Chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện là mong muốn của tất cả các bố mẹ. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng “an nhàn” khi nuôi con. Đặc biệt, với những bé biếng ăn thì lại càng khiến bố mẹ lo lắng và đau đầu. Nếu bố mẹ thấy bé biếng ăn, đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Phạm Lan Hương - Trung tâm Nhi -Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
1. Biếng ăn tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ
Bố mẹ cũng đã biết, chứng biếng ăn ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân như tâm lý, bệnh lý, di truyền, thiếu dinh dưỡng, hay do môi trường sống ... Tuy nhiên, dù chưa xác định được nguyên nhân nào khiến trẻ biếng ăn thì bố mẹ cũng cần chú ý nếu thấy bé có những dấu hiệu sau:
- Trẻ khóc hoặc tìm cách quấy rối khi bạn dọn thức ăn ra.
- Trẻ không ăn một số loại thức ăn hoặc không ăn tất cả các loại thức ăn.
- Ngậm thức ăn trong miệng lâu, không chịu nhai hay nuốt.
- Ăn ít hơn so với bình thường.
- Thời gian của mỗi bữa ăn thường kéo dài.
Đừng quá lo lắng, bố mẹ hãy thử các cách dưới đây để “hô biến” chứng biếng ăn của ngay nhé.
2. 9 cách giúp cha mẹ khắc phục tình trạng biếng ăn của trẻ
2.1 Đừng ép buộc bé phải ăn khi bé không muốn
Các biện pháp như đe dọa, trừng phạt, la mắng, thậm chí là đánh đập đều khiến tình trạng biếng ăn của bé ngày càng trầm trọng hơn. Nếu bạn muốn tập cho bé ăn món ăn mới, hãy thử cho ăn vào bữa sáng. Đây là khoảng thời gian bé có cảm giác đói nhất trong ngày và có thể sẵn sàng ăn thử một món ăn mới. Khi bé đã chịu ăn, bạn có thể chuyển món ăn vào thực đơn dành cho bữa trưa hoặc tối và chế biến món mới khác vào bữa sáng tiếp theo.
2.2 Tạo thực đơn với đa dạng
Các thức ăn và trình bày bữa ăn đẹp mắt để kích thích sự thèm ăn của trẻ. Để con tự lựa chọn món con thích ăn và khuyến khích con ăn tất cả các món ăn có trên bàn, dù chỉ ăn mỗi thứ một ít.
2. 3. Luôn cho trẻ ăn đúng giờ
Cha mẹ cần cho và cho trẻ ăn cùng gia đình (nếu có thể). Hầu hết trẻ đều thích bắt chước hành động của người khác vì thế hãy là tấm gương cho con, thực hiện ngồi ăn đúng giờ, đặt quy tắc cho con là không được tự tiện ăn bất cứ thứ gì nếu chưa đến bữa ăn và thông báo cho bé sắp đến giờ ăn trước 10 - 15 phút.
2. 4. Chia nhỏ khẩu phần ăn hàng ngày của con thành những bữa nhỏ
Không nên ép trẻ ăn quá nhiều thức ăn trong một bữa, thay vào đó bạn nên chia nhỏ các bữa ăn của con trong ngày và từng chút một. Như thế việc ăn uống của con sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
2.5. Cho con bữa ăn nhẹ bằng những thực phẩm tốt cho sức khỏe
Những thực phẩm cha mẹ nên tăng cường cho con ăn trong giai đoạn này là: sữa chua, trái cây, bánh ít ngọt... nhưng cần tránh xa bữa chính.
2. 6. Không cho trẻ uống quá nhiều trước
Không nên cho con uống nhiều nước trước và trong khi ăn kể cả khi những thức uống là sữa hay nước trái cây, vì trẻ sẽ có cảm giác no không còn hứng thú để ăn.
2.7. Khuyến khích trẻ nên vào bếp cùng mẹ
Cho trẻ làm công việc đơn giản như nhặt rửa rau, dọn bàn ăn cũng là cách kích thích bé muốn ăn những món mà bé đã phụ nấu.
2. 8. Đảm bảo thức ăn đầy đủ dưỡng chất
Dinh dưỡng cho trẻ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: Chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Các vitamin và khoáng chất dinh dưỡng như vitamin A, B, C, selen kẽm, canxi, lysine ... cũng có thể kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Đặc biệt, kẽm có vai trò tăng cường hệ miễn dịch, tăng hấp thu chất đạm, cải thiện hệ tiêu hóa, kích thích chồi vị giác giúp trẻ có cảm giác thèm ăn. Những thực phẩm có chứa kẽm là thịt bò, thịt gà, cá và nhiều loại rau có màu xanh đậm mà bố mẹ dễ dàng bổ sung vào thực đơn hàng ngày cho trẻ. Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau để kích thích sự thèm ăn của trẻ:
- Không cho bé dùng điện thoại, đồ chơi, đọc sách/đọc truyện tranh, xem tivi hay dùng các thiết bị công nghệ khác trong khi ăn.
- Không cho phần thưởng để dụ bé ăn nhằm tránh nảy sinh tâm lý vì được thưởng nên ăn chứ không phải vì bé thích món ăn đó hay món đó tốt cho sức khỏe.
2. 9. Cho trẻ vận động đầy đủ
Khuyến khích bé yêu vận động hàng ngày như đi bộ, nhảy dây, chơi đuổi bắt, đá bóng... Trẻ vận động nhiều sẽ tiêu hao năng lượng nên bé sẽ có cảm giác đói, ăn ngon hơn và có sức khỏe tốt hơn.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, các bậc cha mẹ có thể cân nhắc bổ sung cho trẻ các thực phẩm bổ sung để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, tăng cường sức đề kháng và phát triển thể chất toàn diện. Tuy nhiên, việc cải thiện triệu chứng trẻ biếng ăn có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.