Lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo và hai phương pháp điều trị thay thế thận phổ biến nhất ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng và hai phương pháp có thể hỗ trợ cho nhau.
1. Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Theo thống kê trên thế giới có khoảng 850 triệu người mắc bệnh suy thận mạn, số bệnh nhân tử vong hàng năm là 2,4 triệu người. Nếu vào những năm 1990, suy thận mạn là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ 27 trong các nguyên nhân gây tử vong phổ biến thì hiện nay, suy thận mạn đang xếp ở vị trí thứ 6. Số bệnh nhân suy thận mạn đang tăng lên và số bệnh nhân tử vong do suy thận mạn ngày càng nhiều. Bệnh nhân suy thận mạn hiện đang chiếm 10-14% dân số các nước. Nguyên nhân gây suy thận mạn hàng đầu hiện nay là đái tháo đường, chiếm 50% các trường hợp, nguyên nhân tiếp theo là cao huyết áp chiếm 30%.
Suy thận mạn được chia thành 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn 5 được gọi là suy thận giai đoạn cuối, thận đã mất chức năng hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn. Thận không thể thực hiện chức năng bài tiết các chất độc, chất cặn bã trong quá trình chuyển hóa và nước thừa ra khỏi cơ thể, để duy trì cuộc sống, người bệnh cần được điều trị thay thế thận. Có 3 phương pháp điều trị thay thế thận chủ yếu hiện nay là ghép thận, lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo.
Ghép thận là ghép quả thận khỏe mạnh từ người hiến tạng thay thế cho quả thận đã mất chức năng của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, phương pháp này rất khó thực hiện vì nguồn thận hiến là rất ít và cũng rất khó để tìm được một quả thận tương thích. Do đó, phần lớn người bệnh sử dụng hai phương pháp điều trị còn lại là lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo. Việc lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào tình trạng và điều kiện cụ thể của bệnh nhân.
2. Phương pháp chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể. Máu của người bệnh sẽ được dẫn vào hệ thống lọc của máy chạy thận nhân tạo. Máy sẽ giúp lọc bớt các chất độc và nước dư thừa. Sau khi lọc xong, máu sẽ được trả về vòng tuần hoàn người bệnh.
Trước khi bắt đầu chạy thận vài tuần đến vài tháng, người bệnh sẽ được phẫu thuật FAV. Phẫu thuật thường được thực hiện ở cổ tay và thường là ở tay không thuận để bệnh nhân thuận tiện trong công công việc và cuộc sống. Phẫu thuật giúp nối động mạch và tĩnh mạch giúp lưu lượng máu ở khu vực này tăng lên, thuận tiện cho việc chọc kim lấy máu để đưa vào máy chạy thận và chọc kim trả máu sau khi được lọc xong.
Bệnh nhân sẽ chạy thận nhân tạo 3 ngày mỗi tuần, cách ngày, mỗi lần chạy thận kéo dài 3-4 giờ. Trong quá trình chạy thận, người bệnh có thể có các triệu chứng như nhìn mờ, đau bụng, khó thở, buồn nôn hoặc nôn, chuột rút,.. Khi cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần thông báo ngay với nhân viên y tế để được can thiệp kịp thời.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần có chế độ ăn giảm muối và các thức ăn nhiều Kali, hạn chế uống nhiều nước đặc biệt là vào những ngày không chạy thận. Bệnh nhân cũng cần chú ý chăm sóc FAV, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày bằng xà phòng và nước ấm. Tay FAV không được xách vật nặng hoặc để bị chèn ép (như đo huyết áp,...).
3. Lọc màng bụng
Lọc màng bụng là phương pháp sử dụng chính màng bụng của người bệnh là màng lọc, giúp thải các chất cặn bã và nước thừa ra khỏi cơ thể, thay thế cho thận đã mất chức năng. Để thực hiện chức năng này, một ống thông catheter sẽ được phẫu thuật đưa vào khoang phúc mạc người bệnh. Catheter này giúp đưa dịch lọc vào ổ bụng và tháo dịch ra sau khi đã lọc xong.
Màng bụng có thể giúp lọc máu do màng bụng có tính chất là một màng bán thấm, cho phép các chất hoàn tan có nồng độ lớn và nước thừa trong máu xuyên qua màng bụng và vào khoang dịch lọc. Lọc màng bụng thuận tiện cho bệnh nhân, vì người bệnh có thể thực hiện tại nhà, một tháng người bệnh chỉ cần đến bệnh viện một lần để bác sĩ khám, kiểm tra và nhận dịch lọc để thực hiện trong tháng tiếp theo. Lọc màng bụng đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa, bệnh nhân không thể tiếp cận được với máy chạy thận nhân tạo hoặc để được chạy thận, người bệnh phải vượt qua một quãng đường di chuyển rất dài.
Trong quá trình lọc màng bụng suy thận, nếu không tuân thủ các kỹ thuật được hướng dẫn và đảm bảo vệ sinh, bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng phúc mạc. Các biến chứng khác người bệnh có thể gặp là tăng đường huyết, rối loạn lipid máu, tràn dịch màng phổi,...
4. Người bệnh có thể chuyển đổi giữa lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo không?
Hai phương pháp lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo có thể hỗ trợ cho nhau trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo lâu năm, mạch máu bị biến đổi, lòng mạch hẹp, lưu lượng máu giảm, việc lọc máu kém hiệu quả thì có thể xem xét chuyển qua lọc màng bụng. Ngược lại, một bệnh nhân lọc màng bụng lâu năm nếu hiệu quả giảm có thể chuyển sang chạy thận nhân tạo. Ngay trong quá trình, bệnh nhân lọc màng bụng có thể hàng tháng đến bệnh viện chạy thận nhân tạo 1-2 lần để tăng cường hiệu quả việc lọc máu.
Nhờ sự phát triển của các phương pháp điều trị thay thế thận, bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối hiện nay có thể kéo dài cuộc sống hàng chục năm, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng được cải thiện rất nhiều. Để duy trì hiệu quả điều trị và hạn chế các biến chứng, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, tái khám theo định kỳ, điều chỉnh chế độ ăn, lối sống cho phù hợp với tình trạng bệnh và phương pháp điều trị đang thực hiện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: