Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Lá gan của con người là một cơ quan kỳ diệu. Mỗi ngày, vai trò của gan là tạo ra mật, chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống, làm sạch độc tố ra khỏi máu, phân hủy chất béo, kiểm soát lượng đường trong máu và mức độ hormone, dự trữ sắt và nhiều hơn nữa. Do đó, khi có bệnh gan, người bệnh sẽ có các dấu hiệu hệ thống từ rất sớm và cần được phát hiện kịp thời, điều trị sớm bệnh gan để duy trì trọn vẹn chức năng gan về lâu dài.
1. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh gan
- Phơi nhiễm độc tố
Trong khi gan chịu trách nhiệm làm sạch chất độc trong cơ thể ra khỏi máu, việc tiếp xúc quá nhiều với chất độc vẫn có thể gây hại vì vượt quá khả năng đào thải của gan. Độc tố có thể đến từ mọi nguồn phơi nhiễm trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, ngay cả nguồn thực phẩm tiêu thụ. Thực vậy, cần chú ý rửa trái cây và rau quả trước khi chế biến để đảm bảo cơ thể không vô tình tiêu thụ quá mức các chất bảo vệ thực vật, bao gồm cả thuốc trừ sâu.
- Các loại thuốc, thực phẩm chức năng không rõ ràng
Không phải tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng, dù được dán nhãn là “nguồn gốc tự nhiên” hay “thảo dược”, đều có nghĩa là hoàn toàn tốt với cơ thể con người. Trong thực tế, có nhiều loại thảo mộc và chất bổ sung đã có thấy có mối liên quan đến khả năng gây tổn thương gan. Thậm chí, trên một cơ địa đã có bệnh gan, các loại thuốc bổ sung tự ý này nhằm mục đích “bổ gan” có thể càng khiến tổn thương gan thêm nặng nề hơn.
- Tiêu thụ quá nhiều rượu
Gan nhiễm mỡ do rượu, gây viêm gan (viêm gan do rượu), cuối cùng để lại sẹo (xơ gan) và thậm chí là ung thư gan là một quá trình bắt đầu với sự tiêu thụ kéo dài ít nhất 4 ly mỗi ngày đối với nam giới và 2 ly đối với phụ nữ. Cho đến khi người bệnh phát hiện thấy xuất hiện các triệu chứng bên ngoài thì lá gan đã thực sự bị tổn thương, không thể sửa chữa và hồi phục được như ban đầu. Tuy nhiên, một điều còn có thể cứu vãn được là nếu ngừng uống rượu bia ở giai đoạn gan nhiễm mỡ thì có thể thấy tình trạng tổn thương tại gan tự hồi phục về gần bình thường.
- Mắc chứng rối loạn chuyển hóa
Các thành phần của hội chứng rối loạn chuyển hóa bao gồm béo phì, đái tháo đường hoặc có nồng độ cholesterol cao. Một trong hay cả những tình trạng này có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, cũng có thể dẫn đến xơ gan và kết cục ung thư gan.
- Tiền sử có bệnh gan
Cho dù bản thân hoặc một thành viên trong gia đình đã từng bị bệnh gan, một người vẫn có thể dễ bị các bệnh lý về gan hơn so với dân số chung. Ví dụ, viêm gan B hoặc C và bệnh ứ sắt là những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Nếu người thân từng mắc bệnh gan di truyền, chẳng hạn như bệnh ứ sắt, bệnh Wilson hoặc thiếu alpha-1-antitrypsin, người bệnh cần chú ý đến các triệu chứng sớm và tích cực tránh các yếu tố có thể gây hại cho gan như uống rượu.
2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gan hoặc tổn thương gan
Quan tâm đến sức khỏe của lá gan đóng một vai trò lớn trong chăm sóc sức khỏe toàn diện. Những người bị tổn thương gan hoặc đang bị bệnh gan có thể nhận biết với một số triệu chứng bệnh gan sớm nhưng cũng có thể không gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Tuy nhiên, nhận biết các triệu chứng tổn thương gan thường gặp như vàng da, xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch, cổ trướng và bệnh não là điều cần thiết để chẩn đoán, xét nghiệm máu, siêu âm gan và điều trị sớm bệnh gan.
- Bệnh vàng da
Vàng da do gan luôn đi kèm với dấu hiệu vàng mắt. Tình trạng này xảy ra khi gan không thể lọc được máu một cách bình thường để đào thải ra bilirubin vào đường mật, một thành phần loại bỏ do tiêu hủy hồng cầu già hằng ngày.
Nếu bị vàng da đột ngột hoặc màu sắc da bỗng trở nên tồi tệ hơn, một xét nghiệm chức năng gan cần được xác định để phát hiện sớm khả năng tổn thương gan mới xảy ra hay có thể đang xấu đi.
- Xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch
Các điểm chảy máu do đám rối (varices) xảy ra trong lòng thực quản hoặc dạ dày. Đây là hệ quả của tình trạng tích tụ áp lực từ gan khiến các mạch máu sưng lên, phù nề và vỡ ra. Biến chứng chảy máu rất nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp cầm máu tại chỗ kịp thời. Các triệu chứng báo hiệu của xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch là nôn ra máu hoặc đi ngoài ra phân đen, sệt, dính phân. Nếu người bệnh có một trong những triệu chứng này, cần can thiệp y tế khẩn cấp càng sớm càng tốt.
- Cổ trướng
Cổ trướng là tình trạng tích tụ chất lỏng trong ổ bụng. Cơ chế gây ra cổ trướng là do áp suất cao trong gan. Bụng của người bệnh sẽ trở nên lớn dần lên kèm theo cảm giác không thoải mái khi ăn vì luôn cảm thấy no, hơi thở có thể trở nên khó khăn, đặc biệt là khi đang nằm. Một số bệnh nhân bị xơ gan cổ trướng có thể kèm theo bị suy dinh dưỡng, một phần là do ăn kém hay gan mất khả năng tổng hợp các chất. Hơn nữa, dịch cổ trướng là một yếu tố rất dễ bị nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng này là rất nghiêm trọng; do đó, khi thấy cổ trướng và có các triệu chứng đau bụng, sốt đột ngột, người bệnh cần phải nhập viện ngay.
- Bệnh não gan
Bệnh não gan phân biệt với các tổn thương não khác là do sự tích tụ chất độc trong não từ tổn thương gan gây ra. Khi gan không thể lọc được chất độc, chất độc sẽ ở trong máu và được đưa đến não, gây độc tế bào thần kinh. Các triệu chứng của bệnh não gan sớm là thay đổi tâm trạng, giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ và rối loạn chu kỳ thức ngủ. Khi bệnh nặng hơn, người bệnh sẽ trở nên lú lẫn, có các hành động lặp đi lặp lại vô thức và rất buồn ngủ, thường nằm li bì mà không rõ lý do nào khác. Lúc này, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện vì tình trạng bất tỉnh sâu có thể đột ngột gây nguy kịch tính mạng mà không được phát hiện kịp thời.
3. Các dạng tổn thương gan và những triệu chứng bệnh theo giai đoạn
Các dấu hiệu của những bệnh lý về gan có thể xảy ra dựa trên giai đoạn tình trạng bệnh như sau:
- Tổn thương gan
Tế bào gan có thể bị viêm và bị tổn thương theo nhiều cách khác nhau. Các nguyên nhân chính là virus viêm gan truyền từ người sang người, chất độc từ nguồn thức ăn và uống như rượu, một số loại thuốc thảo mộc, thức ăn giàu chất béo, hội chứng chuyển hóa, thừa cân, rối loạn tự miễn dịch, rối loạn di truyền...
Trong giai đoạn này, phần lớn các người bệnh không phát hiện được do chức năng gan vẫn có thể bù trừ. Tuy nhiên, trong khi các tế bào gan đang cố gắng tự chữa lành, một phần khác vẫn đang có thể bị tổn thương. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến xơ hóa gan và các vấn đề về gan tiến triển khác. Do vậy, vai trò của thăm khám sức khỏe định kỳ, bao gồm cả xét nghiệm men gan và chức năng gan là vô cùng cần thiết.
- Xơ hóa gan
Xơ hóa gan xảy ra khi các tế bào gan khỏe mạnh bị tổn thương, phản ứng viêm kéo dài sẽ khiến tế bào gan bị hoại tử và được thay thế bằng mô sẹo (gọi là xơ hóa gan).
Trong giai đoạn đầu, người bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng nào của xơ hóa gan do phần gan bình thường còn lại sẽ thay thế bù trừ. Tuy nhiên, khi chức năng gan trở nên mất bù, người bệnh sẽ có các dấu hiệu bệnh gan. Nếu không được điều trị sớm bệnh gan, xơ hóa có thể phát triển nhanh chóng thành xơ gan.
- Xơ gan
Khi mô sẹo tích tụ quá nhiều theo thời gian, tình trạng xơ gan sẽ xảy ra. Xơ gan có hai giai đoạn là còn bù và mất bù.
Trong giai đoạn xơ gan còn bù, người bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc cũng có thể vẫn chưa có các dấu hiệu bệnh gan. Tại thời điểm này, một số tế bào gan còn lành lặn vẫn hoạt động đủ tốt để bù đắp cho những phần gan bị xơ sẹo.
Nếu tình trạng tổn thương gan trở nên tồi tệ hơn hơn, người bệnh sẽ mắc phải giai đoạn tổn thương gan vĩnh viễn cuối cùng, được gọi là xơ gan mất bù. Đây là bệnh gan giai đoạn cuối và rất nguy hiểm. Lúc này, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, vàng da, chán ăn, bụng chướng và sụt cân cũng như dễ bị đe dọa bởi các biến chứng như xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, viêm phúc mạc, bệnh não gan...
Tóm lại, trên đây là những yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu bệnh gan đã được trình bày theo từng giai đoạn diễn tiến của bệnh. Nếu gặp phải các triệu chứng trên, hoặc chỉ có một trong các yếu tố nguy cơ, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa gan để được chẩn đoán sớm và điều trị sớm bệnh gan trước khi diễn tiến nặng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.