Lupus ảnh hưởng đến mắt như thế nào?

Bệnh lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn mạn tính có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể bao gồm cả mắt. Diễn biến của bệnh không thể dự đoán trước được và đặc trưng bởi các giai đoạn bùng phát và giai đoạn thuyên giảm, có thể là cấp tính hoặc mãn tính.

1. Bệnh lupus ban đỏ

Bệnh lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn mạn tính, thường ảnh hưởng đến các bộ phận như da, khớp, mạch máu, tim, thận và hệ thần kinh. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến mắt. Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chiến đấu chống lại các tác nhân xâm nhập từ ngoài vào như vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân bị lupus ban đỏ, hệ miễn dịch hoạt động một cách bất thường, nó tấn công vào các mô khỏe mạnh của cơ thể.

2. Ảnh hưởng của bệnh lupus ban đỏ đến mắt

Những bệnh nhân bị lupus ban đỏ thường có thời gian bệnh bùng phát một cách nghiêm trọng, sau đó là giai đoạn thuyên giảm. Trong quá trình bệnh bùng phát, viêm và sưng xảy ra trong cơ thể, tạo ra sự mệt mỏi, đau đớn và làm tổn thương các mô. Đôi mắt cũng là mục tiêu của bệnh.


Thời gian bệnh bùng phát gây nhiều đau đớn cho người bệnh
Thời gian bệnh bùng phát gây nhiều đau đớn cho người bệnh

2.1 Bệnh khô mắt

Hiện tượng khô mắt dường như xảy ra thường xuyên ở những người mắc bệnh tự miễn như lupus ban đỏ. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị lupus ban đỏ có thể mắc bệnh khô mắt hay còn gọi là hội chứng khô mắt.

Hội chứng khô mắt là một tình trạng trong đó các triệu chứng khô mắt trở nên khá nghiêm trọng, thường tạo ra cảm giác khó chịu như có hạt cát trong mắt cũng như cảm giác ngứa và rát trong mắt. Lượng nước mắt giảm một cách đáng kể gây ảnh hưởng đến các bộ phận bên ngoài của mắt như là giác mạc và kết mạc.

Nếu hội chứng khô mắt xảy ra cùng với viêm khớp và cảm giác khô miệng thì được gọi là hội chứng Sjogren. Hội chứng này phổ biến hơn ở những người bị các bệnh viêm khớp tự miễn cũng như bệnh lupus ban đỏ. Có khoảng 20% bệnh nhân lupus ban đỏ mắc phải hội chứng này. Khô mắt xuất hiện do các tuyến nước mắt không sản xuất đủ nước mắt để nuôi dưỡng và bôi trơn cho mắt.

Tình trạng khô mắt có thể tiến triển dẫn đến tổn thương bề mặt trước của mắt và gây suy giảm thị lực. Khô mắt do bệnh lupus ban đỏ khó phân biệt với các tình trạng khô mắt khác.

2.2 Bệnh mí mắt

Mí mắt cũng có thể bị kích thích ở những người bị các bệnh tự miễn. Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể phát triển tình trạng da khó chịu xuất hiện dưới dạng phát ban dày trên mí mắt. Thỉnh thoảng bệnh nhân có thể cảm thấy nóng rát và ngứa. Tổn thương để lại sẹo có thể gây ra biến dạng dọc theo mép của mí mắt.


Bệnh lupus cũng có thể lây lan và phát ban dày lên mí mắt
Bệnh lupus cũng có thể lây lan và phát ban dày lên mí mắt

Phát ban được tạo thành từ các vết thương nhỏ hình vảy hay hình đĩa. Phát ban chủ yếu xuất hiện ở những khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tiếp xúc với khói thuốc lá cũng có thể đóng vai trò trong việc hình thành tình trạng này.

Khoảng 10% bệnh nhân lupus ban đỏ có thể gặp phải tình trạng này. Các tổn thương này thường đáp ứng tốt với điều trị bằng Steroid đường uống.

2.3. Bệnh võng mạc

Viêm mạch máu võng mạc là một biến chứng của bệnh lupus ban đỏ, trong đó việc cung cấp máu cho võng mạc bị giảm hoặc hạn chế. Khi đó, võng mạc sẽ cố gắng tự sửa chữa bằng cách phát triển các mạch máu mới, quá trình này được gọi là tân mạch. Tuy nhiên, điều không may mắn đó là những mạch máu mới này rất mỏng manh và yếu. Máu và chất lỏng có xu hướng rò rỉ ra ngoài mạch máu mới gây sưng nề ở võng mạc.

Khi viêm mạch máu võng mạc liên quan đến hoàng điểm, thị lực trung tâm của bệnh nhân có thể bị giảm hoặc mất. Viêm mạch máu cũng có thể ảnh hưởng đến thần kinh thị giác và cơ mắt.

Bác sĩ cũng có thể quan sát thấy “đốm bông” trong võng mạc của bệnh nhân. Các đốm bông là những vùng nhỏ, màu trắng của võng mạc bị sưng do thiếu lưu lượng máu và oxy đến khu vực này.

2.4. Bệnh xơ cứng

Bệnh lupus ban đỏ có thể gây viêm xơ cứng. Lớp màng cứng là lớp vỏ ngoài màu trắng, cứng của nhãn cầu. Viêm xơ cứng làm cho lớp màng cứng bị viêm và đau.

Do tình trạng viêm mà lớp màng cứng trở nên mỏng hơn, tạo ra một vùng mắt rất yếu, có thể bị làm thủng hoặc tăng nguy cơ tổn thương nghiêm trọng nếu có chấn thương mắt xảy ra trong tương lai.


Lupus ban đỏ có thể khiến cho lớp màng cứng bị viêm đau
Lupus ban đỏ có thể khiến cho lớp màng cứng bị viêm đau

Đối với hầu hết bệnh nhân, viêm xơ cứng chủ yếu gây đau, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt và đỏ hoặc các mảng tối trên màng cứng.

Viêm xơ cứng có thể được điều trị bằng Steroid và thuốc bôi hay thuốc chống viêm không Steroid. Cách tốt nhất là khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở mắt, bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức.

2. 5. Bệnh thần kinh mắt

Mặc dù không phổ biến, song vẫn có một số bệnh nhân lupus ban đỏ bị viêm thần kinh thị giác. Đây là tình trạng viêm bao phủ xung quanh dây thần kinh thị giác. Thường chỉ có một mắt bị ảnh hưởng viêm thần kinh thị giác, nhưng tổn thương thị lực sâu sắc có thể xảy ra. Viêm dây thần kinh thị giác liên quan đến lupus ban đỏ thường khiến cho dây thần kinh thị giác bị teo.

Bệnh thần kinh thị giác cũng có thể xảy ra khi các mạch máu cung cấp cho dây thần kinh thị giác bị chặn, gây ra tình trạng giống như đột quỵ trong mắt. Đây là một tình trạng hết sức nghiêm trọng, đòi hỏi phải điều kịp thời, nếu không mắt có thể bị tổn thương nặng nề.

Bệnh thần kinh thị giác do lupus xảy ra ở một phần hai số người mắc bệnh lupus ban đỏ. Mất thị lực tiến triển chậm, cũng có khi mất thị lực nhanh hơn.

Liệt dây thần kinh sọ có thể dẫn đến tình trạng nhìn đôi, di chuyển và liên kết mắt kém, phản xạ đồng tử kém, mí mắt bị sụp xuống.

Tổn thương các sợi thần kinh thị giác trong não có thể gây ảo giác và mất thị lực ngoại biên và/hoặc thị lực trung tâm.


Bệnh thần kinh thị giác do lupus khiến cho thị lực bị suy giảm nghiêm trọng
Bệnh thần kinh thị giác do lupus khiến cho thị lực bị suy giảm nghiêm trọng

Các tổn thương ở mắt trên bệnh nhân lupus ban đỏ có thể do chính căn bệnh này gây ra, cũng có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh. Đặc biệt là thuốc Hydroxychloroquine (Plaquenil) có thể gây ngộ độc võng mạc theo thời gian, đặc biệt khi sử dụng liều cao.

Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân lupus ban đỏ nên kiểm tra mắt toàn diện hàng năm. Đặc biệt là những bệnh nhân điều trị bằng Hydroxychloroquine nên được kiểm tra mắt cơ bản trước khi bắt đầu sử dụng thuốc và kiểm tra định kỳ hàng năm.

Nguồn tham khảo: lupus.org, verywellhealth.com, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe