Bài viết được viết bởi BS. TS. phụ trách Dinh dưỡng - Bệnh viện Vinmec Times City
Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trên toàn cầu. Chi phí cho những can thiệp làm giảm tỷ lệ và mức độ bệnh không lây nhiễm khá là cao. Mức tiêu thụ muối tỉ lệ thuận với việc gia tăng bệnh không lây nhiễm (bao gồm tăng huyết áp, bệnh tim mạch và đột quỵ). Việc giảm tiêu thụ muối có thể làm giảm huyết áp và những nguy cơ liên quan đến bệnh không lây nhiễm.
Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, hiện nay người dân trên toàn thế giới đang tiêu thụ nhiều muối hơn so với nhu cầu của cơ thể. Trong nhiều trường hợp, mức tiêu thụ muối cao hơn nhiều lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới về tiêu thụ muối cho người trưởng thành là 2 gam Natri/ngày (tương đương với 5 gam muối/ngày).
>>> Muối: Ăn bao nhiêu mỗi ngày là đủ?
Giảm muối khẩu phần góp phần làm giảm huyết áp tâm thu một cách có ý nghĩa ở cả người trưởng thành và trẻ em. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những người tiêu thụ muối <5 gam/ngày có mức giảm huyết áp cao hơn so với những người có giảm tiêu thụ muối nhưng vẫn trên 5 gam/ngày. Giảm lượng muối khẩu phần không ảnh hưởng nhiều đến mức mỡ máu, catecholamine hoặc chức năng thận.
Muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ngoài ra còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây những rối loạn khác cho sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có 4,1 triệu người tử vong trên toàn thế giới do ăn thừa muối. Hiện nay, trên thế giới, mức tiêu thụ của 1 người trưởng thành là gần 10g muối mỗi ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Nếu thực hiện đúng khuyến cáo, mỗi năm chúng ta có thể cứu được 2,5 triệu người thoát khỏi tử vong.
Tại Việt Nam, ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Số liệu cho thấy, ở nước ta cứ 5 người trưởng thành thì có 1 bị người tăng huyết, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp là do các bệnh tim mạch.
Hiện nay đa số người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình 1 người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4 g muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO. Trong khi đó, hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân ở cộng đồng còn hạn chế. Do vậy, thông tin, giáo dục, truyền thông có vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân để thực hiện ăn giảm muối, phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe.
Dựa trên các bằng chứng khoa học về mức tiêu thụ muối với tăng huyết áp và bệnh tim mạch, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo về mức tiêu thụ muối cho người trưởng thành và trẻ em:
- Giảm tiêu thụ muối giúp làm giảm huyết áp và nguy cơ về bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh mạch vành. Nên giảm lượng muối xuống dưới 5 gam/ngày (dưới 2 gam Natri/ngày)
- Giảm tiêu thụ muối giúp làm giảm huyết áp ở trẻ em. Lượng muối tiêu thụ hàng ngày ở trẻ em được điều chỉnh theo hướng giảm dựa trên nhu cầu năng lượng của trẻ so với người trưởng thành.
Lên kế hoạch xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giảm bớt lượng muối tiêu thụ trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp chúng ta đẩy lùi nguy cơ của các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa và kiểm soát bệnh lý, mỗi cá nhân nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 lần/năm để hiểu rõ tình trạng cơ thể. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế mang đến cho khách hàng các Gói khám Sức khỏe tổng quát từ cơ bản đến đặc biệt, từ các kết quả kiểm tra, khách hàng sẽ nhận được những tư vấn về chế độ dinh dưỡng khoa học để duy trì sức khỏe tốt từ các chuyên gia bác sĩ tại bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.