Hầu hết các loại thuốc thường dùng là tương đối an toàn đối với phụ nữ cho con bú. Liều nhận được qua sữa nói chung thường nhỏ và ít hơn nhiều so với liều lượng ban đầu. Tuy vậy, sự hiểu biết các nguyên tắc cơ bản về những thuốc dùng được cho phụ nữ cho con bú là rất quan trọng, cũng như nhận thức về các tác dụng phụ có thể xảy ra đối với trẻ sơ sinh khi cần phải dùng thuốc trong giai đoạn này.
1. Những vấn đề về khuyến cáo dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú
Sữa mẹ từ lâu đã được chấp nhận rộng rãi là tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Những lợi ích sữa mẹ là rất quý giá trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Ngoài ra, cho trẻ bú sữa mẹ còn có những lợi ích cho người mẹ, như làm tăng sự liên kết và thư giãn, có thể tiết kiệm chi phí và cung cấp các lợi ích sức khỏe khác, bao gồm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng. Theo đó, hầu hết các chuyên gia khuyến nghị cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng và kéo dài đến 12 tháng trong khi kết hợp với ăn dặm.
Tuy nhiên, trong thời gian cho con bú, không ít bà mẹ gặp phải các vấn đề sức khỏe cần dùng thuốc, bao gồm đó là từng đợt ngắn hạn như đối với chứng đau lưng hoặc sổ mũi. Điều này có thể đặt ra câu hỏi về sự an toàn của những thuốc dùng được cho phụ nữ cho con bú.
Thực tế, mặc dù nhiều loại thuốc an toàn để sử dụng khi đang cho con bú, hầu hết sẽ đi vào sữa ở một mức độ nào đó, đôi khi còn có thể ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ. Để an toàn, hãy kiểm tra với bác sĩ nhi khoa trước khi dùng bất kỳ loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng hoặc vitamin cũng như các thuốc dành cho phụ nữ sau sinh nói chung.
2. Các đặc điểm của thuốc cho phụ nữ cho con bú
Điều quan trọng là phải biết cách thuốc chuyển vào sữa mẹ và những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến quá trình này.
- Nồng độ của thuốc trong huyết tương của mẹ: nếu càng cao thì thuốc sẽ càng dễ khuếch tán thụ động vào sữa.
- Liên kết với protein huyết tương của người mẹ: Các phân tử thuốc càng liên kết với protein huyết tương của người mẹ thì sẽ khó vào sữa hơn các thuốc không liên kết nên tự do khuếch tán dễ dàng.
- Kích thước của phân tử thuốc: Hầu hết các phân tử thuốc, bao gồm rượu, nicotine và caffeine, đủ nhỏ để đi vào sữa.
- Mức độ ion hóa: Sữa thường có tính axit cao hơn một chút (pH 7,2) so với huyết tương của mẹ (pH 7,4), do đó sẽ thu hút các bazơ hữu cơ yếu như oxycodone và codeine. Ngược lại, các axit hữu cơ yếu như penicilin có xu hướng bị ion hóa và giữ trong huyết tương của mẹ.
- Độ hòa tan của chất béo: Ngoài sự khuếch tán thụ động vào pha nước, các thuốc hòa tan trong lipid sẽ dễ bài tiết bằng cách hòa tan trong các giọt chất béo của sữa.
3. Hướng dẫn cách dùng thuốc dành cho phụ nữ sau sinh
Nếu cần phải sử dụng thuốc cho phụ nữ cho con bú, hãy kê đơn với liều thấp nhất có hiệu quả. Nhiều tác dụng của thuốc đối với trẻ bú mẹ đơn giản là chưa được biết đến. Do đó, chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết, với liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.
Tạm thời ngừng cho con bú (và vắt sữa) đối với các loại thuốc có khả năng gây độc hại cho trẻ sơ sinh, chẳng hạn như chất độc tế bào và thuốc phóng xạ trong điều trị ung thư. Khả năng phục hồi của một loại thuốc sẽ được xác định bởi thời gian bán hủy của từng loại nên bà mẹ có thể không tiếp tục cho con bú nếu cần điều trị kéo dài với một loại thuốc có độc tính cao.
Lựa chọn cách dùng thuốc tại chỗ để giảm thiểu phơi nhiễm toàn thân ở người mẹ. Ví dụ, chọn thuốc nhuận tràng chất xơ sẽ có tính hấp thu kém hơn thuốc nhuận tràng kích thích.
Chọn thuốc có thời gian bán hủy tương đối ngắn, chẳng hạn như sertraline thay vì fluoxetine, để giảm thiểu tiếp xúc với thuốc trong sữa.
Khuyên bà mẹ nên cho trẻ bú sữa trước khi uống thuốc để nồng độ thuốc trong sữa ở mức thấp nhất; đối với nhiều phụ nữ, đây là lần cho trẻ bú cuối cùng vào đêm trước khi trẻ đi ngủ. Tuy nhiên, lời khuyên này không áp dụng cho các loại thuốc có thời gian bán hủy dài. Do đó, thường xuyên đánh giá lại chỉ định sử dụng các loại thuốc này, đặc biệt là trong giai đoạn sơ sinh.
Theo dõi em bé trong thời gian người mẹ dùng thuốc để biết các tác dụng phụ của thuốc và xử trí kịp thời.
Cần có các biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi sử dụng thuốc dành cho phụ nữ sau sinh ở trẻ sinh non (thiếu tháng), do kích thước và hệ thống cơ quan của trẻ kém phát triển hơn trẻ sinh đủ tháng.
Nếu cần sử dụng nhiều hơn một loại thuốc hoặc một loại thuốc kết hợp, hãy làm theo các khuyến nghị cho con bú đối với loại thuốc có vấn đề nhất.
4. Đánh giá an toàn của một số loại thuốc thường dùng
41. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen, naproxen và codeine được xem là thuốc dành cho phụ nữ sau sinh một cách “an toàn” do lượng truyền vào sữa mẹ thấp và ít gặp vấn đề khi sử dụng rộng rãi.
Mặt khác, dù aspirin đi vào sữa mẹ thấp nhưng tốt nhất là nên tránh do nguy cơ hội chứng Reye ở trẻ. Dữ liệu về tramadol hạn chế nên sẽ tốt hơn nếu sử dụng các thuốc đã biết rõ như codeine và paracetamol. Morphine thường được xem là an toàn vì ít chuyển vào sữa và chuyển hóa lần đầu cao.
4.2 Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh, bao gồm các nhóm thường dùng phổ biến, như penicillin, cephalosporin và macrolid, thường được chỉ định cho phụ nữ đang nuôi con bú mặc dù có những rủi ro về lý thuyết làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ sơ sinh và gây mẫn cảm với dị ứng.
Tính an toàn của metronidazole còn gây tranh cãi do khả năng bài tiết vào sữa mẹ cao. Các kỹ thuật có thể được xem xét để giảm thiểu phơi nhiễm cho trẻ sơ sinh bao gồm chọn kháng sinh thay thế như amoxycillin / axit clavulanic (như Augmentin nếu thích hợp), cho bú mẹ và bú bình xen kẽ, hoặc ngừng cho con bú trong suốt quá trình điều trị. Nếu phải ngừng cho con bú sữa mẹ, nên khuyến khích người mẹ tiếp tục vắt sữa mẹ trong thời gian điều trị kháng sinh nhưng nên vắt bỏ sữa. Hành động này giúp quá trình tiết sữa mẹ vẫn được duy trì và bà mẹ có thể tiếp tục cho con bú sau khi ngưng dùng thuốc.
Khả năng bài tiết của tetracycline vào sữa mẹ là thấp nhưng nhóm kháng sinh này thường được tránh do có thể có nguy cơ ức chế sự phát triển của xương hoặc gây ố màu răng của trẻ nhỏ. Hơn nữa, cũng nên tránh dùng fluoroquinolon khi cho con bú vì đã được báo cáo là có thể gây ra bệnh khớp xương.
4.3 Thuốc chống đông máu
Heparin, dù thuộc loại không phân đoạn hay loại có trọng lượng phân tử thấp, vẫn được chỉ định cho phụ nữ cho con bú vì có trọng lượng phân tử lớn và khó bài tiết vào sữa mẹ ở một mức độ đáng kể.
Warfarin cũng được coi là thuốc dành cho phụ nữ sau sinh với mục tiêu kháng đông vì có thời gian chuyển hóa thấp và các tác dụng phụ cũng như thay đổi thời gian prothrombin chưa được phát hiện ở trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, cần thận trọng khi theo dõi thời gian prothrombin của trẻ sơ sinh trong quá trình điều trị.
4.4 Thuốc chống co giật
Carbamazepine, phenytoin và natri valproate có thể dùng tiếp tục trong giai đoạn cho con bú vì chưa ghi nhận được nguy cơ về suy nhược hệ thần kinh trung ương ở trẻ nhỏ.
Không có đủ dữ liệu được công bố để nhận xét về sự an toàn của gabapentin trong việc cho con bú.
4.5 Thuốc chống trầm cảm
Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) bài tiết vào sữa mẹ ở các mức độ khác nhau. Paroxetine được báo cáo là có khả năng chuyển vào sữa mẹ thấp nhất trong khi fluoxetine ở mức độ lớn hơn và chất chuyển hóa có hoạt tính của nó, norfluoxetine có thời gian bán hủy kéo dài từ một đến hai tuần và có thể tích lũy ở trẻ bú mẹ. Dựa trên những dữ liệu này, paroxetine là SSRI được ưu tiên cho phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ.
Bên cạnh đó, hầu hết các thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể dùng cho phụ nữ con bú do lượng truyền vào sữa mẹ thấp.
4.6 Thuốc kháng histamine
Các thuốc như promethazine, dexchlorpheniramine và diphenhydramine được coi là các thuốc kháng histamin an toàn khi sử dụng rộng rãi, mặc dù cần thận trọng khi theo dõi bằng chứng về nguy cơ ảnh hưởng thần kinh trung ương ở trẻ sơ sinh.
4.7 Các thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa
Thuốc có thể ảnh hưởng đến bài tiết hoặc thành phần của sữa thông qua các yếu tố như sự phát triển của tuyến vú, sự tiết sữa và sự điều hòa hormone tiết sữa. Prolactin cần thiết cho sự tiết sữa của con người và có thể bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng thuốc. Các chất chủ vận dopamine như cabergoline làm giảm prolactin và đôi khi được sử dụng để điều trị để ngừng tiết sữa.
Ngược lại, các thuốc đối kháng dopamine như metoclopramide và hầu hết các thuốc chống loạn thần có thể làm tăng prolactin nên làm tăng sản xuất sữa. Các loại thuốc khác có liên quan đến việc gây tăng prolactin máu bao gồm SSRI và opioid.
Tóm lại, hầu hết các loại thuốc thường dùng là tương đối an toàn cho trẻ bú sữa mẹ. Hơn nữa, thuốc dành cho phụ nữ sau sinh thường chỉ dùng thỉnh thoảng và chỉ định thận trọng. Tuy nhiên, dù bất kỳ chỉ định nào, thuốc dành cho phụ nữ sau sinh cần sử dụng cẩn thận, theo dõi sát sức khỏe trẻ trong thời gian dùng thuốc để phát hiện sớm bất thường và kịp thời xử lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.