Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - Trưởng Đơn nguyên Ngoại tiêu hóa - Tiết niệu - Phẫu thuật Robot & Ngoại Nhi, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Tại Việt Nam, theo con số thống kê 2018 với dân số 96.491.142: Số ca bệnh ung thư mới mắc hàng năm là 164.671 người, tỷ lệ mắc 140/100.000 người-năm, số chết 114.871 người/năm. Trong đó Ung thư đại trực tràng là: 14.733 ca (8.9% các loại ung thư).
1. Dấu hiệu ung thư đại trực tràng
Tỷ lệ sống sau điều trị ung thư đại trực tràng thay đổi theo giai đoạn: Mỹ: Tỷ lệ sống sau 5 năm chung là 65%, trong đó nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I là 95%, 60% ở giai đoạn III, 10% ở giai đoạn IV có di căn.
Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) thường không được chú ý vì các triệu chứng sớm nghèo nàn và ít gây sự chú ý với người bệnh.
Các triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng, nhưng thường đã là các dấu hiệu muộn của bệnh:
- Thay đổi thói quen đại tiện: xen kẽ giữa táo bón và tiêu chảy.
- Máu trong phân.
- Nhầy trong phân.
- Đau bụng quặn cơn, ậm ạch đầy hơi, bí trung tiện = các dấu hiệu của tắc ruột do u lớn làm bít tắc lòng đại tràng.
- Cảm giác rằng không đi ngoài hết phân, thường xuyên có cảm giác muốn đi ngoài.
- Mệt mỏi.
- Giảm cân, thiếu máu không biết lý do.
2. Vai trò của sàng lọc ung thư đại trực tràng
UTĐTT muộn là tình trạng có thể phòng ngừa được bằng việc phát hiện sớm thông qua các chương trình sàng lọc được áp dụng rộng rãi.
Việc thực hiện đầy đủ các hướng dẫn sàng lọc ung thư đại trực tràng đã được chứng minh có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng ở Hoa Kỳ khoảng 50%; thậm chí hơn nữa nếu được áp dụng ở các quốc gia nơi các xét nghiệm sàng lọc còn khó khăn. Các chiến lược sàng lọc mới và toàn diện hơn cũng rất cần thiết.
Tại Mỹ, hướng dẫn sàng lọc đại trực tràng đã được ban hành bởi các tổ chức sau:
- American Cancer Society (ACS), US Multi-Society Task Force on Colorectal Cancer, and American College of Radiology
- U.S. Preventive Services Task Force (USPSTF)
- American College of Physicians (ACP)
- American College of Gastroenterology (ACG)
- National Comprehensive Cancer Network (NCCN)
Mặc dù tất cả các hướng dẫn đều đề nghị sàng lọc thường quy ung thư đại trực tràng và polyp tuyến ở người trưởng thành không có triệu chứng bắt đầu ở tuổi 50, nhưng chúng khác nhau về tần suất sàng lọc và tuổi dừng sàng lọc, cũng như phương pháp sàng lọc. Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao, các khuyến nghị khác nhau về độ tuổi bắt đầu sàng lọc, cũng như tần suất và phương pháp sàng lọc.
Để đơn giản, dễ áp dụng và không bị nhầm lẫn, bài viết trình bày Hướng dẫn sàng lọc của Hội Ung thư Hoa kỳ (American Cancer Society -ACS).
3. Hướng dẫn sàng lọc ung thư đại trực tràng của Hội Ung thư Hoa kỳ
Khuyến cáo:
- Người trưởng thành từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ mắc UTĐTT trung bình nên sàng lọc thường xuyên bằng: 1. Xét nghiệm phân có độ nhạy cao hoặc 2. Thăm khám hình thái cấu trúc (nội soi), tùy theo sở thích của bệnh nhân và sự sẵn có của phương tiện xét nghiệm.
- Là một phần của quá trình sàng lọc, tất cả các kết quả dương tính trong các xét nghiệm sàng lọc không nội soi (xét nghiệm phân) phải được theo dõi bằng nội soi đại tràng kịp thời.
- Bắt đầu sàng lọc từ 45 tuổi là một khuyến cáo đủ (qualified recommendation).
- Sàng lọc từ 50 tuổi trở lên là một khuyến cáo mạnh (strong recommendation).
- Người trưởng thành có nguy cơ trung bình, có sức khỏe tốt với tuổi thọ sống thêm kỳ vọng trên 10 năm sàng lọc UTĐTT đến 75 tuổi là một khuyến cáo đủ (qualified recommendation).
- Bác sĩ lâm sàng cá nhân hóa các quyết định sàng lọc UTĐTT cho người từ 76 đến 85 tuổi dựa trên sở thích, tuổi thọ, tình trạng sức khỏe và lịch sử sàng lọc trước đó - khuyến cáo đủ (qualified recommendation)
- Bác sĩ lâm sàng không khuyến khích người trên 85 tuổi tiếp tục sàng lọc UTĐTT - khuyến cáo đủ (qualified recommendation).
Tùy chọn phương tiện sàng lọc UTĐTT:
- Các xét nghiệm phân:
- Xét nghiệm hóa-miễn dịch phân hàng năm
- Xét nghiệm phân tìm hồng cầu độ nhạy cao hàng năm
- Xét nghiệm DNA đa mục tiêu mỗi 3 năm
- Thăm khám hình thái cấu trúc (nội soi):
- Nội soi đại tràng mỗi 10 năm
- Chụp cắt lớp đại tràng mỗi 5 năm
- Nội soi đại tràng sigma mỗi 5 năm
4. Hướng dẫn tham khảo khác
Các hướng dẫn khác để tham khảo thêm như: National Comprehensive Cancer Network (NCCN). NCCN đã đưa ra các hướng dẫn riêng cho các đối tượng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao. Với những người bình thường, các khuyến nghị gần như tương tự với các Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), US Multi-Society Task Force on Colorectal Cancer và American College of Radiology.
Các tiêu chí Nguy cơ trung bình của NCCN như sau:
- Tuổi ≥50
- Không có tiền sử polyp tuyến, polyp không cuống hoặc ung thư đại trực tràng
- Không có tiền sử bệnh viêm ruột (IBD)
- Không có tiền sử gia đình với ung thư đại trực tràng hoặc tiền sử bản thân polyp biểu mô tuyến tiến triển đã được xác nhận (nghĩa là loạn sản cao, kích thước ≥1 cm, mô học dạng nhú hoặc ống-nhú) hoặc polyp chân rộng-bờ răng cưa (sessile serrated) tiến triển (≥1 cm, bất kỳ loạn sản nào)
Các tiêu chí Nguy cơ gia tăng của NCCN là đối tượng có bất kỳ yếu tố nào sau đây:
- Lịch sử cá nhân polyp tuyến (adenoma) hoặc polyp chân rộng-bờ răng cưa.
- Tiền sử cá nhân ung thư đại trực tràng
- Bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng, bệnh Crohn)
- Có tiền sử gia đình.
Các tiêu chí Nguy cơ cao của NCCN là đối tượng có yếu tố sau đây:
- Hội chứng Lynch (ung thư đại trực tràng không do di truyền)
- Bệnh đa polyps tuyến gia đình cổ điển (Classic familial adenomatous polyposis-FAP)
- Bệnh đa polyps tuyến gia đình suy yếu (Attenuated familial adenomatous polyposis-AFAP)
- Bệnh đa polyp liên quan đến MUTHYH (MAP)
- Hội chứng Peutz-Jeghers (PJS)
- Hội chứng đa polyps vị thành niên (JPS)
- Hội chứng đa polyps răng cưa (SPS)
- Polyp đại tràng adenomatous nguyên nhân không rõ
- Hội chứng Cowden/Hội chứng khối u hamartoma PTEN
- Hội chứng Li-Fraumeni
Các cá nhân có một hoặc nhiều tiêu chí sau đây sẽ được đánh giá thêm về các hội chứng đa polyps:
- Người có hơn 10 polyps tuyến được phát hiện từ (FAP, AFAP, MAP và các nguyên nhân di truyền hiếm gặp khác của bệnh đa polyp tuyến)
- Người có nhiều hơn 2 polyp hamartomatous (hội chứng khối u hamartoma PJS, JPS và Cowden / PTEN)
- Người có hơn 5 polyp bờ răng cưa gần với đại tràng sigma (SPS)
- Các thành viên gia đình mắc hội chứng có nguy cơ cao liên quan đến ung thư đại trực tràng, có hoặc không có đột biến.
- Người có khối u desmoid, u nguyên bào gan, biến thể cribriformmorular của khối u tuyến giáp nhú (FAP, AFAP, MAP)
5. Sàng lọc dựa trên nguy cơ
Hội đồng các chuyên gia quốc tế đã công bố hướng dẫn sàng lọc ung thư đại trực tràng dựa trên nguy cơ với người trưởng thành là:
- Tuổi 50-79,
- Không sàng lọc trước đó
- Không có triệu chứng ung thư đại trực tràng và
- Tuổi thọ sống thêm ước tính ít nhất 15 năm.
- Đối với những người có nguy cơ ung thư đại trực tràng ước tính 15 năm dưới 3%, hội thảo đề nghị không sàng lọc (khuyến nghị yếu).
- Đối với các cá nhân có rủi ro 15 năm ước tính trên 3%, hội thảo đề nghị sàng lọc với một trong các tùy chọn sau:
- FIT hàng năm
- FIT cứ sau 2 năm
- Soi đại tràng sigma 1 lần
- Nội soi đại tràng 1 lần
Tính nguy cơ ung thư đại trực tràng/15 năm được thực hiện bằng công cụ QCancer trực tuyến. (Lưu ý rằng công cụ này được phát triển phục vụ cho Vương quốc Anh.)
Phát hiện sớm bệnh ung thư sẽ làm tăng cơ hội điều trị thành công và giảm nguy cơ tử vong do ung thư. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec triển khai Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư đại tràng dành cho các khách hàng có nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là khách hàng có polyp tuyến đại tràng, bị viêm ruột (Viêm loét ruột hoặc bệnh Crohn), gia đình có người bị ung thư đại trực tràng; nghi ngờ đa polyp tuyến có tính gia đình, Hội chứng Lynch. Với hệ thống máy móc hiện đại cho phép thực hiện các xét nghiệm nội soi đại tràng, được theo dõi sát sao bệnh tình bởi các bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt Vinmec là bệnh viện đi đầu trong triển khai phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng bằng phẫu thuật nội soi robot với nhiều ưu điểm vượt trội.
Để được tư vấn và đặt lịch khám, Quý Khách có thể liên hệ TẠI ĐÂY
Tham khảo:
- Colorectal cancer screening for average‐risk adults: 2018 guideline update from the American Cancer Society
- Bacsyphauthuatsurgeon.wordpress.com.
- Emedicine.medscape.com