Xịt khoáng và kem dưỡng ẩm tác động tới làn da thế nào?

Ngày nay, chăm sóc da trở thành một thói quen không thể thiếu của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ hiện đại. Các sản phẩm dưỡng da cũng ngày càng đa dạng hơn với công dụng và tính năng phong phú. Tuy nhiên, nền tảng của một làn da đẹp là cung cấp đủ độ ẩm. Vậy các sản phẩm kem dưỡng ẩm cho da, xịt khoáng cho da sẽ giúp ích gì đối với làn da của người sử dụng?

1. Hydrat hóa làn da

Hydrat hóa làn da hay có thể hiểu là quá trình cấp ẩm (cấp nước) cho da, đây không phải là điều mà chỉ những người có làn da khô hoặc làn da mất nước mới cần lo lắng. Hydrat hóa làn da cũng giống như việc cung cấp nước cho cơ thể, cơ thể cần được cấp nước để có được vẻ ngoài và sức sống tốt nhất, và làn da cũng vậy, bất kể loại da của bạn là gì.

Rất nhiều sản phẩm quảng cáo sẽ mang lại cho người dùng một làn da ngậm nước bao gồm các loại dầu, gel hoặc kem dưỡng ẩm cho da, xịt khoáng cho da... Vậy làm thế nào để chọn một loại cấp ẩm thực sự cung cấp cho làn da đủ liều lượng ẩm cần thiết?

2. Cấp ẩm so với dưỡng ẩm - sự khác biệt là gì?

Về mặt khoa học, dưỡng ẩm là một thuật ngữ chung để chỉ các loại kem dưỡng ẩm có chứa các thành phần giữ ẩm (giữ lại độ ẩm trên da, không cho chúng mất đi):

  • Chất làm mềm (chất béo và dầu);
  • Squalene (dầu thực vật);
  • Chất giữ ẩm;
  • Chất khóa ẩm.

Tuy nhiên, trong giới tiếp thị, các thuật ngữ này đã có sự thay đổi. Perry Romanowski - nhà hóa mỹ phẩm và đồng sáng lập thương hiệu The Beauty Brains cho biết: “Cấp ẩm và dưỡng ẩm chỉ là các thuật ngữ tiếp thị và chúng có thể được các thương hiệu định nghĩa theo cách mà họ muốn”.

Mặc dù không có tiêu chuẩn nào cho những định nghĩa về cấp ẩm và dưỡng ẩm, nhưng phần lớn các thương hiệu sử dụng những thuật ngữ này đều muốn nói lên rằng da của người dùng sẽ có được lượng ẩm cần thiết khi sử dụng sản phẩm.

Chất dưỡng ẩm là các thành phần gốc dầu, bao gồm các chất khóa ẩm (chẳng hạn như dầu khoáng), các chất làm mềm (như este) và dầu thực vật. Chúng hoạt động bằng cách tạo ra một lớp “niêm phong” trên bề mặt da để ngăn nước thoát ra ngoài (giữ ẩm). Romanowski cho biết các chất này cũng giúp da mịn màng hơn và ít khô hơn.

Trong khi đó, các chất cấp ẩm như glycerin hoặc axit hyaluronic có tác dụng hấp thụ thêm nước từ bầu không khí hoặc bên trong của bạn. Các sản phẩm cấp ẩm được sử dụng với mục đích tăng lượng nước trong da. Các tầng trên của biểu bì cần được cấp nước để đảm bảo sự dẻo dai và căng khỏe của da.

Bên cạnh đó, các sản phẩm cấp ẩm cũng chứa những chất khóa ẩm nhằm ngăn việc thoát ẩm ra khỏi da. Vì vậy, trên thị trường các sản phẩm chăm sóc da cấp ẩm (như xịt khoáng cho da) cũng có thường có thêm tính năng dưỡng ẩm.

XEM THÊM: Nước xịt khoáng có tác dụng gì cho da?


Chất cấp ẩm và chất dưỡng ẩm có thành phần, công dụng khác nhau
Chất cấp ẩm và chất dưỡng ẩm có thành phần, công dụng khác nhau

3. Nước có là một chất dưỡng ẩm tốt?

Nước không phải là thành phần đủ mạnh để giữ ẩm cho làn da của bạn. Khi bạn rời khỏi phòng tắm, nước sẽ bốc hơi tự nhiên cùng với lượng dầu tự nhiên trên da. Trên thực tế, nếu bạn càng rửa sạch da mà không thoa kem dưỡng ẩm cho da hoặc xịt khoáng cho da thì da càng có nguy cơ bị khô hơn so với khi chưa rửa với nước. Tuy nhiên, nước là thành phần không thể thiếu trong các sản phẩm xịt khoáng cho da.

XEM THÊM: Tại sao nên xịt khoáng để khóa lớp trang điểm?

4. Lựa chọn nào tốt nhất cho làn da?

Có rất nhiều sản phẩm dưỡng da trên thị trường, từ dầu dưỡng, kem dưỡng ẩm cho da, gel, thuốc mỡ đến các loại xịt khoáng cho da, hầu hết các sản phẩm này đều làm được những tác dụng tương tự nhau trong việc dưỡng ẩm cho da.

Romanowski cho biết: “Hầu hết các loại kem dưỡng ẩm cho da đều chứa cả các thành phần làm mềm da, khóa ẩm và các thành phần cấp ẩm, vì vậy chúng có tác dụng dưỡng ẩm và cấp nước cho da cùng một lúc. Dạng bào chế của một sản phẩm là gel, dầu dưỡng, kem, hay dạng lỏng... không thực sự ảnh hưởng đến hiệu quả của sản phẩm. Hình thức chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm khi sử dụng”.

Đôi khi làn da của người sử dụng có thể tốt hơn chỉ với kem dưỡng ẩm hoặc xịt khoáng cho da chứ không bắt buộc phải dùng cả hai. Nếu bạn có làn da khô, hãy thử một loại kem dưỡng ẩm có chất đặc hơn. Một loại kem dưỡng ẩm đặc sẽ giúp ngăn nước “bay” khỏi da của bạn, cung cấp các chất dinh dưỡng và nuôi dưỡng làn da. Theo Romanowski: “Đối với làn da khô, các chất khóa ẩm petrolatum là tốt nhất”.

Nếu da thiếu nước nhất thời, bạn cần tích cực bổ sung nước trở lại cho da. Tìm kiếm một loại serum cấp ẩm với axit hyaluronic - chất này có thể thu hút được lượng nước ấn tượng, gấp 1.000 lần trọng lượng của nó, giúp bổ sung độ ẩm lại cho da.

Cố gắng uống nhiều nước là phương pháp cung cấp độ ẩm cho da đơn giản và hữu hiệu nhất. Bổ sung các loại thực phẩm giàu nước như dưa hấu, dâu tây, dưa chuột... giúp cung cấp độ ẩm cần thiết cho da và cho cơ thể của bạn.

Thực tế, bạn thuộc loại da dầu không có nghĩa là da của bạn không bị mất nước, nếu da bạn bị thiếu nước có thể làm trầm trọng thêm vấn đề đổ dầu trên da. Những người có da nhờn thường có chức năng hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, khiến da khó giữ ẩm. Vì vậy, khi độ ẩm thoát ra ngoài, da bị mất nước sẽ lại tiết ra nhiều dầu hơn. Đây là một vòng luẩn quẩn và cách duy nhất để phá vỡ nó là cung cấp cho làn da đủ độ ẩm cần thiết.


Cung cấp đủ độ ẩm cần thiết sẽ giúp da không bị đổ dầu nhiều hơn
Cung cấp đủ độ ẩm cần thiết sẽ giúp da không bị đổ dầu nhiều hơn

Người da nhờn nên tìm kiếm các chất dưỡng ẩm gốc nước, không gây dị ứng. Vậy xịt khoáng có tốt không? Các sản phẩm dưỡng ẩm gốc nước như các loại xịt khoáng sẽ tạo cảm giác nhẹ nhàng hơn trên da và không làm tắc nghẽn lỗ chân lông của người sử dụng.

5. Phân biệt các thành phần cấp ẩm - dưỡng ẩm

Lựa chọn các chất cấp ẩm hay dưỡng ẩm tất cả phụ thuộc vào loại da của bạn, hầu hết các loại kem dưỡng ẩm cho da thông thường đều làm được cả hai điều này. Dưới đây là bảng liệt kê một số thành phần cấp ẩm và dưỡng ẩm cho da:

Thành phần Chất dưỡng ẩm (chất giữ ẩm) hoặc chất cấp ẩm (chất cấp nước)
axit hyaluronic chất cấp nước
glycerin chất cấp nước
nha đam chất cấp nước
mật ong chất cấp nước
hạt hoặc các loại dầu từ hạt như dầu dừa, dầu hạnh nhân, dầu cây gai chất giữ ẩm
bơ hạt mỡ chất giữ ẩm
dầu thực vật như squalene, jojoba, dầu cây trà chất giữ ẩm
chất nhầy ốc sên chất cấp nước
dầu khoáng chất giữ ẩm
lanolin chất giữ ẩm
axit lactic chất cấp nước
axit citric chất cấp nước
ceramide ceramides tăng cường hàng rào bảo vệ da để giúp ngăn ngừa mất độ ẩm

Trên thực tế, sử dụng đồng thời cả chất giữ ẩm và các chất cấp ẩm sẽ không có hại, chỉ cần thực hiện bằng cách thoa chất cấp nước như axit hyaluronic trước, sau đó sử dụng tiếp theo với một loại dầu thực vật để giữ ẩm. Hoặc nếu bạn muốn mọi thứ đơn giản hơn, hãy tìm một sản phẩm làm được cả hai điều này. Mặt nạ là một lựa chọn tuyệt vời để có một trong hai việc cấp nước và dưỡng ẩm cho làn da chỉ trong một sản phẩm duy nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe