Tìm hiểu về quy trình lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa

Lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa mang đến cho các bậc phụ huynh thêm một lựa chọn để bảo quản tế bào gốc cho con trong độ tuổi từ 5-12. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về quy trình thực hiện, các tiêu chuẩn quốc tế về lưu trữ tế bào gốc từ tủy răng sữ cùng những lưu ý quan trọng khi răng trẻ bắt đầu lung lay để đảm bảo chất lượng tế bào gốc.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Tiến Lung - Chuyên viên Y tế Tế bào gốc thuộc Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec.

1. Ý nghĩa của lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa

Răng sữa là bộ răng đầu tiên xuất hiện trong quá trình phát triển ở con người và các loài động vật có vú. Răng sữa đóng vai trò quan trọng trong việc ăn uống, nói chuyện, thẩm mỹ và tạo không gian cho răng vĩnh viễn mọc lên sau này. Thông thường, trẻ em bắt đầu có răng sữa lung lay vào khoảng 5-6 tuổi (có thể sớm hoặc muộn hơn) và quá trình thay thế 20 chiếc răng sữa bằng răng vĩnh viễn thường hoàn tất khi trẻ khoảng 11-12 tuổi. 

Trẻ khoảng 5 đến 6 tuổi sẽ bắt đầu có răng sữa lung lay.
Trẻ khoảng 5 đến 6 tuổi sẽ bắt đầu có răng sữa lung lay.

Những chiếc răng sữa sau khi rụng thường bị bỏ đi nhưng thực tế có thể chiết xuất được tế bào gốc từ phần tủy răng. Đây là những tế bào gốc còn non, có khả năng tăng sinh và phát triển thành các loại tế bào chuyên hóa tốt hơn so với tế bào gốc từ người trưởng thành.  

Sau khi được bảo quản lạnh trong thời gian dài, các tế bào này vẫn giữ nguyên các đặc tính sinh học ban đầu vì vậy có thể được lưu trữ để sử dụng trong tương lai. Giống như tế bào gốc thu được từ tế bào gốc từ dây rốn, mô mỡ hay tủy xương, tế bào gốc từ tủy răng sữa có tiềm năng lớn trong y học tái tạo để điều trị các bệnh lý về thần kinh (như Alzheimer, Parkinson, chấn thương tủy sống…), các bệnh tự miễn (tiểu đường, Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp), tim mạch, ung thư và nhiều bệnh lý khác.  

Vì vậy, việc lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa là một lựa chọn nên cân nhắc, đặc biệt đối với những trẻ chưa được lưu trữ tế bào gốc từ dây rốn khi mới sinh, nhằm có sẵn nguồn tế bào dự phòng cho tương lai.

2. Tiêu chí lựa chọn răng sữa để thu thập tế bào gốc

Không phải răng sữa nào cũng có thể được mang đi lưu trữ tế bào gốc từ tủy răng sữa, để được kiểm tra và đánh giá, răng sữa cần phải đạt các tiêu chí sau:

2.1. Đối với răng sữa tự rụng

  • Răng mới rụng và phần tủy vẫn còn màu đỏ, chứng tỏ nguồn máu đến răng vẫn còn khỏe trước khi rụng.
  • Ưu tiên thu thập răng sữa còn ⅔ chân răng.
  • Răng không bị bất cứ vấn đề gì như sâu răng, men răng bị mòn hoặc hàn trám răng.  

2.2. Đối với răng sữa được nhổ

  • Ưu tiên lựa chọn răng cửa để lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa.
  • Lựa chọn răng chưa bị sâu hoặc viêm tủy.

3. Quy trình lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa

Khi răng của trẻ bắt đầu lung lay hoặc ngay cả trước đó, các bậc cha mẹ có thể đăng ký lưu trữ tế bào gốc từ răng sữa tại các cơ sở cung cấp dịch vụ. Mặc dù quy trình hành chính có thể khác nhau tùy theo từng cơ sở và thời điểm, nội dung này tập trung vào các khía cạnh kỹ thuật để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các bước từ lúc gửi mẫu răng đến khi tế bào gốc được lưu trữ. 

Sơ đồ quá trình lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa. Răng sau khi nhổ hoặc rụng tự nhiên được bảo quản trong dung dịch vận chuyển và gửi đến cơ sở lưu trữ. Tế bào gốc được phân lập từ tủy răng, nuôi cấy và đánh giá chất lượng trước khi lưu trữ lạnh. Trong tương lai, khi trẻ hoặc người khác gặp các vấn đề về sức khỏe có thể điều trị bằng tế bào gốc, mẫu được rã đông và nuôi cấy trước khi truyền trở lại người bệnh.
Sơ đồ quá trình lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa. Răng sau khi nhổ hoặc rụng tự nhiên được bảo quản trong dung dịch vận chuyển và gửi đến cơ sở lưu trữ. Tế bào gốc được phân lập từ tủy răng, nuôi cấy và đánh giá chất lượng trước khi lưu trữ lạnh. Trong tương lai, khi trẻ hoặc người khác gặp các vấn đề về sức khỏe có thể điều trị bằng tế bào gốc, mẫu được rã đông và nuôi cấy trước khi truyền trở lại người bệnh.

3.1. Thu thập mẫu

Răng sữa là sản phẩm tự nhiên trong quá trình thay răng, có thể được nhổ hoặc tự rụng khi lung lay. Do đó, việc thu thập răng để phân lập tế bào gốc không đòi hỏi bất kỳ can thiệp nào thêm đối với trẻ. Sau khi răng được nhổ hoặc rụng, cần tiến hành vệ sinh, sát khuẩn và chuyển ngay vào dung dịch vận chuyển chuyên biệt. Nếu không xử lý kịp thời, tủy răng sẽ nhanh chóng mất độ ẩm, thay đổi áp suất thẩm thấu và dẫn đến chết tủy, khiến việc tách tế bào gốc trở nên không khả thi.

Do đó, các bậc phụ huynh cần thông báo trước cho cơ sở lưu trữ khi dự định đưa trẻ đi nhổ răng để họ có thể chuẩn bị thu thập mẫu kịp thời. Trong những tình huống bất ngờ như răng bị gãy, rụng hoặc nhổ mà chưa có nhân viên thu thập mẫu, phụ huynh nên liên hệ ngay với cơ sở lưu trữ để nhận hướng dẫn xử lý thích hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khả năng tách thành công tế bào gốc trong những trường hợp này sẽ giảm đáng kể.

Một vấn đề quan trọng khác cần lưu ý là răng sữa được thu thập phải là răng bình thường, chưa qua các can thiệp nha khoa đặc biệt (như hàn răng), không bị sâu răng hay viêm tủy. Trong nhiều trường hợp, các mẫu răng trông có vẻ khỏe mạnh từ bên ngoài, nhưng khi tách tủy mới phát hiện ra tình trạng viêm. Theo các nghiên cứu trên thế giới và tại Vinmec, răng bị sâu hoặc viêm tủy có nguy cơ nhiễm khuẩn cao và không thể phân lập được tế bào gốc.

Ngoài ra, các thử nghiệm tại Vinmec cũng chỉ ra rằng vị trí của răng có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phân lập tế bào gốc. Răng cửa và răng nanh có buồng tủy hẹp và nông, do đó tủy thường được bảo quản tốt hơn sau khi nhổ, dẫn đến tỷ lệ tách tế bào gốc thành công cao hơn. Trong đó, răng cửa có kích thước lớn hơn và chứa lượng tủy nhiều hơn răng nanh, nên việc thu nhận tế bào gốc từ răng cửa cũng dễ dàng hơn.

Răng cối có buồng tủy rộng nhưng nông, khi lung lay dễ bị bám thức ăn hoặc chất bẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, thậm chí tủy có thể bị giữ lại trong hàm khi nhổ răng. Do đó, mặc dù trẻ có 20 chiếc răng sữa để phụ huynh cân nhắc, nhưng quyết định lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa nên được đưa ra sớm. Răng cửa thường được thay trước và khi trẻ lớn dần, số lượng răng sữa giảm, chủ yếu còn lại răng cối, làm giảm cơ hội thu nhận tế bào gốc. 

Răng cửa, răng nanh có buồng tủy hẹp và sâu nên tủy được bảo quản tốt; răng cối có buồng tủy rộng và nông, tủy thường không được bảo quản tốt, thậm chí mất tủy sau khi nhổ răng.
Răng cửa, răng nanh có buồng tủy hẹp và sâu nên tủy được bảo quản tốt; răng cối có buồng tủy rộng và nông, tủy thường không được bảo quản tốt, thậm chí mất tủy sau khi nhổ răng.

3.2. Phân lập và nuôi cấy tế bào gốc

Sau khi thu thập, răng sữa được nhanh chóng chuyển đến cơ sở xử lý để phân lập tế bào gốc. Tủy răng được tách ra, các tế bào gốc được phân tách và nuôi cấy trong điều kiện đặc biệt. Sau khoảng 20-30 ngày, số lượng tế bào gốc tăng lên đáng kể và đủ điều kiện để được bảo quản lạnh.

Trong giai đoạn này, môi trường nuôi cấy tế bào đóng vai trò then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ứng dụng tế bào gốc sau này và chi phí dịch vụ. Trước đây, môi trường nuôi cấy thường chứa huyết thanh và các yếu tố kích thích tăng trưởng chiết xuất từ động vật để mô phỏng điều kiện sinh trưởng trong cơ thể, giúp tế bào phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các yếu tố này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, virus (đặc biệt là những loại hiện chưa được phát hiện hoặc chưa có bằng chứng gây bệnh ở người nhưng có thể gây rủi ro trong tương lai). Ngoài ra, nhiều thành phần trong huyết thanh vẫn chưa được hiểu rõ về cách chúng ảnh hưởng đến sự điều hòa gen trong tế bào.

Hiện nay, môi trường nuôi cấy tế bào gốc dành cho ứng dụng trên người thường được sản xuất thương mại mà không chứa các thành phần có nguồn gốc từ động vật. Thay vào đó, môi trường nuôi cấy được tổng hợp nhân tạo bằng phương pháp tái tổ hợp. Mặc dù có chi phí cao hơn, những môi trường này an toàn hơn, đảm bảo tính khả dụng của tế bào gốc trong tương lai.

3.3. Lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa

Đây là quá trình làm lạnh các tế bào xuống dưới -150°C bằng nitơ lỏng hoặc hơi. Các tế bào được làm lạnh cẩn thận và nhanh chóng để tránh hình thành các tinh thể băng gây hại cho tế bào. Nhờ phương pháp bảo quản lạnh này, các tế bào tạm thời "ngủ đông" nhưng vẫn giữ nguyên các đặc tính vốn có.

Trước khi lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa, các tế bào cần được đánh giá chất lượng dựa trên một số tiêu chí cơ bản như loại tế bào, độ tinh sạch, độ ổn định của bộ nhiễm sắc thể và tỷ lệ tế bào sống. Các tiêu chí này sẽ được trình bày chi tiết hơn ở phần sau.

4. Tiêu chuẩn chất lượng tế bào gốc tủy răng sữa khi lưu trữ tại Vinmec

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam cung cấp dịch vụ lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa. Trước khi được lưu trữ, các mẫu tế bào đều được đánh giá chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), và Cơ quan Y tế Châu Âu (EMA). Dưới đây là một số tiêu chí cơ bản thống nhất giữa các tổ chức này về việc lưu trữ tế bào:

4.1. Định danh tế bào

Tế bào gốc tủy răng sữa có các đặc điểm sinh học của tế bào gốc trung mô, một loại tế bào thường được phân lập từ tủy xương, mô mỡ, dây rốn,... Trong một số trường hợp, chúng được gọi là tế bào gốc trung mô tủy răng sữa.  

Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Quốc tế về Liệu pháp Tế bào (ISCT) năm 2006, các tiêu chí tối thiểu để xác định tế bào gốc trung mô bao gồm:  

  • Khả năng bám dính trên bề mặt đĩa nuôi cấy nhựa và có hình thái đặc trưng với các tế bào thuôn dài, một nhân lớn chứa nhiều hạch nhân
  • Khả năng biệt hóa thành nguyên bào xương, nguyên bào sụn và tế bào mỡ khi được nuôi cấy trong môi trường cảm ứng
  • Biểu hiện các dấu ấn bề mặt đặc hiệu như CD73, CD90, CD105, cùng với sự biểu hiện yếu hoặc không biểu hiện các dấu ấn bề mặt tế bào máu như CD34, CD45, CD11b,... 
Các tiêu chuẩn xác định tế bào gốc trung mô theo Hiệp hội Quốc tế về Liệu pháp Tế bào (ISCT).
Các tiêu chuẩn xác định tế bào gốc trung mô theo Hiệp hội Quốc tế về Liệu pháp Tế bào (ISCT).

4.2. Độ tinh sạch, tránh tạp nhiễm

Một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình nuôi cấy và lưu trữ tế bào là đảm bảo mẫu không bị nhiễm các tác nhân vi sinh vật và virus. Để đảm bảo điều này, trẻ được sàng lọc các loại virus phổ biến như HIV (gây hội chứng suy giảm miễn dịch), HBV (gây viêm gan B), HCV (gây viêm gan C),... vào thời điểm thu thập răng sữa. Nếu cần thiết hoặc có nghi ngờ, mẫu tế bào sẽ được xét nghiệm thêm trước khi lưu trữ.  

Ngoài ra, các xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn và vi nấm cũng được thực hiện định kỳ trong suốt quá trình nuôi cấy và trước khi lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa để đảm bảo chất lượng mẫu.

4.3. Đánh giá kiểu nhân tế bào

Trừ những sinh vật đơn giản nhất như virus hay vi khuẩn, hầu hết các sinh vật đều có nhiễm sắc thể trong nhân tế bào, nơi chứa vật chất di truyền quyết định các đặc điểm của cơ thể và được truyền lại cho thế hệ sau.  

Mỗi loài có một bộ nhiễm sắc thể đặc trưng, chẳng hạn ở con người có 23 cặp nhiễm sắc thể (một nửa từ bố, một nửa từ mẹ), bao gồm 22 cặp nhiễm sắc thể thường và 1 cặp nhiễm sắc thể quy định giới tính (ở nam là XY, ở nữ là XX).  

Khi tế bào có bất thường về số lượng hoặc cấu trúc nhiễm sắc thể, chúng có thể hoạt động không bình thường và trở nên mất kiểm soát, dẫn đến nguy cơ hình thành khối u. Do đó, các mẫu tế bào cần được kiểm tra để đảm bảo bộ nhiễm sắc thể ổn định trong suốt quá trình nuôi cấy và trước khi lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa. 

Ở người, hầu hết các tế bào (trừ trứng và tinh trùng) đều chứa 23 cặp nhiễm sắc thể, với 22 cặp nhiễm sắc thể thường và 1 cặp NST giới tính: XY ở nam giới (hình trái), XX ở nữ giới (hình phải).
Ở người, hầu hết các tế bào (trừ trứng và tinh trùng) đều chứa 23 cặp nhiễm sắc thể, với 22 cặp nhiễm sắc thể thường và 1 cặp NST giới tính: XY ở nam giới (hình trái), XX ở nữ giới (hình phải).

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là cơ sở đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cung cấp dịch vụ thu thập và lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa. Chi phí ước tính cho toàn bộ quá trình từ thu thập mẫu, phân tách và lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa tương đương với dịch vụ phân lập, nuôi cấy và lưu trữ tế bào gốc từ dây rốn.

Quý khách hàng quan tâm có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để được phục vụ. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

Zeitlin B.D. (2020). Banking on teeth–Stem cells and the dental office. biomedical journal.

Bates K., and Gallicchio V.S. (2021). Dental Stem Cell Banking and Applications of Dental Stem Cells for Regenerative Medicine. In Novel Perspectives of Stem Cell Manufacturing and Therapies. IntechOpen.

Hilkens P., et al. (2016). Cryopreservation and banking of dental stem cells. Biobanking and Cryopreservation of Stem Cells, 199-235.

Alomar R.K., et al. (2020). A prospective Saudi dental stem-cell bank from the perspective of the public and dental practitioners: A cross sectional survey. Journal of family medicine and primary care, 9(2), 864. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe