Sau khi nhiễm COVID-19, các triệu chứng tồn tại dai dẳng là vấn đề lo lắng của nhiều bệnh nhân, trong số đó nhiều trường hợp đã phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Một trong những nguyên nhân làm tỷ lệ tái nhập viện và theo dõi ở các cơ sở y tế đó là bệnh tim mạch sau Covid.
1. Hậu Covid ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tim mạch
Theo các thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới hội chứng hậu Covid-19 là tình trạng xảy ra các triệu chứng mới, dai dẳng ở những người sau khi nhiễm Covid-19. Các triệu chứng này kéo dài ít nhất 2 tháng sau nhiễm mà không thể giải thích bằng bất kỳ chẩn đoán thay thế nào.
Tình trạng này kéo dài sẽ khiến sức khỏe người bệnh suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng như khả năng quay trở lại làm việc và sinh hoạt như trước. Bên cạnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần cho người bệnh, các triệu chứng hậu Covid còn gây ra những hậu quả về kinh tế, tinh thần nặng nề cho gia đình, người thân và cho xã hội.
Đặc biệt nguy cơ mắc bệnh tim mạch do hội chứng hậu Covid có thể gia tăng ngay cả ở những người trẻ tuổi, hoặc chỉ bị bệnh nhẹ và không có các yếu tố nguy cơ khác.
Những nguy cơ mà người bệnh sau Covid phải đối mặt gồm: rối loạn mạch máu não, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, huyết khối, bệnh tim thiếu máu cục bộ và các rối loạn chức năng tim khác. Cụ thể, tỷ lệ bị đau tim, đột quỵ và suy tim sau khoảng thời gian 12 tháng nhiễm COVID-19 tăng lần lượt là 63%, 52% và 72% so với những người không mắc bệnh. Đồng thời, hội chức hậu Covid nói chung và bệnh tim mạch sau Covid nói riêng càng làm phức tạp thêm quá trình hồi phục của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây ra biến chứng tim mạch sau Covid
2.1. Rối loạn hệ miễn dịch
Các tổn thương ở tim do virus Sars-CoV-2 có thể chính là hệ quả của việc hệ miễn dịch cơ thể thực hiện các cơ chế để tấn công virus. Điều này đồng thời làm hỏng các tế bào và mô khỏe mạnh ở các cơ quan khác cũng như ở tại tim. Tim và hệ tuần hoàn bị tổn thương cục bộ sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng như tắc mạch máu hệ thống do cục máu đông, rối loạn nhịp tim hay suy tim. Vì thế, người bệnh sau khi mắc Covid-19 nếu thường xuyên xuất hiện các triệu chứng đánh trống ngực, nhịp tim đập nhanh thì nên đi khám ngay.
Một ví dụ được rất nhiều người biết đến mô tả cho tình trạng hệ miễn dịch hoạt động quá mức dẫn đến tấn công ngược lại vào cơ thể trong giai đoạn Covid-19 hoành hành chính là cơn bão cytokine. Các tế bào khỏe mạnh bị tấn công sẽ bị viêm và nhanh chóng dẫn tới hoại tử mô, nếu điều này xảy ra ở tế bào cơ tim sẽ gây các bệnh lý tim mạch và cuối cùng dẫn đến suy tim.
Cơn bão cytokine ập tới làm người bệnh suy tim sẽ có thể biểu hiện các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, phù chi dưới. Kết hợp hình ảnh siêu âm sẽ thấy hiển thị tim giãn lớn, thành tim giảm động, giảm phân suất tống máu thất trái và tăng áp động mạch phổi.
2.2. Các cục máu đông hình thành do nhiễm Covid-19
Virus SARS-CoV-2 hủy hoại hệ thống mạch máu bao gồm cả các động mạch và tĩnh mạch gây ra tình trạng viêm, tổn thương và rất dễ dẫn tới hình thành các cục huyết khối. Các khối này sẽ lưu thông trong dòng máu đến các cơ quan và gây ra biến chứng tắc mạch. Tắc mạch ảnh hưởng tại đâu cũng làm ảnh hưởng lớn tới cơ thể, đặc biệt là các hoạt động của tim. Nhồi máu cơ tim cấp và thuyên tắc động mạch phổi sẽ làm tăng nguy cơ đột tử nếu các cục máu đông chặn dòng chảy của máu tại những vị trí nguy hiểm. Tuy nhiên, biến chứng này sẽ gặp nhiều hơn ở các ca Covid-19 diễn tiến nặng, nguy kịch và buộc phải thở bằng máy.
2.3. Tác dụng phụ của việc điều trị Covid
Một số loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị Covid-19 như thuốc kháng sinh, thuốc điều chỉnh rối loạn điện giải cộng thêm tình trạng giảm oxy máu sẽ làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng rối loạn vốn có từ trước, đặc biệt là các rối loạn nhịp tim, rất dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng rối loạn điện giải.
Những rối loạn nhịp tim phổ biến ở bệnh nhân hậu Covid là nhịp chậm, ngừng tim, rung nhĩ hoặc cơn nhịp nhanh thất không kéo dài,...
3. Các triệu chứng cảnh báo bệnh tim mạch sau Covid
Mệt mỏi
Mệt mỏi kéo dài là triệu chứng thường gặp nhất. Cảm giác mệt mỏi không thể giải thích bằng các chẩn đoán nào khác. Người bệnh cảm thấy thiếu sức sống, không đủ sức khỏe để làm việc và tham gia xã hội bình thường. Bên cạnh đó, người sau mắc COVID-19 có thể biểu hiện các dấu hiệu khác như khó thở, đau ngực, hồi hộp trống ngực. Tuy nhiên, cũng cần nhớ là các triệu chứng sau Covid này không đặc hiệu, có thể là rối loạn tim mạch sau mắc bệnh nhưng cũng có thể do các yếu tố khác như tình trạng hạn chế vận động trong thời gian bị COVID-19.
Khó thở
Nếu thấy khó khăn trong việc hít thở bình thường, kèm độ bão hòa O2 thấp dưới 92% thì cần chú ý đi khám sớm. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp xuất hiện triệu chứng khó thở do người bệnh bị hụt hơi khi gắng sức, nhất là sau một thời gian dài mắc bệnh không hoạt động thể lực.
Đánh trống ngực, tim đập nhanh, khó chịu ở ngực.
Sau khi nhiễm COVID-19, người bệnh có thể thấy đánh trống ngực hoặc tim đập nhanh. Khi xuất hiện triệu chứng nhịp tim nhanh hoặc không đều có thể đi kèm cảm giác lâng lâng hoặc chóng mặt, nhất là khi đứng. Đây được gọi là hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) xuất hiện ở những người đang hồi phục sau coronavirus. Khi người bệnh đứng lên, sẽ cảm thấy nhịp tim rất nhanh, và kèm theo mệt mỏi, đánh trống ngực, sương mù não hoặc choáng váng có thể xuất hiện.
Đau ngực
Nếu người phục hồi sau Covid xuất hiện cảm giác đau ngực dữ dội, đặc biệt đau dai dẳng và có thể kèm theo cảm giác buồn nôn, khó thở hoặc choáng váng thì có thể đây là các dấu hiệu cảnh bảo của cơn đau tim. Đặc biệt lưu ý nếu đau ngực xuất hiện đột ngột, dữ dội có thể là do thuyên tắc phổi.
Suy tim hậu COVID-19
Đây là tình trạng khá hiếm gặp, nhưng vẫn có thể xảy ra. Nếu người bệnh cảm thấy khó thở hoặc phù chân thì cần đi khám ngay xem có bị suy tim không. Các triệu chứng suy tim sẽ bao gồm: mệt mỏi, khó thở khi gắng sức; khó thở khi nằm: phù chân, tiểu đêm nhiều lần,....
4. Các xét nghiệm cần thực hiện khi nghi ngờ bệnh tim sau Covid
Những bệnh nhân F0 khi đã khỏi bệnh nên thực hiện các xét nghiệm để tầm soát di chứng tim mạch sau Covid-19 càng sớm càng tốt đó là:
- Công thức máu: dựa trên tỷ lệ các thành phần trong máu để đánh giá nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng mạch;
- D-dimer: xét nghiệm giúp phát hiện có sự hiện diện của các huyết khối trong mạch máu;
- Siêu âm tim: kiểm tra cơ tim, sự vận động các thành tim và phát hiện tình trạng suy tim;
- Điện tâm đồ: phát hiện ra các dấu hiệu bất thường của bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim thể hiện trên kết quả khảo sát;
- Chụp mạch vành, siêu âm tĩnh mạch chi dưới: thường khuyến cáo ở những trường hợp mắc Covid-19 nặng, phải nằm một chỗ và thở máy trong quá trình điều trị.
5. Các biện pháp hạn chế tổn thương tim mạch sau Covid
Để hạn chế thấp nhất những nguy cơ xảy ra tổn thương tim mạch cho người bệnh sau khỏi Covid, cần áp dụng các phương pháp sau:
- Tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc các bài tập thở hàng ngày;
- Tránh lo âu, căng thẳng, tăng cường thêm các khoảng thời gian nghỉ ngơi và thư giãn;
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh hơn: chú ý tiêu thụ nhiều trái cây, rau củ tươi, các loại rau và các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa;
- Tuyệt đối kiêng sử dụng các chất kích thích như rượu bia, hút thuốc lá để tránh làm ngăn cản quá trình hồi phục của cơ thể.
Hội chứng hậu Covid nói chung và bệnh tim mạch sau Covid nói riêng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tinh thần, chất lượng cuộc sống của bản thân người bệnh và gia đình, xã hội. Người bệnh hồi phục sau nhiễm bệnh cần đi khám ngay nếu thấy các triệu chứng bất thường để giúp giảm các tổn thương tim mạch do Covid gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.