Phụ nữ mang thai dễ bị viêm tủy răng do sự thay đổi của hormone trong thời gian mang bầu. Câu hỏi được nhiều bà bầu quan tâm là mẹ bầu có lấy tủy răng được không, lấy tủy răng có ảnh hưởng đến thai nhi không?
1. Viêm tủy răng ở bà bầu có nguy hiểm không?
Viêm tủy răng ở thai phụ được chia thành 2 giai đoạn: Cấp tính và mãn tính với những biểu hiện cụ thể như:
- Giai đoạn viêm tủy răng cấp tính: Người bệnh có cảm giác đau nhói từng cơn, kéo dài từ 5 - 10 phút. Răng và nướu sẽ phản ứng ngay khi tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, khi ăn đồ quá chua hoặc quá ngọt;
- Giai đoạn viêm tủy răng mãn tính: Bệnh nhân có mức độ đau nặng hơn so với giai đoạn cấp tính, cơn đau có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ. Cơn đau thường xuất hiện với tần suất dày, cường độ mạnh hơn vào ban đêm.
Bà bầu bị viêm tủy răng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới sự phát triển của thai nhi. Cụ thể, tình trạng đau nhức khiến người mẹ ăn không ngon, ngủ không ngon giấc. Từ đó, bà bầu dễ bị thiếu chất, tinh thần không thoải mái và suy giảm sức đề kháng.
Thực tế, viêm tủy răng không gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của mẹ và bé nhưng nếu không được điều trị thì nó có nhiều tác động tiêu cực cho cả thai phụ và thai nhi. Nguyên nhân vì viêm tủy răng không thể tự lành nên nếu không được điều trị đúng cách thì tình trạng nhiễm trùng có thể lan ra toàn bộ khoang miệng, vi khuẩn có thể theo máu tới tấn công các cơ quan khác trên cơ thể.
2. Việc lấy tủy răng có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Theo các bác sĩ nha khoa, lấy tủy răng là phương pháp điều trị viêm tủy răng hiệu quả. Kỹ thuật này giúp loại bỏ toàn bộ phần tủy răng bị hỏng, làm sạch các khoảng trống khi tủy răng bị viêm.
Bà bầu lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không? Điều trị viêm tủy răng khi mang thai tồn tại một số yếu tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Cụ thể:
- Việc thăm khám trước khi điều trị bắt buộc phải chụp X-quang để giúp bác sĩ xác định tình trạng viêm tủy. Các tia bức xạ khi chụp phim có thể gây sảy thai hoặc khiến thai nhi chậm phát triển. Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục bằng cách điều chỉnh liều chiếu xạ và tần suất chiếu xạ;
- Sử dụng thuốc tê trong quá trình chữa tủy cũng gây một số tác động tiêu cực cho bà bầu. Cụ thể, loại thuốc tê được sử dụng cho nha khoa là Lidocain - 1 loại thuốc tê tại chỗ nhóm amid, không gây ảnh hưởng tới thai nhi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, nó có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau nhức, suy hô hấp, khó thở, hôn mê, co giật cơ, kích động, ngứa, tê môi/đầu lưỡi,...
Có bầu có nên lấy tủy răng? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, không phải giai đoạn nào trong thai kỳ cũng phù hợp để chữa tủy răng. Theo các bác sĩ, những mẹ bầu bị viêm tủy răng nên điều trị tủy ở tháng thứ 3 - tháng thứ 6 của thai kỳ.
Các thai phụ không nên điều trị tủy ở 2 mốc thời gian còn lại của thai kỳ. Nguyên nhân vì trong 3 tháng đầu, thai nhi đang hình thành, những thay đổi về sức khỏe của mẹ có thể ảnh hưởng tới em bé. Còn ở 3 tháng cuối, em bé cần nhiều dưỡng chất để phát triển nên việc điều trị tủy răng có thể gây cản trở. Đồng thời, ở giai đoạn trước sinh, bất cứ việc điều trị nào liên quan tới sức khỏe cũng đều phải đặc biệt cẩn thận.
Với những thai phụ bị viêm tủy răng, để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, bệnh nhân nên điều trị tủy ở những cơ sở y tế uy tín.
3. Phương pháp điều trị viêm tủy răng khi mang thai
Khi thai phụ tới bệnh viện để điều trị tủy răng sẽ được thăm khám cẩn thận. Khi bác sĩ xác định mẹ và bé đủ điều kiện an toàn thì mới tiến hành điều trị tủy. Nếu sức khỏe không đảm bảo, các bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu những biện pháp tự chăm sóc răng miệng tại nhà để giảm viêm nhiễm, đau nhức. Và đợi tới khi mẹ bầu sinh song mới thực hiện chữa tủy.
Một số phương pháp tại nhà có thể hỗ trợ điều trị viêm tủy răng là:
- Sử dụng muối: Muối có tác dụng khử trùng, giảm đau răng nhanh chóng. Để trị viêm tủy răng bạn hãy thực hiện như sau: Sau khi đánh răng sạch sẽ, mẹ bầu súc miệng bằng nước muối ấm, ngậm trong miệng khoảng 30 giây. Nước muối thâm nhập vào trong khoang miệng sẽ giúp diệt khuẩn, giảm đau họng, xử lý các khu vực viêm tủy răng. Mẹ bầu nên sử dụng nước muối sinh lý có bán tại các hiệu thuốc để phát huy công dụng tốt nhất;
- Sử dụng lá lốt: Lá lốt có tác dụng ức chế sự phát triển của sâu răng, giảm đau nhức cho mẹ bầu. Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng lá lốt có chứa nhiều tinh dầu, ancaloit, benzyl axetat,... có tác dụng kháng khuẩn rất tốt. Mẹ bầu hãy rửa sạch lá, thân, rễ lá lốt rồi đem đi sắc lấy nước đặc. Sau đó, bạn ngậm hỗn hợp này trong miệng, áp dụng 3 - 4 ngày để giảm viêm, đau.
Như vậy, với câu hỏi lấy tủy răng có ảnh hưởng đến thai nhi không thì đáp án là có hoặc không tùy từng thời điểm điều trị. Nếu bắt buộc phải lấy tủy răng, mẹ bầu sẽ được điều trị trong 3 tháng giữa của thai kỳ để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của mẹ và bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.