miễn dịch khác. Hiện đã có hơn 260 nghiên cứu lâm sàng được công bố trên Clinicaltrials.gov - cơ sở đăng ký thử nghiệm lâm sàng lớn nhất thế giới.
2. Tế bào gốc trung mô có khả năng phục hồi phản ứng miễn dịch
Các tế bào gốc trung mô không chỉ giúp sửa chữa các phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch có hại, mà còn có hoạt tính kháng khuẩn và khả năng thúc đẩy sự tái tạo mô.
>>> Tiềm năng của tế bào gốc trung mô từ dây rốn so với tế bào gốc máu cuống rốn
Tiến sĩ Giacomo Lanzoni - Tác giả chính của bài báo nghiên cứu, trợ lý giáo sư tại Viện nghiên cứu bệnh tiểu đường cho biết, kết quả của nghiên cứu này đã chứng minh tác dụng chống viêm, khả năng điều hòa miễn dịch mạnh mẽ của tế bào gốc trung mô từ dây rốn. Các tế bào này đã kiểm soát được “Cơn bão cytokine”, dấu hiệu của các ca COVID-19 nghiêm trọng. Kết quả này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối với điều trị dịch bệnh COVID-19 mà còn ý nghĩa đối với các bệnh khác có đặc trưng là phản ứng miễn dịch khác thường và siêu viêm, ví dụ như bệnh tiểu đường tuýp 1 tự miễn.
Khi được tiêm vào tĩnh mạch, các tế bào gốc trung mô sẽ di chuyển một cách tự nhiên đến phổi, cơ quan cần được điều trị đầu tiên trong cơ thể người bệnh nhiễm virus Corona. Những bệnh nhân COVID-19 bị hội chứng suy hô hấp cấp tính, một biến chứng nguy hiểm liên quan đến tình trạng viêm phổi nặng và tích tụ chất lỏng trong phổi.
Tiến sĩ Ricordi cho rằng sử dụng tế bào gốc trung mô từ dây rốn là một lựa chọn điều trị lý tưởng cho dịch bệnh COVID-19. Phương pháp điều trị này rất đơn giản, chỉ cần truyền tế bào gốc trung mô vào tĩnh mạch giống như truyền máu. Các tế bào gốc trung mô sẽ hoạt động như công nghệ bom thông minh trong phổi để khôi phục phản ứng miễn dịch trở lại bình thường và đảo ngược các biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng.
3. Tế bào gốc trung mô và các thành công ban đầu
Tiến sĩ Ricordi đã làm việc với một số cộng tác viên chính tại trường Miller, hệ thống y khoa trường đại học Miami, hệ thống y khoa Jackson ;và cộng tác với những nhà nghiên cứu khác ở Hoa Kỳ và quốc tế, trong đó có cả Arnold I. Caplan, tiến sĩ của Đại học Case Western Reserve, người đầu tiên mô tả về tế bào gốc trung mô.
Khi đại dịch nổi lên, tiến sĩ Ricordi đã hỏi các đồng nghiệp ở Trung Quốc xem họ đã nghiên cứu phương pháp điều trị tế bào gốc trung mô ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 chưa? Trên thực tế, họ và các nhà nghiên cứu Israel đã báo cáo có được kết quả thành công lớn khi điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 bằng tế bào gốc, trong nhiều trường hợp 100% bệnh nhân được điều trị sống sót và hồi phục nhanh hơn so với những người không điều trị bằng tế bào gốc. Nhưng có khá nhiều sự hoài nghi về những kết quả ban đầu này, bởi vì không có nghiên cứu nào được thực hiện ngẫu nhiên.
Các bệnh nhân không được lựa chọn và điều trị ngẫu nhiên hoặc giải pháp đối chứng (giả dược), để so sánh với kết quả điều trị ở các nhóm bệnh nhân tương tự. Vấn đề này đã được báo lên FDA (Food and Drug Administration of America - Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm) và phía FDA đã chấp thuận thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên theo đề xuất của đội nghiên cứu, đứng đầu là tiến sĩ Ricordi. Các bước thực hiện nghiên cứu sau đó đã được tiến hành một cách nhanh nhất có thể.
>>> Điều trị thành công Covid-19 bằng tế bào gốc tại Mỹ
4. Bước tiếp theo của quy trình thử nghiệm
Bước tiếp theo của thử nghiệm là nghiên cứu việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 chưa nhiễm nặng nhưng có nguy cơ phải đặt nội khí quản, để xác định xem liệu dịch truyền có ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh hay không.
Theo Tiến sĩ Ricordi, những phát hiện này cũng có ý nghĩa to lớn đối với các nghiên cứu về các dịch bệnh khác trong tương lai mà loài người phải đối mặt. Nghiên cứu về các phản ứng siêu miễn dịch và siêu viêm ở bệnh tự miễn có thể đưa ra được lý do tại sao một số bệnh nhân COVID-19 chuyển sang thể nặng còn người khác thì không. Tự miễn dịch là một thách thức lớn đối với y tế, cũng như COVID-19, bệnh tự miễn ảnh hưởng đến 20% dân số Mỹ và bao gồm hơn 100 tình trạng bệnh tật, trong đó bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể được coi là phần nổi của tảng băng chìm. Những gì đội ngũ các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu là có thể có một điểm chung giữa các yếu tố có khả năng tăng hệ tự miễn và yếu tố gây nên phản ứng nghiêm trọng sau khi nhiễm virus, chẳng hạn như SARS-CoV-2.
Hiện nay, trung tâm cấy ghép tế bào DRI đang có kế hoạch tạo ra một kho lưu trữ lớn các tế bào gốc trung mô sẵn sàng đưa vào sử dụng khi cần và có thể được phân phối đến các bệnh viện và trung tâm ở Bắc Mỹ. Tế bào gốc trung mô từ dây rốn không chỉ được sử dụng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 mà còn cho các thử nghiệm lâm sàng khác để điều trị bệnh tự miễn, ví dụ như bệnh tiểu đường tuýp 1. Tiến sĩ Ricordi cho rằng, nếu truyền tế bào trung mô dây rốn vào giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường tuýp 1, có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tự miễn ở những bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc và cải thiện biến chứng ở những bệnh nhân đã điều trị lâu dài.
Đội nghiên cứu của ông đang lên kế hoạch cho một thử nghiệm đặc biệt với các bệnh thận mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thận, những bệnh nhân thường xuyên phải lọc máu và ghép thận. Đây là một nghiên cứu về cấy ghép tế bào gốc trung mô dây rốn kết hợp với đảo tụy để xem liệu cơ thể có thể điều chỉnh phản ứng miễn dịch với cấy ghép cục bộ không? Nhờ có nguồn tài trợ của tổ chức phi chính phủ Cure Alliance, nghiên cứu đã tiến hành triển khai các thử nghiệm ban đầu. Hiệp hội thương mại xây dựng Bắc Mỹ (NABTU) cũng đã tài trợ 3 triệu USD để tiến sĩ Ricordi và các đồng nghiệp của mình hoàn thành thử nghiệm lâm sàng và mở rộng nghiên cứu với tế bào gốc trung mô dây rốn trong điều trị bệnh.
Hiệp hội thương mại xây dựng Bắc Mỹ (NABTU) là đơn vị hỗ trợ chính cho Viện nghiên cứu bệnh đái tháo đường từ năm 1984, cùng thời điểm đó NUBTU cũng bắt đầu chiến dịch tài trợ và xây dựng cơ sở nghiên cứu và điều trị hiện đại cho đội nghiên cứu. Tổ chức NABTU đã đồng hành cùng Viện trong suốt nhiều năm qua, bao gồm cả các nghiên cứu về tế bào gốc trung mô, những thử nghiệm sơ khai dẫn đường cho nghiên cứu đột phá này.
Tất cả các tổ chức tài trợ cho nghiên cứu đều là các tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm Tập đoàn gia đình Barilla - Italy, Quỹ Silvio Tronchetti Provera, Quỹ từ thiện Leon J Simkins, Tổ chức Viện Nghiên cứu Đái tháo đường (DRIF) và cả trung tâm Quốc gia về tiến bộ khoa học dịch thuật (NCATS) cũng tài trợ cho nghiên cứu này. Điều đó cho thấy hiệu quả và sự khả thi to lớn của việc điều trị dịch bệnh sử dụng tế bào gốc trung mô từ dây rốn.
5. Dịch vụ lưu trữ tế bào gốc dây rốn tại Vinmec
Ngân hàng Mô Vinmec được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy tăng sinh và bảo quản tế bào gốc trung mô từ dây rốn (MSC) từ Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, đơn vị tiên phong về nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực y Sinh học tại Việt Nam.
Tại Vinmec, cả mô dây dây rốn và tế bào gốc trung mô được lưu trữ trong các ống nhỏ chuyên dụng, bảo quản lạnh trong điều kiện âm sâu (-196 độ C) cho phép sử dụng cho nhiều phương pháp điều trị và các mẫu có thể được giã đông độc lập vào các thời điểm khác nhau. Khi cần sử dụng, khách hàng có thể sử dụng lượng tế bào đã được phân tách sẵn hoặc chỉ lấy một phần nhỏ để nuôi cấy tăng sinh. Với mô dây rốn, trong đó có chứa nhiều loại tế bào gốc, cũng sẽ được khách hàng sử dụng trong các liệu pháp tế bào để chữa trị cho em bé và gia đình trong tương lai.
>>> Gói thu thập, xử lý và lưu trữ Máu cuống rốn/Dây rốn
Để biết rõ hơn về các dịch vụ liên quan tới lưu trữ Tế bào gốc, bạn có thể liên hệ tới Ngân hàng Mô Vinmec theo thông tin:
Ngân hàng Mô Vinmec - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam
Email: v.biobank@vinmec.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: https://www.newswise.com/