Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Liệu pháp hormone giúp điều trị các triệu chứng khó chịu thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên, cách này đi kèm với rủi ro tiềm ẩn cho trái tim và không phù hợp với tất cả mọi người. Cần nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về quan hệ giữa liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh và bệnh tim.
1. Kết quả của các nghiên cứu
Liệu pháp thay thế hormone dài hạn được sử dụng rộng rãi, chỉ định cho phụ nữ sau mãn kinh để làm giảm các cơn bốc hỏa và các triệu chứng khó chịu khác. Tuy nhiên cách này cũng được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Trước khi mãn kinh, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn nam giới. Nhưng khi đã có tuổi và nồng độ estrogen giảm sau mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh tim của phụ nữ sẽ tăng lên. Nhìn chung, phụ nữ ở mọi lứa tuổi nên chú ý tới nguy cơ bệnh tim. Gần 1 trong 3 trường hợp phụ nữ Hoa Kỳ tử vong mỗi năm là do bệnh tim và mạch máu (tim mạch).
Trong những năm 1980 và 1990, các chuyên gia khuyên phụ nữ lớn tuổi nên dùng estrogen và các hormone khác để giữ cho trái tim khỏe mạnh. Nhưng hiện tại, việc áp dụng liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh đã cho một số kết quả trái ngược. Nhiều lợi ích được kỳ vọng đã không trở thành hiện thực ở số lượng lớn phụ nữ sử dụng. Không những vậy, thử nghiệm đã tìm thấy có gia tăng một ít nguy cơ bệnh tim ở phụ nữ mãn kinh đã sử dụng liệu pháp hormone kết hợp (cả estrogen và progestin). Trong khi đó, phụ nữ sử dụng estrogen đơn thuần sẽ không có nguy cơ mắc bệnh tim.
Các nghiên cứu khác cho thấy liệu pháp hormone, đặc biệt là estrogen đơn thuần, có thể không ảnh hưởng hoặc thậm chí là giảm nguy cơ mắc bệnh tim nếu được dùng sớm trong những năm đầu sau mãn kinh. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Độ tuổi của những người tham gia
- Thời gian kể từ khi mãn kinh
- Thời gian sử dụng liệu pháp hormone
Vì vậy, cần thêm nhiều nghiên cứu để giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh và bệnh tim.
2. Đánh giá lợi ích và rủi ro
Nếu bạn đang phải chịu đựng các triệu chứng mãn kinh khó chịu, nhưng đồng thời cũng lo lắng về việc liệu pháp hormone sẽ ảnh hưởng xấu đến trái tim thì hãy trình bày với bác sĩ để cùng nhau xem xét và đánh giá nguy cơ cá nhân. Ngoài ra, cũng cần lưu ý những điểm sau:
- Nguy cơ mắc bệnh tim đối với một phụ nữ dùng liệu pháp hormone là rất thấp
Nếu bạn đang trong giai đoạn đầu mãn kinh, bị bốc hỏa từ trung bình đến nặng, kèm theo các triệu chứng khó chịu khác thì lợi ích của liệu pháp hormone có thể vượt xa mọi nguy cơ bệnh tim tiềm ẩn.
- Nguy cơ phát triển bệnh tim ở phụ nữ mãn kinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân
Bao gồm lịch sử y tế bản thân và gia đình, cũng như thói quen, lối sống. Sau khi bác sĩ xem xét và đánh giá, nếu có nguy cơ mắc bệnh tim thấp, đồng thời các triệu chứng mãn kinh ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, liệu pháp hormone là một lựa chọn hợp lý.
- Phụ nữ mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng sớm có nguy cơ khác
Nếu ngừng kinh nguyệt trước tuổi 40 (mãn kinh sớm) hoặc mất chức năng bình thường của buồng trứng trước tuổi 40 (suy buồng trứng sớm), bạn có nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh mạch vành cao hơn so với phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi 50. Phụ nữ bị suy buồng trứng sớm nhiều khả năng sẽ được điều trị bằng hormone để bảo vệ chống lại bệnh tim.
Ngoài ra, rủi ro khi điều trị các triệu chứng mãn kinh bằng nội tiết tố còn có thể thay đổi tùy thuộc vào:
- Hormone estrogen đơn thuần hoặc kết hợp với progestin
- Tuổi tác hiện tại và tuổi mãn kinh
- Liều lượng, loại estrogen và lộ trình, hoặc cách dùng thuốc (uống, qua da, đặt âm đạo)
- Các yếu tố sức khỏe khác, như tiền sử bệnh của gia đình và nguy cơ ung thư
Nhìn chung, liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh không dành cho người đã bị đau tim. Nếu bạn đã bị bệnh tim hoặc có tiền sử bị cục máu đông, những rủi ro của liệu pháp hormone sẽ nhiều hơn lợi ích tiềm năng.
3. Cách hạn chế rủi ro bệnh tim ở phụ nữ mãn kinh
Để giảm nguy cơ rủi ro từ việc điều trị nội tiết tố thời kỳ mãn kinh, bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn những cách sau đây:
- Trị liệu bằng hormone liều thấp
Estrogen và progestin có sẵn ở nhiều dạng, bao gồm thuốc viên, miếng dán da, gel, kem bôi âm đạo và thuốc đạn (thuốc đặt và tan dần trong âm đạo). Các chế phẩm estrogen liều thấp có thể điều trị hiệu quả các triệu chứng mãn kinh, đồng thời giảm thiểu hấp thụ vào cơ thể. Tương tự như vậy, các hormone được cung cấp qua da sẽ không chuyển hóa rộng rãi vào cơ thể, nhờ đó ít có khả năng gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
- Giảm thiểu lượng thuốc dùng
Nên sử dụng liều thấp nhất và có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất, vừa đủ để kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên, phụ nữ dưới 45 tuổi cần bổ sung đủ estrogen để bảo vệ cơ thể, chống lại ảnh hưởng lâu dài của tình trạng thiếu hụt estrogen. Nếu bạn gặp các triệu chứng mãn kinh kéo dài, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể đề nghị điều trị lâu dài hơn.
- Thực hiện lối sống lành mạnh
Chọn lối sống lành mạnh cho tim là cách để chống lại các rủi ro phát triển bệnh tim. Cụ thể, không hút thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào; vận động thể chất thường xuyên; tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, tập trung vào trái cây, rau, ngũ cốc và protein ít chất béo; duy trì cân nặng khỏe mạnh. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bao gồm đo huyết áp và nồng độ cholesterol, cũng là bước quan trọng để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ mãn kinh.
- Theo dõi liệu trình hormone thường xuyên
Nên đến thăm khám định kỳ với bác sĩ để theo dõi hiệu quả của liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh, đảm bảo lợi ích vẫn lớn hơn các rủi ro. Bên cạnh đó, cần chú ý sàng lọc các nguy cơ ung thư bằng cách chụp X quang tuyến vú và khám phụ khoa.
Tóm lại, trong vòng 5 năm đầu mãn kinh, hầu hết phụ nữ khỏe mạnh có thể dùng liệu pháp hormone ngắn hạn một cách an toàn, giúp kiểm soát các triệu chứng mãn kinh mà không làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim. Nếu bạn gặp các triệu chứng mãn kinh điển hình, bao gồm bốc hỏa, khô âm đạo hoặc mất ngủ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về cách kiểm soát các triệu chứng khó chịu mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org