Liệu pháp hormon thay thế (HRT) chủ yếu được sử dụng nhằm điều trị các triệu chứng mãn kinh và giúp bảo vệ sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên, liệu pháp này có nhiều hình thức sử dụng khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh để xác định được liệu pháp điều trị phù hợp.
1. Liệu pháp hormon thay thế (HRT) là gì?
Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, bạn có thể cảm nhận thấy những thay đổi đáng kể bên trong cơ thể, hai hormone nữ là estrogen và progesterone giảm mạnh dẫn tới các triệu chứng như ra mồ hôi đêm, bốc hỏa, khô âm đạo, đau đớn khi quan hệ tình dục, thay đổi tâm trạng, khó ngủ, làm tăng nguy cơ loãng xương.
Để làm giảm những triệu chứng này, bạn có thể sử dụng liệu pháp hormon thay thế. Trong liệu pháp, bác sĩ sẽ chỉ sử dụng estrogen hoặc progesterone ở dạng tổng hợp- hai hormone giúp điều hòa vòng kinh. Estrogen và progesterone giúp cơ thể xử lý canxi và duy trì mức cholesterol khỏe mạnh. Việc bổ sung thêm estrogen và progesterone giúp giảm các triệu chứng mãn kinh, bảo vệ cơ thể, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ loãng xương.
Liệu pháp hormon thay thế được sử dụng dưới các dạng khác nhau, bao gồm viên nang uống, miếng dán da, gel bôi, kem bôi, viên đặt âm đạo. Trong số đó, phương pháp thẩm thấu qua da được cho là biện pháp tốt nhất vì các hormone sẽ được đưa trực tiếp vào máu, giúp giảm nguy cơ chuyển hóa.
2. Những lợi ích của liệu pháp hormon thay thế là gì?
Những lợi ích của liệu pháp thay thế hormon phụ thuộc một phần vào việc bạn dùng liệu pháp hormon toàn thân hay liệu pháp tại chỗ.
2.1 Liệu pháp hormon toàn thân
Estrogen toàn thân thường có trong thuốc viên, miếng dán da, gel, kem hoặc dạng xịt. Đây vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để làm giảm các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm do mãn kinh gây ra. Estrogen cũng có thể làm giảm các triệu chứng âm đạo của thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như khô, ngứa, nóng rát và khó chịu khi giao hợp.
Kết hợp liệu pháp estrogen và progesterone có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết. Một số dữ liệu cũng cho thấy estrogen có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim khi được thực hiện sớm trong những năm sau mãn kinh. Estrogen toàn thân giúp bảo vệ và chống lại bệnh loãng xương. Tuy nhiên, các bác sĩ thường khuyên dùng các loại thuốc gọi là bisphosphonates để điều trị loãng xương hơn là sử dụng liệu pháp này.
Những phụ nữ sử dụng estrogen thì estrogen cần được dùng mỗi ngày hoặc vài ngày một lần, tùy vào đường dùng. Đối với phụ nữ điều trị theo liệu pháp kết hợp, sẽ áp dụng theo 2 loại phác đồ sau:
- Liệu pháp xoay vòng: Estrogen được sử dụng mỗi ngày trong khi progesterone được dùng trong vài ngày mỗi tháng hoặc vài ngày mỗi 3-4 tháng.
- Điều trị liên tục: Estrogen và progesterone được dùng hàng ngày.
2.2 Liệu pháp hormon tại chỗ
Liệu pháp hormon tại chỗ có dạng kem, dạng viên hoặc dạng vòng, giúp điều trị cho các trường hợp khô âm đạo và một số triệu chứng tiết niệu, đồng thời giảm thiểu sự hấp thụ vào cơ thể. Tuy nhiên, liệu pháp hormon tại chỗ không có tác dụng làm giảm các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm hoặc bảo vệ chống loãng xương.
Nếu bạn chưa cắt bỏ tử cung, bác sĩ thường sẽ kê toa estrogen cùng với progesterone. Điều này là do estrogen đơn độc, khi không được cân bằng bởi progesterone, có thể kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung, làm tăng nguy cơ ung thư tử cung. Nếu bạn đã cắt bỏ tử cung, bạn không cần phải dùng progestin.
3. Những rủi ro của liệu pháp hormon thay thế là gì?
Trong thử nghiệm lâm sàng lớn nhất cho đến nay, bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng liệu pháp thay thế hormon vẫn còn tồn tại những nguy cơ rủi ro cao. Sử dụng liệu pháp kết hợp giữa estrogen và progestin có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng, bao gồm:
- Bệnh tim (nhồi máu cơ tinh)
- Nguy cơ đột quỵ và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
- Các cục máu đông
- Ung thư vú
- Bệnh túi mật
- Ung thư tử cung
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những rủi ro này là khác nhau và nó tùy thuộc vào từng độ tuổi. Ví dụ, phụ nữ bắt đầu điều trị bằng hormone hơn 10 hoặc 20 năm kể từ khi bắt đầu mãn kinh hoặc ở tuổi 60 trở lên có nguy cơ cao hơn mắc phải các căn bệnh trên. Nhưng nếu liệu pháp hormone được bắt đầu trước tuổi 60 hoặc trong vòng 10 năm của thời kỳ mãn kinh, lợi ích dường như lớn hơn các rủi ro.
Rủi ro của liệu pháp thay thế hormon cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào việc chỉ sử dụng estrogen hay kết hợp với progestin, liều lượng và loại estrogen, cũng như các yếu tố sức khỏe khác bao gồm nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu (tim mạch), nguy cơ ung thư và lịch sử y tế gia đình.
Tất cả những rủi ro này nên được xem xét trong việc quyết định nên lựa chọn liệu pháp hormone nào là phù hợp với bạn.
4. Những trường hợp nên sử dụng liệu pháp hormon thay thế
Mặc dù có thể đem lại những rủi ro về sức khỏe, estrogen toàn thân vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho các triệu chứng mãn kinh. Lợi ích của liệu pháp hormon thay thế có thể lớn hơn các rủi ro nếu bạn đang trong các trường hợp sau:
- Trải qua các cơn bốc hỏa từ trung bình đến nặng hoặc các triệu chứng mãn kinh khác
- Mất khối lượng xương
- Ngừng có kinh trước 40 tuổi (mãn kinh sớm) hoặc mất chức năng bình thường của buồng trứng trước 40 tuổi (suy buồng trứng sớm)
Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh sớm, đặc biệt là những người đã cắt bỏ buồng trứng và không dùng liệu pháp estrogen cho đến khi ít nhất 45 tuổi, có nguy cơ cao mắc các bệnh như:
- Loãng xương
- Bệnh tim
- Các triệu chứng giống như Parkinson
- Lo lắng hoặc trầm cảm
Đối với phụ nữ đến tuổi mãn kinh sớm, lợi ích bảo vệ của liệu pháp thay thế hormon thường lớn hơn các rủi ro. Độ tuổi, loại mãn kinh và thời gian kể từ khi mãn kinh đóng vai trò quan trọng trong các rủi ro liên quan đến liệu pháp thay thế hormon. Bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu về những rủi ro có thể mắc phải, từ đó giúp xác định được phương pháp điều trị phù hợp.
5. Những đối tượng không nên dùng liệu pháp hormon thay thế
Phụ nữ đã hoặc trước đó bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, có cục máu đông ở chân hoặc phổi, bị đột quỵ, bệnh gan hoặc chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân thường không nên dùng liệu pháp hormone.
Nếu bạn không bị “làm phiền” bởi các triệu chứng mãn kinh và bắt đầu mãn kinh sau 45 tuổi, bạn không cần điều trị bằng hormone để giữ sức khỏe. Thay vào đó, hãy nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược để giảm nguy cơ mắc các bệnh như loãng xương và bệnh tim. Những chiến lược này có thể bao gồm thay đổi lối sống và các loại thuốc khác ngoài liệu pháp hormone để bảo vệ sức khỏe lâu dài.
6. Các biện pháp giúp giảm nguy cơ gây ra do sử dụng HRT
Dưới đây là một số phương pháp giúp giảm nguy cơ và các rủi ro gây ra khi sử dụng liệu pháp hormon thay thế:
- Lựa chọn liệu pháp phù hợp với bản thân: Bạn có thể sử dụng estrogen dưới dạng thuốc viên, miếng dán, gel, kem âm đạo hoặc viên đặt âm đạo. Nếu bạn chỉ gặp các triệu chứng âm đạo liên quan đến mãn kinh, estrogen trong kem bôi âm đạo, thuốc viên hoặc vòng đặt sẽ là lựa chọn tốt hơn so với thuốc uống hoặc miếng dán da.
- Giảm thiểu lượng thuốc bạn dùng: Sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn nhất cần thiết để điều trị các triệu chứng, trừ khi bạn dưới 45 tuổi, trong trường hợp đó bạn cần đủ estrogen để bảo vệ chống lại các ảnh hưởng lâu dài của tình trạng thiếu hụt estrogen. Nếu bạn có các triệu chứng mãn kinh kéo dài làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của bạn, bác sĩ có thể đề nghị điều trị lâu dài hơn.
- Chăm sóc và theo dõi thường xuyên: Nên thăm khám bác sĩ thường xuyên để đảm bảo rằng liệu pháp hormon thay thế không ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Bạn có thể thực hiện các sàng lọc như chụp quang tuyến vú và khám phụ khoa.
- Lựa chọn lối sống lành mạnh: Bao gồm hoạt động thể chất và tập thể dục trong thói quen hàng ngày của bạn, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng khỏe mạnh, không hút thuốc, hạn chế rượu, kiểm soát căng thẳng và kiểm soát các tình trạng sức khỏe mãn tính, chẳng hạn như cholesterol cao hoặc huyết áp cao.
7. Nên làm gì nếu bạn không thể dùng liệu pháp hormon thay thế?
Bạn có thể kiểm soát cơn bốc hỏa ở tuổi mãn kinh bằng các phương pháp tiếp cận lối sống lành mạnh, chẳng hạn như giữ mát, hạn chế đồ uống chứa caffein và rượu, tập thở nhịp nhàng hoặc các bài tập thư giãn khác. Đối với các trường hợp gặp vấn đề về âm đạo, chẳng hạn như khô hoặc đau khi giao hợp, một số loại kem dưỡng ẩm hoặc chất bôi trơn âm đạo có thể được sử dụng. Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ về thuốc theo toa ospemifene (Osphena), có thể giúp giảm đau khi giao hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org