Mọi người đều rất cần một giấc ngủ đủ, để đảm bảo đủ năng lượng, và tỉnh táo cho hoạt động ngày hôm sau. Nhưng đôi khi mọi thứ có thể xảy ra và rất có thể ai cũng đã từng thức trắng. Vậy, làm thế nào để tỉnh táo sau một đêm thức trắng? Những thông tin sau sẽ làm rõ vấn đề quan tâm này.
1. Mất ngủ/thức trắng
Mất ngủ hay thức trắng một đêm để học tập, làm việc hay trong trường hợp bản thân, gia đình hoặc bạn bè gặp phải tình huống khẩn cấp... đều là những lý do hết sức chính đáng khiến mỗi người ít nhất một lần trong đời trải qua một đêm không ngủ.
Một đêm không ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến não bộ, khả năng phản ứng, sự tập trung hoặc trí nhớ của mỗi người. Trong thực tế, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng đối diện với các hoạt động hàng ngày sau một đêm thức trắng bạn sẽ chẳng khác gì một gã say rượu.
Các chuyên gia về giấc ngủ cho rằng cơ thể sẽ ở mức yếu nhất khi phải thức trong thời gian quá dài. Do dòng chảy tự nhiên của nhịp sinh học trong cơ thể, con người sẽ ở trong tình trạng thực sự tồi tệ nếu thức đến 24 giờ, nó khiến họ không thể kiểm soát những gì đang diễn ra và luôn trong trạng thái thiếu tỉnh táo. Đó cũng là khoảng thời gian tồi tệ nhất để một người nghĩ đến việc lái xe về nhà.
Sự đơn điệu của con đường họ hay đi kết hợp với cơn buồn ngủ ập đến có thể khiến những người lái xe ngủ gục một cách không thể kiểm soát. Trong một cuộc điều tra thực hiện năm 2005 về chứng ngủ gật trong khi lái xe có đến một phần ba số tài xế tham gia nghiên cứu thừa nhận mình đã ít nhất một lần gục xuống tay lái vì quá mệt mỏi trong khi chiếc xe vẫn đang chạy trên đường.
Tuy nhiên nếu bắt buộc phải hoàn thành những công việc hàng ngày sau một đêm thiếu ngủ, bộ não vẫn có khả năng cố gắng bù đắp cho vấn đề này. Trong một nghiên cứu sử dụng hình ảnh chụp cộng hưởng từ chức năng (MRI), 16 thanh niên hoàn toàn thức trắng trong khoảng 35 tiếng đã hoàn thành các bài kiểm tra cá nhân với mức độ khó tăng dần. Các hình ảnh MRI cho thấy hoạt động tăng lên ở một số vùng trong não vì cơ bản là chứng đã huy động nguồn năng lượng từ não bộ nhiều hơn so với mức cần thiết ở những người được ngủ đủ giấc.
Não bộ có thể cung cấp khả năng nhận thức cho một người ngủ không đủ giấc mà trong điều kiện bình thường chúng không cần phải sử dụng đến. Điều đó cho phép những người thiếu ngủ vẫn có khả năng thực hiện tuy chỉ ở mức trung bình những công việc được giao.
Đồng hồ sinh học cũng có thể góp phần giúp người thiếu ngủ tỉnh táo bằng cách tăng cường các kích thích đến não bộ để giữ cho não vẫn còn khả năng hoạt động bình thường. Có hai mốc thời gian mà đồng hồ sinh học của mỗi người tác động rõ ràng nhất giúp họ giữ được sự tỉnh táo, một là khoảng 10 giờ sáng và hai là thời điểm 6-7 giờ tối. Trong những thời điểm này, những người thiếu ngủ có thể cảm thấy dễ chịu hơn nhưng vẫn có khả năng bị suy giảm trí nhớ, phản ứng chậm và giảm sự tập trung hơn.
2. Cách để tỉnh táo sau một đêm thức trắng
Thật may mắn là chúng ta luôn có những cách hạn chế cơn buồn ngủ, mang lại sự tỉnh táo trước một ngày làm việc rất dài trước mắt. Một số những phương pháp đó có thể được kể đến như:
- Một giấc ngủ ngắn: Một giấc ngủ ngắn được coi là “thuốc giải độc” cho hệ thần kinh sau một đêm thức trắng. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Cơ quan hàng không và vũ trụ quốc gia Hoa Kỳ (NASA) do Rosekind dẫn đầu, các phi công tham gia chuyến bay xuyên Thái Bình Dương được chợp mắt trong trung bình 26 phút đã giảm đến hơn một nửa khả năng xuất hiện các dấu hiệu của buồn ngủ trong quá trình bay.
Ngay cả một giấc ngủ ngắn chỉ khoảng 10 phút cũng có thể mang lại tác động tích cực đối với cơ thể. Tuy nhiên nếu ngủ lâu hơn 45 phút, những người thiếu ngủ có khả năng cảm thấy mệt mỏi hơn khi thức dậy, điều này xảy ra do một hiệu ứng được gọi là quán tính giấc ngủ mỗi khi con người thức dậy từ một giấc ngủ sâu, luôn muốn kéo họ trở lại trạng thái ngủ. Nhưng khi vượt qua được những cảm giác đó, cơ thể sẽ được hưởng lợi từ những giấc ngủ ngắn.
- Uống cà phê hoặc các đồ uống khác có chứa caffeine: Sử dụng cà phê hoặc các loại nước tăng lực có chứa caffeine giúp thần kinh trở lên tỉnh táo hơn. Theo nghiên cứu, hầu hết những người thiếu ngủ cần khoảng 100 đến 200 miligam caffeine tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể của họ. Một cốc nhỏ cà phê chứa khoảng 100 miligam caffeine trong khi những loại thuốc bổ sung caffeine thường có sẵn liều 100 hoặc 200 miligam caffeine.
Sẽ mất khoảng 15 đến 30 phút để cơ thể cảm nhận được tác dụng của caffeine và các tác dụng này có thể kéo dài trong khoảng 3 đến 4 giờ. Cách sử dụng cà phê tốt nhất được các phi công của NASA áp dụng là uống một cốc cà phê và chợp mắt khoảng 30 phút. Họ sẽ thức dậy với cảm giác sảng khoái và sẵn sàng với công việc. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng caffeine, chứng che giấu cơn buồn ngủ đang ngày càng tăng lên khiến bạn không thể kiểm soát được đâu là thời điểm cơ thể thực sự cần nghỉ ngơi và điều đó có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe.
- Giữ cơ thể luôn hoạt động: Đi bộ hoặc làm việc sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn trong khi tập thể dục có thể cải thiện sự tập trung của não bộ. Khi di chuyển, các cơ bắp sẽ đưa ra phản hồi đối với hệ thần kinh thông qua hệ thống dây thần kinh giúp duy trì sự tỉnh táo.
Ngay cả việc thay đổi hoạt động hoặc tham gia vào một cuộc trò chuyện cũng có thể cải thiện sự tỉnh táo, tuy nhiên ngay khi dừng hoạt động hoặc nói chuyện, cơn buồn ngủ có thể lập tức kéo tới.
- Tránh làm nhiều việc cùng lúc: Sau một đêm thức trắng, suy giảm trí nhớ sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Điều đó đồng nghĩa với việc não bộ không thể ghi nhớ được nhiều thứ cùng lúc. Một nghiên cứu trên 40 thanh niên thức trắng trong 42 giờ cho thấy khả năng ghi nhớ của não bộ giảm tới 38%. Các xét nghiệm hình ảnh (chụp cộng hưởng từ sọ não) đã xác nhận phần não liên quan đến gửi và nhận thông tin thường không hoạt động hoặc hoạt động kém ở những người bị thiếu ngủ.
Mỗi người luôn có thể cố gắng khiến cơ thể tự tỉnh táo sau một đêm mất ngủ hoặc thức trắng bằng nhiều cách khác nhau như rửa mặt bằng nước lạnh, uống một cốc cà phê hoặc giữ cơ thể luôn hoạt động....
Tuy nhiên giấc ngủ quan trọng với tất cả mọi người không khác gì nước, oxy và thức ăn. Việc mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe. Mỗi khi được ngủ lại, cơ thể sẽ đi vào giấc ngủ sâu hơn bình thường. Những người thiếu ngủ sẽ có cảm giác ngủ ngon hơn, thậm chí là ngủ một mạch 10 đến 12 tiếng sau đó. Đó là khoảng thời gian mà cơ thể tự hồi phục sau một đêm thức trắng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com