Chuối là một trong những loại trái cây cung cấp kali và chất xơ rất tốt cho sức khỏe. Không dừng lại ở đó, các lợi ích của chuối còn vượt ra ngoài lĩnh vực thực phẩm, có hiệu quả trong việc chăm sóc tóc, chăm sóc da. Theo đó, mặt nạ chuối dưỡng ẩm là một phương pháp làm đẹp đang ngày càng phổ biến.
1. Mặt nạ chuối có tác dụng gì?
Nhiều người tin rằng mặt nạ chuối có thể cải thiện làn da nhờ thành phần dinh dưỡng và silica có trong chuối. Tuy nhiên, những lợi ích này chưa được nghiên cứu rộng rãi trên các cơ sở lâm sàng.
Khi sử dụng chuối để làm mặt nạ, một trong những thành phần đáng chú ý nhất là silica (tương tự silicone). Silica trong chuối có thể giúp làn da tăng sản xuất collagen - một loại protein tự nhiên giúp giữ nước và làm mịn da.
Thêm vào đó, chuối còn chứa một số chất có thể giúp ích cho sức khỏe làn da bao gồm:
- Kali;
- Vitamin B6;
- Vitamin C;
- Vitamin A.
1.1. Mặt nạ chuối giúp cải thiện nếp nhăn
Khi cơ thể già đi, việc mất collagen trong da là điều tự nhiên. Sự suy giảm collagen này có thể làm cho da kém căng hơn và làm tăng sự xuất hiện của các nếp nhăn. Người ta cho rằng mặt nạ chuối giúp tăng sinh collagen thông qua silica, do đó làm giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn.
1.2. Mặt nạ chuối giúp da sáng màu
Chuối là loại trái cây rất giàu các chất chống oxy hóa, giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể. Việc thoa chất chống oxy hóa lên da có thể giúp bảo vệ da khỏi tác hại của các gốc tự do, giúp làn da sáng hơn.
1.3. Mặt nạ chuối trị mụn
Mặc dù chuối không chứa các thành phần trị mụn giống như tinh dầu cây trà, benzoyl peroxide hoặc axit salicylic, nhưng chuối có tác dụng trị mụn bằng cách giảm viêm da nhờ vitamin A. Thành phần phenolic trong chuối cũng có thể kháng khuẩn giúp điều trị các tổn thương do mụn trứng cá.
1.4. Mặt nạ chuối trị sẹo mụn
Chuối có thể làm giảm chứng tăng sắc tố trong da với sự hỗ trợ của vitamin A và C. Điều này rất có lợi cho các vết sẹo mụn trứng cá cũng như các vết nám da.
1.5. Mặt nạ chuối giúp chống nắng
Mặc dù mặt nạ chuối không thể thay thế kem chống nắng hàng ngày nhưng chuối có chứa chất chống oxy hóa giúp tăng cường khả năng tự nhiên cho làn da trong việc ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời. Vitamin A, C và E là những thành phần đáng chú ý nhất cho tác dụng này.
1.6. Mặt nạ chuối dưỡng ẩm cho da khô
Một số người khẳng định chuối có thể giúp dưỡng ẩm cho da khô. Điều này có thể liên quan đến hàm lượng vitamin B6 và kali của chuối.
XEM THÊM: Lợi ích của mặt nạ dưa chuột và cách làm
2. Biện pháp phòng ngừa các tác dụng phụ tiềm ẩn của mặt nạ chuối
Mặc dù, không phổ biến nhưng phản ứng dị ứng vẫn có thể xảy ra với các loại mặt nạ chuối. Nếu bạn từng bị dị ứng với chuối hoặc nhựa mủ của chuối, bạn nên tránh hoàn toàn việc đắp mặt nạ chuối. Dị ứng phấn hoa cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị dị ứng với mặt nạ chuối. Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng mặt nạ chuối có thể bao gồm:
- Ngứa da;
- Phát ban đỏ;
- Sưng da;
- Hắt xì liên tục;
- Thở khò khè và các triệu chứng của bệnh hen suyễn.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn với chuối có thể xảy ra, thậm chí đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ, người bệnh cần được trợ giúp y tế khẩn cấp, các triệu chứng phản vệ bao gồm khó thở, sưng mặt và ngất xỉu.
Chuối có liên quan với các loại trái cây và rau quả khác trong họ trái cây có nhiều nhựa mủ, vì vậy người dùng hãy thận trọng hơn với chuối nếu đã từng có phản ứng với các loại trái cây sau:
- Táo;
- Bơ;
- Quả kiwi;
- Khoai tây;
- Cà chua;
- Rau cần tây;
- Cà rốt;
- Dưa;
- Đu đủ;
- Hạt dẻ.
XEM THÊM: Lợi ích của mặt nạ đất sét với da
3. Cách làm và đắp mặt nạ chuối
Thành phần quan trọng để làm mặt nạ chuối là chuối chín nghiền nát. Một số người còn chà xát vỏ chuối lên da. Theo đó, người dùng có thể tăng cường hiệu quả dưỡng da bằng cách thêm các thành phần khác vào mặt nạ chuối, tùy thuộc vào mục tiêu chăm sóc da của từng người. Chuối chín nghiền rất thích hợp với các thành phần sau:
- Kết hợp với mật ong: dành cho da khô, da nhờn và da mụn;
- Đất sét: giúp hấp thụ dầu thừa và làm sạch lỗ chân lông;
- Một lượng nhỏ nước ép chanh: giúp làm mờ vết sẹo;
- Bơ nghiền: giúp bổ sung độ ẩm;
- Sữa chua: tạo độ ẩm và có tác dụng làm dịu;
- Bột nghệ: giảm vết thâm và mụn, đồng thời tăng độ sáng;
Khi đã chọn ra các thành phần mong muốn, hãy làm theo các bước sau:
- Trộn tất cả các thành phần đã chuẩn bị vào trong 1 cái bát, thêm nước nếu cần thiết để tạo được kết cấu đặc vừa phải;
- Vén hết tóc phủ trên mặt để chuối không bị dính vào;
- Thoa một lớp đều mặt nạ chuối lên da sạch và khô;
- Để lớp mặt nạ chuối trong 10 - 15 phút trước khi rửa sạch bằng nước ấm;
- Lau khô da nhẹ nhàng và thoa kem dưỡng ẩm;
- Lặp lại 2 đến 3 lần mỗi tuần.
Xây dựng một thói quen chăm sóc da tốt, sử dụng mặt nạ vài lần mỗi tuần có thể giúp ích cho sức khỏe tổng thể của làn da. Mặt nạ chuối là một trong số rất nhiều loại mặt nạ tự nhiên mà bạn có thể lựa chọn. Tuy nhiên, hãy thận trọng với mặt nạ chuối nếu bạn có tiền sử nhạy cảm hoặc dị ứng với loại trái cây này hoặc với nhựa mủ của chuối.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com