Chứng ăn vô độ là tình trạng gặp ở những người thiếu tự tin về hình thể hoặc làm những nghề liên quan nhiều tới hình thức bên ngoài. Kiểm soát chứng cuồng ăn vô độ sẽ giúp ngăn chặn những hậu quả không mong muốn của bệnh (về cân nặng, sức khỏe tinh thần,...).
1. Chứng ăn vô độ là gì?
Chứng ăn vô độ (chứng thèm ăn vô độ) là một bệnh rối loạn ăn uống với đặc trưng là người bệnh thường xuyên ăn uống vô độ, sau đó lại tìm các biện pháp để tránh bị tăng cân. Người bệnh sẽ tiêu thụ một lượng lớn thức ăn trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó tìm các loại bỏ lượng thức ăn này bằng cách nôn mửa, tập thể dục nhiều, sử dụng thuốc giảm cân,...
Chứng ăn vô độ có thể khiến bệnh nhân ăn nhiều mà không kiểm soát được, có thể dẫn tới chứng cuồng ăn vô độ tâm thần. Đây là bệnh lý gây ra bởi các yếu tố nguy cơ như: Sinh học, sức khỏe tâm lý, kỳ vọng của xã hội,... Bệnh phổ biến ở những người thiếu tự tin về hình thể và người làm việc trong các ngành có yêu cầu cao về hình thức bề ngoài như diễn viên, ca sĩ,...
Hậu quả của chứng ăn vô độ là bệnh nhân bị tăng cân quá nhiều, dễ bị béo phì. Tình trạng béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường tuýp 2,... Đồng thời, người mắc chứng ăn uống vô độ cũng dễ mắc phải các vấn đề về tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng, rối loạn lưỡng cực, có thể lạm dụng chất gây nghiện, căng thẳng, khó ngủ, thiếu tự tin,...
2. Cách kiểm soát chứng ăn vô độ
Nếu mắc phải tình trạng ăn uống vô độ thì người bệnh không nên quá lo lắng vì có thể điều trị thành công. Các bác sĩ sẽ xét nghiệm máu, nước tiểu, khám sức khỏe tổng quát, xem xét thói quen ăn uống, cảm xúc, tâm lý của bệnh nhân để đưa ra lựa chọn kiểm soát, điều trị phù hợp. Một số biện pháp gồm:
2.1 Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
- Uống đủ nước: Tăng lượng nước uống sẽ giúp xoa dịu cơn đói, giảm lượng calo nạp vào cơ thể. Uống nhiều nước trong ngày chính là biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc kiềm chế cảm giác thèm ăn và từ đó giúp giảm tình trạng ăn quá nhiều;
- Tránh bỏ bữa: Thói quen ăn bỏ bữa sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn, tăng nguy cơ ăn quá nhiều thức ăn ở bữa sau. Vì vậy, để giảm tần suất các đợt ăn uống vô độ, mỗi người nên ăn đủ bữa, điều độ, duy trì thói quen ăn uống này một cách nghiêm túc;
- Bỏ chế độ ăn kiêng: Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn kiêng quá nghiêm ngặt có thể là nguyên nhân gây ra các đợt ăn uống vô độ. Vì vậy, không nên kiêng khem quá mức. Khi muốn giảm cân, mỗi người có thể thực hiện theo một chế độ ăn uống lành mạnh như: Ăn nhiều thực phẩm nguyên chất (rau, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây) và giảm bớt lượng thức ăn tiêu thụ thay vì loại bỏ hoàn toàn một loại thực phẩm nào đó ra khỏi chế độ ăn;
- Tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ: Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy việc tăng lượng chất xơ vào chế độ ăn có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, giảm cảm giác ngon miệng và giảm lượng thức ăn nạp vào vì chất xơ đi qua hệ tiêu hóa chậm hơn nên cho cảm giác no lâu. Biện pháp bổ sung chất xơ cho cơ thể là ăn các thực phẩm như trái cây, rau củ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt,...;
- Tập luyện thể thao: Việc kết hợp một chế độ ăn uống lành mạnh với tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp kiểm soát chứng ăn vô độ. Bên cạnh đó, tập thể dục còn làm giảm mức độ căng thẳng, cải thiện tâm trạng, ngăn ngừa tình trạng ăn uống theo cảm xúc. Một số bài tập luyện phù hợp mà bệnh nhân có thể áp dụng gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, tập yoga,...;
- Biện pháp khác: Bổ sung thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, các loại đậu vào chế độ ăn (cho cảm giác no lâu, kiểm soát sự thèm ăn, tăng cường trao đổi chất); ngủ đủ giấc, đảm bảo 8 tiếng/ngày.
2.2 Liệu pháp tâm lý
Người bệnh đến bác sĩ để được tư vấn, điều trị nếu việc ăn uống vô độ không được kiểm soát dù đã thực hiện các biện pháp trên. Bệnh nhân có thể được kiểm tra, điều trị các bệnh gây ăn uống vô độ hoặc sử dụng liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm để khắc phục tình trạng này.
Tâm lý trị liệu có thể cải thiện triệu chứng ăn vô độ. Cụ thể:
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Giúp bệnh nhân nhận ra được những hành vi tiêu cực, không lành mạnh để thay đổi bằng hành vi tích cực đối với sức khỏe;
- Liệu pháp tâm lý cá thể: Giúp xử lý các vấn đề khó khăn trong quan hệ của người bệnh với người xung quanh để họ cải thiện khả năng giao tiếp cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề;
- Liệu pháp dựa trên gia đình: Các thành viên trong gia đình cần can thiệp, ngăn chặn hành vi ăn uống không lành mạnh của bệnh nhân, hỗ trợ người bệnh tự kiểm soát việc ăn uống của mình một cách khoa học.
Sử dụng thuốc chống trầm cảm khi kết hợp với tâm lý trị liệu có thể giúp giảm triệu chứng của bệnh ăn uống vô độ. Một số loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị chứng ăn vô độ gồm: Fluoxetine, chất ức chế chọn lọc Serotonin,...
Ngoài ra, bệnh nhân cần tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, giúp có được trọng lượng khỏe mạnh. Nếu bị thừa cân, người bệnh có thể được hướng dẫn giảm cân theo các liệu pháp cụ thể. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi có ý định sử dụng thực phẩm hoặc thảo dược có tác dụng giảm cân.
Chứng ăn vô độ có thể được kiểm soát hiệu quả nếu áp dụng các biện pháp điều chỉnh về chế độ ăn uống, sinh hoạt, kết hợp với thay đổi suy nghĩ và sử dụng thuốc. Nếu đang có nguy cơ mắc chứng rối loạn này hoặc đang có dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh, người bệnh nên đi khám sớm để được kiểm tra, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.