Viêm gan siêu E từ trước đến nay được coi là bệnh cấp tính, tự giới hạn tương tự như viêm gan A. Tuy nhiên thời gian gần đây, bệnh viêm gan E đã được xác định có khả năng tiến triển thành xơ gan. Viêm gan E mãn tính xảy ra chủ yếu ở những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như ghép tạng đặc, nhiễm virus HIV có số lượng tế bào TCD4 thấp và mắc bệnh máu ác tính đang được hóa trị.
1. Viêm gan E là bệnh gì?
Virus viêm gan E (HEV), một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm gan cấp tính, ảnh hưởng đến 20 triệu người mỗi năm và ước tính khoảng 3 triệu trường hợp có triệu chứng. WHO ước tính rằng bệnh viêm gan siêu vi E gây ra khoảng 44 000 ca tử vong trong năm 2015 (chiếm 3,3% tổng số ca tử vong do viêm gan siêu vi).
Theo nghiên cứu, 4 kiểu genotype HEV khác nhau gây bệnh cho người đã được mô tả. Kiểu genotype 1 và 2 chỉ gây bệnh cho người, lây truyền bệnh thông qua đường phân-miệng và đường nước. Kiểu genotype 3 và 4 lưu hành ở một số loài động vật như lợn, lợn rừng, hươu, nai và thỉnh thoảng gây bệnh cho người.
Virus được thải ra trong phân của người bị nhiễm bệnh và xâm nhập vào cơ thể người qua đường ruột. Virus viêm gan E lây truyền qua đường phân-miệng, chủ yếu là qua nước bị ô nhiễm.
Viêm gan siêu vi E thường tự giới hạn và khỏi trong vòng 2–6 tuần. Đôi khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng hơn là viêm gan tối cấp (suy gan cấp tính) và có thể gây tử vong.
Viêm gan siêu vi E được tìm thấy trên toàn thế giới, nhưng bệnh phổ biến nhất ở Đông và Nam Á. Bệnh phổ biến ở quốc gia có thu nhập thấp và trung bình với khả năng tiếp cận hạn chế nước, dịch vụ vệ sinh và y tế thiết yếu. Ở những khu vực này, viêm gan siêu vi E có thể xảy ra thành dịch và cả xuất hiện trường hợp lẻ, nguyên nhân chủ yếu là nguồn nước bị ô nhiễm, chủ yếu do virus genotype 1 và một số ít do virus genotype 2 gây ra.
Ở những nơi có điều kiện vệ sinh và cung cấp nước tốt hơn, việc lây nhiễm viêm gan E là không thường xuyên, thỉnh thoảng có trường hợp lẻ do virus genotype 3 gây ra, do ăn thịt động vật chưa nấu chín đặc biệt là thịt lợn và gan động vật.
2. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi E là gì?
Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với HEV dao động trong khoảng 15-60 ngày (trung bình 40 ngày). Hầu hết người nhiễm virus viêm gan E không có triệu chứng. Khi xuất hiện triệu chứng, chúng tương tự như các loại viêm gan virus cấp tính khác và thường tự giới hạn trong vòng 4-6 tuần, bao gồm:
Hầu hết người bị viêm gan siêu vi E đều hồi phục hoàn toàn. Trong một số ít trường hợp, viêm gan E cấp tính có thể diễn biến nặng và dẫn đến suy gan cấp tính. Phụ nữ mang thai, bệnh nhân có bệnh gan mãn tính và uống nhiều rượu có nhiều nguy cơ bị suy gan cấp tính và tử vong. Tỷ lệ tử vong khi xuất hiện các đợt cấp là khoảng 1%.
Có tới 20–25% phụ nữ mang thai có thể tử vong nếu bị viêm gan siêu vi E trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Thời kỳ lây nhiễm bệnh cụ thể đối với HEV chưa được xác định rõ. Nhưng virus được đào thải trong phân của người bệnh từ 1 tuần trước khi xuất hiện triệu chứng cho đến 30 ngày sau khi khởi phát bệnh. Những người bị nhiễm virus viêm gan siêu vi E mãn tính sẽ thải virus cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Ngoài gây ra tổn thương ở gan, đôi khi HEV có thể biểu hiện lâm sàng ở các cơ quan khác như về thần kinh, thận, tụy và huyết học. Bệnh lý thần kinh liên quan đến HEV bao gồm viêm đa dây thần kinh, hội chứng Guillain – Barré, liệt dây thần kinh mặt, mất điều hòa và rối loạn tâm thần. Giảm tiểu cầu, giảm sản tủy, huyết tán là các bệnh lý huyết học liên quan đến HEV.
3. Bệnh viêm gan E có tiến triển thành xơ gan không?
Nhiễm HEV mãn tính được định nghĩa khi phát hiện HEV RNA trong huyết thanh hoặc phân bệnh nhân lâu hơn sáu tháng. Tương tự các bệnh nhân viêm gan vi rút mãn tính khác, triệu chứng của bệnh xuất hiện rất ít và không đặc hiệu cho đến khi tiến triển thành xơ gan mất bù.
Viêm gan siêu vi E có thể tiến triển thành xơ gan ở bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Bệnh nhân bị ức chế miễn dịch bao gồm những người ghép tạng đặc, nhiễm HIV và có số lượng tế bào lympho T CD4 thấp, và người mắc bệnh máu ác tính đang hóa trị. Bệnh nhân sau khi ghép tạng đặc bị nhiễm virus viêm gan E có 50% nguy cơ phát triển thành viêm gan E mãn tính và có thể bị xơ gan trong vòng vài năm.
Cho đến nay, chưa có báo cáo về sự tiến triển của viêm gan E cấp tính thành xơ gan ở các nước đang phát triển, nơi HEV genotype 1 và 2 là nguyên nhân chính gây bệnh viêm gan E.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ca nhiễm HEV genotype 3 mắc phải ở các nước phát triển đang tiến triển thành bệnh gan mãn tính. Những trường hợp mãn tính này xảy ra chủ yếu ở những người ghép tạng đặc đang được điều trị ức chế miễn dịch. Nhiễm HEV genotype 4 mãn tính chỉ được ghi nhận ở một vài trường hợp bệnh nhân ghép tạng.
4. Xét nghiệm viêm gan siêu vi E
Nhiễm HEV nên được xem xét ở bất kỳ người nào có các triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus viêm gan A,B,C... và sau khi đã loại trừ tất cả các nguyên nhân gây tổn thương gan cấp tính khác.
Bất kỳ người bệnh có triệu chứng viêm gan đã từng đến vùng lưu hành bệnh hoặc có dịch bệnh viêm gan E bùng phát nên được đánh giá về nguy cơ nhiễm HEV. Bệnh nhân này nên được đánh giá tiền sử chi tiết về việc đi lại, nguồn nước uống, ăn thức ăn chưa nấu chín và tiếp xúc với người bị vàng da giúp hỗ trợ chẩn đoán.
Chẩn đoán xác định nhiễm viêm gan E thường bằng xét nghiệm tìm kháng thể chống lại HEV hoặc HEV RNA, bao gồm các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm kháng thể kháng HEV - IgM trong huyết thanh: IgM anti –HEV (+) ngay khi có triệu chứng và kéo dài trong vòng 6 tháng.
- IgG anti-HEV (+) sau 10-12 ngày khi có biểu hiện bệnh và có thể kéo dài nhiều năm.
- HEV RNA trong máu hoặc trong phân
Bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bình thường:
- IgM anti-HEV (-): không có bằng chứng về việc nhiễm HEV gần đây
- IgM anti-HEV (+): khả năng bị nhiễm HEV gần đây hoặc hiện tại
Bệnh nhân bị ức chế miễn dịch:
- IgM anti-HEV (-), bổ sung xét nghiệm HEV RNA: nếu HEV RNA (+): khả năng bị nhiễm HEV. Trường hợp HEV RNA (-): không có bằng chứng về nhiễm HEV hiện tại hay gần đây
- IgM anti-(+): khả năng bị nhiễm HEV gần đây hoặc hiện tại
Bên cạnh đó, các xét nghiệm để loại trừ các virus gây viêm gan khác cũng được chỉ định:
- Kháng thể IgM kháng HAV
- Kháng nguyên bề mặt viêm gan B: HBsAg
- Kháng thể kháng virus viêm gan C (anti-HCV) và HCV-RNA.
5. Điều trị bệnh viêm gan siêu vi E
Việc điều trị viêm gan siêu vi E tùy thuộc vào tình trạng miễn dịch của bệnh nhân và giai đoạn của bệnh.
Viêm gan E cấp tính thường tự giới hạn mà không cần điều trị ở các bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bình thường. Hiện tại chưa có liệu pháp thuốc kháng virus cụ thể nào cho bệnh viêm gan E mà chủ yếu điều trị hỗ trợ, chẳng hạn như: nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. không uống rượu và tránh các loại thuốc có thể gây hại cho gan – đặc biệt là acetaminophen.
Chỉ định nhập viện trong những trường hợp nặng, suy gan cấp và cần được cân nhắc đối với phụ nữ có thai.
Vai trò của việc sử dụng thuốc kháng virus như Ribavirin, đối với nhiễm HEV cấp tính ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch là chưa chắc chắn.
Ở bệnh nhân nhiễm HEV mãn tính và sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, có thể điều chỉnh thuốc ức chế miễn dịch và sử dụng thuốc chống virus, chẳng hạn như ribavirin, peginterferon hoặc kết hợp cả hai.
Ribavirin không được dùng cho bệnh nhân đang mang thai và bị nhiễm HEV cấp tính do nguy cơ gây quái thai.
6. Phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi E
Hiện không có vắc xin nào được FDA chấp thuận trong phòng bệnh viêm gan E. Tuy nhiên năm 2012, một loại vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm virus viêm gan E đã được phát triển và được cấp phép ở Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có ở những nơi khác.
Vệ sinh cá nhân và môi trường tốt là cách tiếp cận hiệu quả để chống lại sự lây nhiễm virus viêm gan E, bao gồm:
- Không uống nước hoặc đá không rõ độ tinh khiết
- Không ăn thịt lợn nấu chưa chín, thịt nai sống.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.