Mũi có mùi hôi khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và mất tự tin nhưng tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây ra như viêm xoang mãn tính, bệnh trĩ mũi, viêm mũi do nhiễm trùng, ung thư mũi xoang... Vậy làm gì khi hơi thở từ mũi có mùi?
1. Nguyên nhân gây mũi có mùi hôi
- Bệnh viêm xoang
Viêm xoang xảy ra khi các mô xoang bên trong bị viêm làm gián đoạn quá trình dẫn lưu dịch tiết, kết quả là ứ trệ và lưu dịch nhầy. Hậu quả của tình trạng này nếu kéo dài khiến quá trình dẫn lưu dịch tiết hô hấp bị ngưng trệ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào các xoang và gây nên tình trạng nhiễm trùng và tiết ra mùi hôi khó chịu, đa số thường gặp ở người mắc viêm xoang kéo dài trên 3 tháng (viêm xoang mạn tính).
Triệu chứng của bệnh viêm xoang thường gặp như nghẹt mũi, vùng trước trán bị đau, đau hốc mặt, mệt mỏi, ho, đau họng và mũi có mùi hôi...
- Viêm mũi tiền đình
Vị trí xảy ra tình trạng nhiễm trùng trong bệnh lý viêm mũi tiền đình là ở phần trước của mũi. Vi khuẩn Staphylococcus là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất, vi khuẩn này thường xâm nhập vào niêm mạc mũi thông qua các vết trầy xước và tổn thương ở mũi. Viêm tiền đình mũi có thể gây nghẹt mũi, sưng nóng đầu mũi, xoang mũi có mùi hôi, bên trong mũi xuất hiện các mụn nhọt, xung quanh mũi có xu hướng đỏ và nóng hơn bình thường.
- Polyp mũi
Do quá trình tăng sinh quá mức của niêm mạc mũi gây nguy cơ phát triển các khối u lành tính bên trong mũi. Đa số các trường hợp polyp mũi không gây đau đớn cho người bệnh, cũng như không có bất kỳ triệu chứng nào đi kèm. Tuy nhiên, khi khối u có kích thước lớn có thể cản trở quá trình dẫn lưu các dịch tiết của đường hô hấp từ mũi ra bên ngoài.
Lượng dịch tiết bị ứ đọng bên trong mũi trong thời gian dài có thể gây nghẹt mũi, ngứa mũi và làm phát sinh mùi hôi khó chịu. Dấu hiệu nhận biết khi mắc phải polyp mũi là khi sờ vào bên trong lỗ mũi có cảm giác cộm, thường xuyên bị nghẹt mũi không rõ nguyên nhân, xoang mũi có mùi hôi. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây viêm xoang hoặc viêm mũi mạn tính. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu trên cần được thăm khám sớm để có can thiệp kịp thời.
- Sâu răng
Khi răng miệng gặp phải các vấn đề như sâu răng, thường là nguyên nhân gián tiếp gây ra tình trạng hôi miệng kèm theo mũi có mùi hôi khi thở ra. Thông thường các vi khuẩn gây ra tình trạng sâu răng có nguy cơ di chuyển đến những cơ quan lân cận như vòm họng, amidan và mũi, sau đó tiến triển gây nhiễm trùng và là phát sinh mùi hôi. Triệu chứng thường gặp khi mũi có mùi hôi do sâu răng như không có tổn thương thực thể ở mũi, răng đau nhức và xuất hiện đốm đen, hơi thở từ mũi có mùi hôi khó chịu.
- Bệnh Phantosmia
Bệnh lý này còn được biết đến với tên gọi khác là ảo giác khứu giác, xảy ra khi ngửi thấy các mùi không có thật. Bệnh này thường gặp chủ yếu ở nữ giới và khởi phát do các thành phần bên trong mũi - xoang - miệng. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khác gây ra bệnh này như có thể do biến chứng của các bệnh động kinh, u não, chấn thương sọ não hoặc do bệnh mất trí nhớ tạm thời (Alzheimer)...
Dấu hiệu nhận biết bệnh này là thường xuyên ngửi thấy lỗ mũi có mùi hôi nhưng những người xung quanh không ngửi thấy bất cứ mùi gì, mùi hôi có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên lỗ mũi, mất khả năng nhận biết mùi... Đa số các trường hợp mắc phải bệnh này có thể biến mất sau khi được bác sĩ chỉ định dùng thuốc và người bệnh tuân thủ các chỉ dẫn chăm sóc vệ sinh mũi phù hợp. Tuy nhiên có một số ít trường hợp, phải chỉ định phẫu thuật để khắc phục bệnh lý này.
- Bệnh trĩ mũi
Đây là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm kéo dài, gây ra mủ màu xanh/vàng và có mùi hôi tanh rất khó chịu. Ngoài ra bệnh còn khiến hốc mũi ứ nhiều vảy đọng, các vảy này dễ bong tróc dẫn đến lỗ mũi có mùi khó chịu. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh này có thể là do yếu tố bẩm sinh, nội tiết tố, người có rối loạn giao cảm hoặc do nhiễm vi khuẩn. Dấu hiệu nhận biết thường gặp là mũi có mùi hôi khó chịu, bị tắc nghẽn mũi, chảy máu cam, biến dạng yên - mũi.
- Viêm mũi do nhiễm trùng
Khác với tình trạng bệnh lý viêm mũi dị ứng, viêm mũi do nhiễm trùng (có thể do vi khuẩn hoặc virus) không chỉ gây phù nề niêm mạc, nghẹt mũi, chảy nước mũi... mà còn là nguyên nhân khiến mũi có mùi hôi khó chịu. Dấu hiệu thường gặp của bệnh lý này như mũi đau nhức và sưng nóng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau rát cổ họng, lỗ mũi tiết dịch kèm theo mủ và có mùi hôi, người nóng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi... Nếu bệnh không được điều trị sớm rất dễ lây lan sang các bộ phận khác để lại nhiều hậu quả nặng nề hơn.
- Ung thư mũi xoang
Đây là bệnh lý có mức độ nghiêm trọng khi các khối u ác tính xuất hiện bên trong xoang hoặc niêm mạc mũi. Nếu tình trạng này không được phát hiện sớm có thể có nguy cơ gây tổn thương các dây thần kinh ở mặt và thậm chí gây tử vong nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.
Đa số bệnh gặp ở nam giới. Mặc dù bệnh rất hiếm gặp nhưng để lại nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Dấu hiệu nhận biết ung thư mũi xoang bao gồm: Nghẹt mũi (thường là nghẹt 1 bên), thường xuyên chảy máu cam, lỗ mũi thở ra có mùi hôi, khó khăn trong việc nghe, giảm thị lực, chảy dịch mũi sau, sưng vùng mặt.
2. Làm gì khi hơi thở từ mũi có mùi hôi?
Khi hơi thở có mùi hôi phát ra từ mũi thì đây là dấu hiệu cho thấy cấu trúc và chức năng mũi hoặc các cơ quan xung quanh mũi đã bị tổn thương. Vì vậy, trong trường hợp nhận thấy triệu chứng này kéo dài 5 - 10 ngày mà không cải thiện, người bệnh nên sắp xếp đến Bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Nếu xác định nguyên nhân hơi thở có mùi hôi do tình trạng viêm và nhiễm trùng, người bệnh thường được chỉ định dùng các loại kháng sinh thích hợp với mức độ tiến triển của bệnh, thuốc xịt mũi và thuốc uống. Trong khi đó nếu nguyên nhân là do polyp mũi hoặc ung thư mũi xoang, có thể phải thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u.
Ngoài ra, người bệnh nên chú ý một số biện pháp chăm sóc tại nhà giúp hỗ trợ quá trình điều trị bệnh được tốt hơn như sau:
- Vệ sinh mũi và răng miệng đúng cách, có thể dùng nước muối loãng để súc miệng.
- Uống nhiều nước để hỗ trợ làm loãng dịch mủ và dễ dàng tống ra ngoài.
- Hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán hay thức ăn còn tái, sống.
- Tăng cường các loại rau xanh và trái cây tươi vào bữa ăn hàng ngày.
- Có thể dùng các loại tinh dầu để xông mũi nhằm giảm lượng dịch mủ ứ đọng lâu ngày trong hốc xoang mũi.
Trên đây là những thông tin cần thiết giúp người bệnh có những kiến thức hữu ích khi gặp phải tình trạng mũi có mùi hôi. Việc phát hiện sớm dấu hiệu này sẽ giúp cho quá trình điều trị có hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tiến triển gây ra các hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.