Lọc màng bụng là một trong những phương pháp điều trị suy thận giai đoạn cuối rất hiệu quả và thuận tiện. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối nào cũng thích hợp để chỉ định lọc màng bụng.
1. Các trường hợp suy thận mạn có chỉ định lọc màng bụng
Lọc màng bụng là phương pháp điều trị suy thận được chỉ định khi người bệnh suy thận giai đoạn cuối. Mức lọc cầu thận của người bệnh giai đoạn này thấp hơn 15ml/phút/ 1.73m2 da và thận hầu như đã mất chức năng hoàn toàn. Kỹ thuật lọc màng bụng có hai hình thức chính là:
- Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD): Người bệnh thực hiện thay dịch lọc bằng tay từ 3 đến 5 lần mỗi ngày, trong khoang phúc mạc người bệnh luôn có sự hiện diện của dịch lọc.
- Lọc màng bụng chu kỳ tự động (ADP): Người bệnh thực hiện lọc màng bụng bằng máy. Việc thay dịch lọc diễn ra vào ban đêm và được máy thực hiện tự động.
Lọc màng bụng có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng bệnh nhân, đặc biệt là những người không thể chạy thận nhân tạo do mắc các bệnh kèm theo như suy tim sung huyết, bệnh mạch máu mở rộng, thiếu máu cục bộ hoặc người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng cao khi thường xuyên xâm nhập máu; người bệnh là trẻ em hoặc người bệnh đang chờ ghép thận.
2. Chống chỉ định lọc màng bụng trong các trường hợp nào?
Lọc màng bụng là một phương pháp điều trị hiệu quả, mang tới nhiều sự tiện lợi và có thể sử dụng cho hầu hết người bệnh. Tuy nhiên do cơ chế của lọc màng bụng là sử dụng chính màng bụng của người bệnh là màng lọc, dịch lọc vô khuẩn sẽ được đưa vào khoang bụng thường xuyên qua ống catheter. Các chất cặn bã hòa tan, chất chuyển hóa, điện giải, nước thừa từ máu do có nồng độ và áp suất cao hơn sẽ qua màng bụng và qua khoang dịch lọc, sau một thời gian ngâm dịch lọc trong ổ bụng, dịch lọc được tháo ra giúp loại bỏ các chất thải độc hại trong cơ thể ra ngoài. Do màng bụng và việc thay dịch có vai trò chủ chốt trong kỹ thuật lọc màng bụng, do đó, sẽ có một số trường hợp bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối không phù hợp để thực hiện kỹ thuật này.
2.1 Các trường hợp chống chỉ định tuyệt đối với lọc màng bụng
Những bệnh nhân có màng bụng không còn chức năng lọc hoặc màng bụng bị dính kết diện rộng làm cản trở dòng chảy của dịch lọc sẽ không thể thực hiện lọc màng bụng. Ngoài ra, lọc màng bụng cũng không được chỉ định khi những người bệnh không có người hỗ trợ, đặc biệt là khi người bệnh có vấn đề về thể chất hoặc tinh thần, không có khả năng tự chăm sóc mình.
Một chống chỉ định khác là khi người bệnh có các khiếm khuyết (ví dụ như thoát vị,...) làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khi lọc màng bụng nhưng không thể điều trị dứt điểm được.
2.2 Các trường hợp chống chỉ định tương đối với lọc màng bụng
Việc sử dụng kỹ thuật lọc màng bụng sẽ được xem xét vô cùng thận trọng đối với các trường hợp sau::
- Những người bệnh bị viêm, mắc các bệnh đường ruột hoặc thường xuyên bị viêm túi thừa.
- Người bệnh có thể tích khoang màng bụng hạn chế ( trong các trường hợp gan to, lách to, thận đa nang,..) không thể chứa đủ lượng dịch lọc cần thiết để lọc máu.
- Người bệnh bị rò rỉ phúc mạc.
- Người bệnh bị nhiễm trùng thành bụng hoặc bị viêm phúc mạc khu trú.
- Người bệnh vừa trải qua phẫu thuật ở ổ bụng.
- Người bệnh béo phì hoặc suy dinh dưỡng nặng.
Khi không thể thực hiện lọc màng bụng, người bệnh sẽ được xem xét chỉ định các phương pháp điều trị thay thế thận khác như ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo. Những bệnh nhân được chỉ định lọc màng bụng sẽ được phẫu thuật đặt catheter chuyên biệt vào khoang phúc mạc, catheter là một ống thông giúp đưa dịch lọc vào khoang bụng và tháo dịch ra ngoài sau khi đã lọc xong. Trong quá trình lọc màng bụng, người bệnh cần thực hiện đúng kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, đặc biệt là nhiễm trùng phúc mạc.
XEM THÊM: