Bài được viết bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Các nghiên cứu gần đây đã làm sáng tỏ vai trò của vitamin D trong bệnh đa xơ cứng và đau cơ xơ hóa - hai tình trạng mãn tính, không thể chữa khỏi và thường gây ra suy nhược.
1. Vitamin D và chứng đa xơ cứng
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Neurology, các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard (HSPH) ở Boston đã nghiên cứu những bệnh nhân mắc chứng bệnh đa xơ cứng, phát hiện ra rằng những người có mức vitamin D cao hơn sẽ có tình trạng tốt hơn nhiều so với những người có mức vitamin D thấp hơn.
Họ đã kiểm tra nồng độ vitamin D của 465 người tham gia được theo dõi trong khoảng thời gian 5 năm như một phần của nghiên cứu để theo dõi những bệnh nhân được cho sử dụng Betaseron, một loại thuốc bệnh đa xơ cứng được FDA chấp thuận. Họ phát hiện ra rằng, việc tăng nồng độ vitamin D trong vòng 12 tháng đầu điều trị bằng thuốc làm giảm 57% nguy cơ tái phát.
Theo nghiên cứu, những bệnh nhân có nồng độ vitamin D thấp trong giai đoạn đầu của bệnh có yếu tố nguy cơ tiến triển bệnh đa xơ cứng dài hạn cao hơn.
Câu hỏi là, liệu căn bệnh này có làm giảm lượng vitamin D hay mức độ vitamin thấp hơn góp phần làm trầm trọng thêm bệnh? Đây thực sự là câu hỏi hóc búa giống như câu hỏi "con gà có trước hay quả trứng có trước?" kinh điển.
Trong một cuộc phỏng vấn với các chuyên gia, tác giả chính Alberto Ascherio, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại HSPH cho biết, “Rất có thể, hoạt động của bệnh càng trầm trọng hơn là do mức vitamin D thấp,” dựa trên những gì họ tìm thấy trong nghiên cứu.
2. Vitamin D giúp giảm nhẹ cơn đau do đau cơ xơ hóa
Trong một nghiên cứu riêng biệt được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở Vienna, Áo, nồng độ vitamin D cũng được chứng minh là có liên quan đến mức độ giảm đau và mệt mỏi ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa.
30 người tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm. Một nhóm được bổ sung vitamin D trong khi nhóm còn lại dùng giả dược. Trong nhóm được bổ sung, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự giảm đáng kể cả các triệu chứng đau và mệt mỏi. Phát hiện mang lại hứa hẹn về tác dụng của vitamin D đối với việc giảm đau cho những người mắc hội chứng đau cơ xơ hóa.
3. Duy trì mức vitamin D thích hợp là rất quan trọng đối với sức khỏe
Mặc dù chúng ta có thể không biết tất cả các câu trả lời về cách vitamin D tác động lên bệnh bệnh đa xơ cứng hoặc đau cơ xơ hóa nhưng việc duy trì mức vitamin thích hợp là rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta.
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) của Mỹ, đối với những người từ 9 tuổi trở lên, mức tiêu thụ tối đa và an toàn là 4.000 IU vitamin D mỗi ngày.
Có một số cách để nâng cao mức vitamin D của bạn nhưng đơn giản nhất là tắm nắng. Chỉ cần 10 đến 15 phút phơi nắng ba lần một tuần là đủ.
“Mặt trời cần phải chiếu vào da mặt, cánh tay, lưng hoặc chân của bạn (không dùng kem chống nắng).” NIH khuyến cáo, nhưng “bởi vì tiếp xúc với ánh sáng mặt trời là một yếu tố nguy cơ gây ung thư da, bạn nên sử dụng kem chống nắng sau vài phút ở ngoài nắng”.
Ascherio đồng ý rằng “sự kết hợp giữa dinh dưỡng tốt và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hợp lý có thể hữu ích,” nhưng ông nói, “hầu hết những người sống ở vĩ độ cao cần bổ sung thêm để duy trì mức độ khỏe mạnh quanh năm.”
4. Làm thế nào để bổ sung nhiều vitamin D hơn
Nếu bạn không sống ở nơi có nhiều nắng, bạn có thể khó duy trì mức vitamin D phù hợp. Trong trường hợp đó, bạn cũng có thể bổ sung vitamin D thông qua chế độ ăn uống của mình.
“Hầu hết sữa ở Hoa Kỳ được tăng cường 400 IU vitamin D mỗi lít,” nhưng NIH cảnh báo, “Cần lưu ý rằng thực phẩm làm từ sữa, chẳng hạn như pho mát và kem, thường không được tăng cường.” NIH cho biết, nguồn thực phẩm tốt nhất cho vitamin D là các loại cá béo như cá ngừ, cá hồi và cá thu.
Bổ sung vitamin D có thể được coi là một phương pháp điều trị tương đối an toàn và tiết kiệm cho bệnh nhân có bệnh đa xơ cứng. Đây là một phương pháp thay thế hoặc bổ trợ cực kỳ hiệu quả cho việc điều trị bằng thuốc đắt tiền, cũng như các liệu pháp vật lý, hành vi và đa phương thức. Nồng độ Vitamin D nên được theo dõi thường xuyên ở bệnh nhân bệnh đau cơ xơ hoá, đặc biệt là vào mùa đông và cần được nâng lên một cách thích hợp.
Cho dù bạn có kế hoạch nạp thêm vitamin D vào cơ thể bằng cách nào, hãy nhớ nói chuyện với bác sĩ trước. Thực hiện một bài kiểm tra cơ bản để xác định mức độ hiện tại của bạn và bắt đầu từ đó. Cho dù bạn bị bệnh đa xơ cứng hay bệnh đau cơ xơ hoá, rõ ràng việc duy trì mức vitamin D thích hợp là điều cần thiết để kiểm soát tình trạng của bạn.
Lưu ý rằng, các thông tin trên đây mang tính chất tham khảo. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định bất kì phương pháp điều trị nào. Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: nih.gov, arthritis.org