Liệu pháp thay thế hormone và nguy cơ ung thư vú

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Những người sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT) có nguy cơ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú cao hơn. Trước đây, rất nhiều phụ nữ sau mãn kinh đã dùng HRT trong nhiều năm để giảm các triệu chứng mãn kinh và giảm mất xương. Từ năm 2002, khi nghiên cứu liên quan đến HRT và nguy cơ ung thư, số lượng phụ nữ dùng HRT đã giảm đáng kể.

1. Bằng chứng về liệu pháp thay thế hormone và nguy cơ ung thư vú

Liệu pháp thay thế hormone (tên tiếng Anh là Hormone replacement therapy và viết tắt là HRT) được sử dụng để làm giảm các triệu chứng mãn kinh, đặc biệt là bốc hỏa. Một phụ nữ điều trị bằng hormone thường dùng cả estrogen và progestin. Phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung có thể dùng estrogen đơn độc. Estrogen làm giảm các cơn bốc hỏa và các triệu chứng mãn kinh khác. Tuy nhiên, chỉ dùng estrogen đơn độc có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tử cung. Phụ nữ đã cắt bỏ tử cung có thể dùng estrogen đơn độc do không có nguy cơ mắc ung thư tử cung.

Nhiều nghiên cứu đã xem xét mối liên quan giữa liệu pháp thay thế hormone và ung thư vú. Bằng chứng tốt nhất về lợi ích và rủi ro của liệu pháp thay thế hormone đến từ Sáng kiến ​​Sức khỏe Phụ nữ (Women's Health Initiative ), một nghiên cứu lớn có sự tham gia của hơn 27.000 phụ nữ khỏe mạnh sau mãn kinh. Kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 7 năm 2002 cho thấy những nguy cơ của HRT kết hợp với estrogen cộng với progestin cao hơn so với lợi ích. Những nguy cơ này bao gồm sự gia tăng ung thư vú, bệnh tim mạch, đột quỵ và cục máu đông.

HRT loại kết hợp không chỉ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú mà còn làm tăng khả năng ung thư được phát hiện ở giai đoạn tiến triển nặng hơn. Điều này là do ảnh hưởng của liệu pháp này trong việc làm giảm hiệu quả của chụp nhũ ảnh bằng cách tạo ra các mô vú dày hơn.


Liệu pháp thay thế hormone đem lại nhiều lợi ích cũng như các nguy cơ
Liệu pháp thay thế hormone đem lại nhiều lợi ích cũng như các nguy cơ

Nếu bạn không còn tử cung, estrogen đơn độc có thể được sử dụng cho các triệu chứng mãn kinh. Điều này có lẽ không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú nhiều. Vào tháng 3 năm 2004, kết luận từ nghiên cứu Sáng kiến ​​Sức khỏe Phụ nữ (Women's Health Initiative ) cho thấy những người dùng estrogen đơn độc không tăng nguy cơ ung thư vú hoặc bệnh tim; tuy nhiên, estrogen dường như làm tăng nguy cơ đông máu và đột quỵ.

Nếu bạn đang xem xét HRT để giảm các triệu chứng mãn kinh, hãy nói chuyện với bác sĩ để thảo luận về các nguy cơ và lợi ích.

Có hai loại HRT chính:

  • HRT kết hợp chứa các hormone estrogen và progesterone
  • HRT chỉ có estrogen

Mỗi loại HRT dường như có tác động khác nhau đến nguy cơ ung thư vú.

HRT kết hợp làm tăng nguy cơ ung thư vú khoảng 75%, ngay cả khi chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn. HRT kết hợp cũng làm tăng khả năng ung thư có thể được tìm thấy ở giai đoạn tiến triển hơn, cũng như làm tăng nguy cơ phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú sẽ tử vong vì căn bệnh này. Nguy cơ ung thư vú tăng mạnh nhất trong 2 đến 3 năm đầu dùng HRT kết hợp. HRT kết hợp liều cao làm tăng nguy cơ ung thư vú nhiều hơn so với HRT kết hợp liều thấp. Nguy cơ ung thư vú giảm xuống trung bình khoảng 2 năm sau khi bạn ngừng dùng HRT kết hợp.

HRT chỉ có estrogen cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú, nhưng chỉ xuất hiện khi được sử dụng hơn 10 năm. HRT chỉ có estrogen cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

Nguy cơ ung thư vú từ việc sử dụng HRT trong các hormone "sinh học" và "tự nhiên" cũng giống như hormone tổng hợp. "Sinh học" có nghĩa là các hormone trong sản phẩm giống hệt với các hormone mà cơ thể bạn sản xuất. Hormone sinh học được cho là "tự nhiên" do có nguồn gốc từ thực vật. Hormone tổng hợp được sản xuất trong phòng thí nghiệm và hai bên cũng giống hệt nhau về mặt hóa học với các hormone trong cơ thể bạn. Điều quan trọng cần biết là nhiều sản phẩm HRT thảo dược và sinh học nằm ngoài phạm vi quyền hạn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và do đó không phải tuân theo các quy định và thử nghiệm về thuốc.


HRT có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú
HRT có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú

2. Lợi ích của HRT có cao hơn nguy cơ không?

Liệu pháp thay thế hormone là phương pháp điều trị hiệu quả để làm giảm các cơn bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa liệu pháp hormone và ung thư vú nên đã khiến nhiều bác sĩ không khuyến khích lựa chọn hoặc chỉ định phương pháp điều trị này.

Loại liệu pháp hormone (chỉ estrogen hoặc kết hợp estrogen và progestin), cũng như đặc điểm cá nhân của phụ nữ, các yếu tố nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mãn kinh, cần được xem xét khi cân nhắc nguy cơ và lợi ích của HRT. Bác sĩ và phụ nữ nên đưa ra quyết định sử dụng hormone sau khi cân nhắc tất cả các nguy cơ tiềm ẩn (bao gồm bệnh tim, ung thư vú, đột quỵ và cục máu đông) và lợi ích (giảm các triệu chứng mãn kinh).


Liệu pháp thay thế hormone là một phương pháp giúp cải thiện các triệu chứng của tiền mãn kinh
Liệu pháp thay thế hormone là một phương pháp giúp cải thiện các triệu chứng của tiền mãn kinh

Mối liên hệ được biết đến giữa HRT và ung thư vú đã ngăn cản nhiều bác sĩ chuyên ngành vú chỉ định liệu pháp này cho những người sống sót sau ung thư vú. Thật không may, nhiều phụ nữ xuất hiện các triệu chứng mãn kinh sau khi điều trị ung thư vú. Một số hình thức hóa trị cũng có thể gây mãn kinh sớm ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Trước đây, các bác sĩ có thể đã chỉ định HRT sau khi điều trị ung thư vú vì không có nghiên cứu rõ ràng nào cho thấy liệu pháp này có hại. Tuy nhiên, đầu năm 2004, một nghiên cứu (nghiên cứu của HABITS) đã bị dừng sớm sau khi cho thấy những người sống sót sau ung thư có sử dụng HRT có nhiều khả năng phát triển ung thư vú mới hoặc tái phát. Các bác sĩ hiện cảm thấy quá nguy hiểm khi điều trị cho những người sống sót sau ung thư vú bằng HRT.

3. Các lựa chọn thay thế cho HRT để phòng ngừa loãng xương

HRT không còn được khuyến nghị để điều trị loãng xương do nguy cơ của nó và các lựa chọn thay thế có sẵn. Thay vào đó, thuốc bisphosphonate thường được khuyên dùng để điều trị loãng xương. Các loại thuốc khác có thể được xem xét là teriparatide, denosumab hoặc chọn lọc điều biến thụ thể estrogen (SERMs). SERMs là một nhóm thuốc mới hơn, tương tự như estrogen, có tác dụng bảo vệ cơ thể chống loãng xương bằng cách tăng mật độ xương, đồng thời chống lại sự phát triển của ung thư vú.

Evista là một loại của SERMs được sử dụng rộng rãi và đã được chứng minh là làm tăng sự phát triển và mật độ xương và giảm nguy cơ ung thư vú. Thật không may, sản phẩm này không làm giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa và thực sự có thể làm các triệu chứng này tồi tệ hơn. Evista chủ yếu được sử dụng ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú hoặc cho những người không thể dung nạp các loại thuốc khác dùng để điều trị loãng xương.


Nhóm thuốc bisphosphonate có tác dụng điều trị bệnh loãng xương
Nhóm thuốc bisphosphonate có tác dụng điều trị bệnh loãng xương

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú hoặc đã được xét nghiệm dương tính với gen ung thư vú bất thường (BRCA1 hoặc BRCA2) thì bạn không nên sử dụng HRT. Các hormone trong HRT có thể khiến ung thư vú dương tính với thụ thể hoóc môn phát triển và gây ung thư thực sự. Mặc dù chỉ có một vài nghiên cứu nhỏ xem xét sử dụng HRT ở phụ nữ có tiền sử ung thư vú, nhưng việc sử dụng HRT làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ nói chung nên khiến hầu hết các bác sĩ đều khuyên phụ nữ có tiền sử ung thư vú nên tránh sử dụng HRT. Không thể sử dụng HRT có thể là một thách thức đối với nhiều phụ nữ. Nếu bạn đang bị bốc hỏa nặng hoặc các tác dụng phụ mãn kinh khác và có tiền sử ung thư vú cá nhân, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn không có nội tiết tố, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục, quản lý cân nặng, châm cứu hoặc thiền định.

Các biện pháp bổ sung khác mà bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa và/hoặc điều trị loãng xương bao gồm:

  • Thực hiện các bài tập chịu sức nặng (weight-bearing exercises)
  • Uống bổ sung canxi và vitamin D
  • Không hút thuốc lá
  • Tránh uống rượu quá nhiều
  • Duy trì cân nặng thích hợp

Nếu bạn đang gặp các vấn đề trên mà không biết phải giải quyết như thế nào thì hãy đến ngay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe