Bạn cần có kế hoạch ăn uống phù hợp với thận khi mắc bệnh thận mãn tính (CKD). Thông tin trong bài viết này là những khuyến cáo dinh dưỡng dành cho bệnh nhân thận mãn tính. Thông tin này nên được sử dụng như một hướng dẫn cơ bản. Mọi người đều có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau nên nói chuyện với một chuyên gia dinh dưỡng về thận để tìm một kế hoạch ăn uống phù hợp với bạn.
1. Bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn tính (CKD) bao gồm một số tình trạng làm tổn thương thận và giảm khả năng thực hiện những chức năng bình thường của thận. Chức năng chính của thận là lọc máu, loại bỏ chất lỏng dư thừa và các hóa chất không mong muốn vào nước tiểu. Khi bệnh thận nặng hơn, những chất thải này có thể tích tụ trong máu và góp phần gây ra nhiều biến chứng như huyết áp cao, thiếu máu và yếu xương. Ngoài ra, bệnh thận làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim, với nguy cơ tử vong do tim cao gấp 2 - 3 lần so với những người không mắc bệnh thận mạn.
Các bác sĩ cho biết thêm : Khoảng 1 phần 3 người Úc có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính và 1/10 người ở cả Úc và New Zealand có các chỉ số về CKD trong xét nghiệm máu và nước tiểu. Bởi vì 90% chức năng của thận có thể bị mất trước khi các triệu chứng biểu hiện, chỉ 10% những người bị bệnh thận mạn tính nhận biết được họ bị tình trạng này. Điều này có nghĩa là hơn 1,5 triệu người Úc và 400.000 người New Zealand không biết rằng họ có khả năng mắc bệnh thận mạn tính. Phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị đặc biệt quan trọng đối với bệnh thận vì tổn thương thận mạn tính thường là vĩnh viễn, đòi hỏi phải sử dụng phương pháp lọc máu hoặc cấy ghép khi chúng đã hoàn toàn hư hỏng.
2. Dinh dưỡng cho người bệnh thận mạn tính
2.1. Tại sao một kế hoạch ăn uống cụ thể lại quan trọng với bệnh nhân thận mạn tính?
Những gì chúng ta ăn và uống ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể. Giữ cân nặng hợp lý và ăn một chế độ ăn uống cân bằng, ít muối và chất béo có thể giúp chúng ta kiểm soát huyết áp. Đối với những người bị tiểu đường, họ có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của mình bằng cách lựa chọn cẩn thận những gì mình ăn và uống. Kiểm soát huyết áp cao và bệnh tiểu đường có thể giúp ngăn ngừa bệnh thận trở nên nghiêm trọng hơn.
Một chế độ ăn uống thân thiện với thận còn có thể giúp bảo vệ thận của bạn khỏi bị tổn thương thêm. Chế độ ăn uống thân thiện với thận hạn chế một số loại thực phẩm để ngăn chặn các khoáng chất trong những thực phẩm đó tích tụ trong cơ thể của bạn.
2.2. Những điều cơ bản về chế độ ăn uống lành mạnh cho bệnh thận mạn tính
Với tất cả các kế hoạch bữa ăn, bao gồm cả chế độ ăn uống có lợi cho thận, người bệnh cần theo dõi lượng chất dinh dưỡng nhất định họ nạp vào, chẳng hạn như:
- Lượng calo
- Chất đạm
- Chất béo
- Carbohydrate
Để đảm bảo nhận được đủ lượng chất dinh dưỡng này, người bệnh cần ăn và uống đúng khẩu phần. Tất cả thông tin họ cần để theo dõi lượng tiêu thụ của mình đều có trên nhãn "Thông tin dinh dưỡng". Sử dụng phần thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm để tìm hiểu thêm về những gì có trong thực phẩm bạn ăn. Sự thật về dinh dưỡng sẽ cho bạn biết có bao nhiêu protein, carbohydrate, chất béo và natri trong mỗi khẩu phần thực phẩm của bạn. Điều này có thể giúp cho bạn chọn thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng mà bạn cần và ít chất dinh dưỡng bạn nên hạn chế. Khi bạn xem xét cụ thể về dinh dưỡng, có một số lĩnh vực chính sẽ cung cấp cho bạn thông tin bạn cần:
Lượng calo: Cơ thể chúng ta nhận được năng lượng từ lượng calo chúng ta ăn và uống. Calo đến từ protein, carbohydrate và chất béo trong chế độ ăn uống. Một người cần bao nhiêu calo tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, kích thước cơ thể và mức độ hoạt động của họ. Bạn cũng có thể cần phải điều chỉnh lượng calo nạp vào dựa trên mục tiêu cân nặng của mình. Một số người sẽ cần phải hạn chế lượng calo họ ăn. Những người khác có thể cần có nhiều calo hơn. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn tìm ra lượng calo mà bạn nên nạp vào cơ thể mỗi ngày. Làm việc với chuyên gia dinh dưỡng của bạn để lập nên kế hoạch bữa ăn giúp bạn có đủ lượng calo phù hợp và giữ liên lạc để được hỗ trợ.
Chất đạm : Protein là một trong những thành phần cấu tạo nên cơ thể chúng ta. Cơ thể cần protein để phát triển, chữa lành những tổn thương và duy trì sức khỏe. Thiếu protein có thể sẽ khiến da, tóc và móng tay bị yếu. Nhưng nếu có quá nhiều protein cũng có thể là một vấn đề. Để giữ sức khỏe và giúp chúng ta cảm thấy tốt nhất, tốt nhất là nên cần điều chỉnh lượng protein nạp vào. Lượng protein chúng ta nên có tùy thuộc vào kích thước cơ thể bạn, mức độ hoạt động và các mối quan tâm về sức khỏe của mình. Một số bác sĩ khuyến cáo những người bị bệnh thận nên hạn chế chất đạm hoặc thay đổi nguồn chất đạm. Điều này là do chế độ ăn uống quá nhiều protein có thể khiến thận của bạn làm việc nhiều hơn và có thể gây ra nhiều tổn thương hơn. Hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng protein bạn nên bổ sung và những nguồn protein tốt nhất dành cho bạn. Sử dụng những thông tin dưới đây để biết thêm thực phẩm nào có hàm lượng protein thấp hoặc cao. Hãy nhớ rằng chỉ vì thực phẩm ít protein, nên ăn không giới hạn sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Thực phẩm ít protein:
- Bánh mỳ
- Trái cây
- Rau
- Mì ống và cơm
Thực phẩm giàu protein:
Carbohydrate: Carbohydrate (“carbs”) là loại năng lượng dễ sử dụng nhất cho cơ thể chúng ta. Các nguồn cung cấp carbohydrate lành mạnh gồm có trái cây và rau quả. Các nguồn carbohydrate không lành mạnh gồm đường, mật ong, kẹo cứng, nước ngọt và đồ uống có đường khác. Một số carbohydrate có chứa nhiều kali và phốt pho, bạn có thể cần hạn chế chúng tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận của mình. Bạn cũng có thể cần phải theo dõi cẩn thận lượng carbohydrate nếu bạn mắc bệnh tiểu đường. Chuyên gia dinh dưỡng của bạn có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về các loại carbohydrate trong kế hoạch bữa ăn của bạn và cách chúng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn.
Chất béo: Chất béo cũng đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể của mỗi chúng ta. Chất béo cung cấp cho chúng ta năng lượng và giúp cơ thể có thể tổng hợp một số vitamin trong thức ăn của mình. Nhưng quá nhiều chất béo có thể sẽ dẫn đến tăng cân và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Cố gắng hạn chế chất béo trong bữa ăn và chọn chất béo lành mạnh hơn khi chúng ta có thể.
Chất béo lành mạnh hơn hoặc chất béo “tốt” còn được gọi là chất béo không bão hòa. Ví dụ về chất béo không bão hòa gồm có:
- Dầu ô liu
- Dầu lạc
- Dầu ngô
Chất béo không bão hòa có thể giúp bạn giảm cholesterol. Nếu bạn cần tăng cân, bạn hãy cố gắng ăn nhiều chất béo không bão hòa. Nếu bạn cần giảm cân, hãy hạn chế chất béo không bão hòa trong bữa ăn của mình. Như mọi khi, điều độ là chìa khóa. Quá nhiều chất béo “tốt” cũng có thể sẽ gây ra vấn đề sức khỏe.
Chất béo bão hòa, còn được gọi là chất béo “xấu”, có thể làm tăng mức cholesterol và tăng nguy cơ mắc bệnh tim của bạn. Ví dụ về chất béo bão hòa gồm:
- Bơ
- Mỡ lợn
- Các loại thịt
Hạn chế những thứ này trong kế hoạch bữa ăn của mình. Thay vào đó, hãy nên chọn chất béo không bão hòa, lành mạnh hơn. Cắt bớt chất béo từ thịt và loại bỏ da gà hoặc gà tây cũng có thể giúp bạn hạn chế chất béo bão hòa. Bạn cũng nên tránh chất béo chuyển hóa. Loại chất béo này làm cho hàm lượng cholesterol "xấu" (LDL cholesterol) trong cơ thể tăng lên và cholesterol "tốt" (HDL cholesterol) giảm đi. Khi điều này xảy ra, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tim hoặc gây ra những tổn thương thận.
Natri: Natri (muối) là một loại chất khoáng có trong hầu hết ở các loại thực phẩm. Quá nhiều natri có thể khiến bạn khát nước, dẫn đến sưng tấy và tăng huyết áp. Điều này có thể làm tổn thương thận nhiều hơn và khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn. Một trong những điều tốt nhất những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính có thể làm để giữ sức khỏe là hạn chế lượng natri ăn vào. Để hạn chế natri trong bữa ăn của mình, bệnh nhân có thể :
- Không thêm muối vào thức ăn của mình khi nấu hoặc ăn. Hãy thử nấu ăn với các loại thảo mộc tươi, nước cốt chanh hoặc là các loại gia vị không có muối khác.
- Chọn rau tươi hoặc đông lạnh thay vì chọn rau đóng hộp. Nếu bạn sử dụng rau đóng hộp, bạn hãy để ráo và rửa sạch để loại bỏ muối trước khi nấu hoặc ăn.
- Tránh các loại thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích và thịt ăn trưa.
- Hãy ăn trái cây tươi và rau quả thay vì ăn bánh quy giòn hoặc đồ ăn nhẹ mặn khác.
- Tránh súp đóng hộp và bữa tối đông lạnh có chứa nhiều natri. Tránh các thực phẩm ngâm chua, như ô liu và dưa chua. Hạn chế các gia vị có hàm lượng natri cao, chẳng hạn như nước tương, nước sốt BBQ và tương cà.
Điều quan trọng là hãy cẩn thận với các chất thay thế muối và thực phẩm “giảm natri”. Nhiều chất thay thế muối có chứa hàm lượng kali cao. Quá nhiều kali có thể khiến nguy hiểm nếu bạn bị bệnh thận.
Khẩu phần: Chọn thực phẩm lành mạnh là một khởi đầu tuyệt vời, nhưng ăn quá nhiều bất cứ thứ gì, ngay cả những thực phẩm lành mạnh, cũng có thể là một vấn đề. Một phần khác của chế độ ăn uống lành mạnh là kiểm soát khẩu phần để xem mình ăn bao nhiêu. Để giúp kiểm soát khẩu phần của bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính :
- Kiểm tra nhãn thông tin dinh dưỡng trên thực phẩm để biết khẩu phần và lượng chất dinh dưỡng có trong một khẩu phần. Nhiều loại thực phẩm đóng gói có nhiều hơn một khẩu phần. Nhiều loại thực phẩm tươi sống như trái cây và rau quả, không có nhãn thông tin dinh dưỡng. Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết danh sách các thông tin về dinh dưỡng đối với thực phẩm tươi sống và các mẹo về cách đo đúng khẩu phần.
- Ăn chậm và ngừng ăn khi cảm thấy không còn đói nữa. Mất khoảng 20 phút để dạ dày gửi tín hiệu thông báo cho não rằng bạn đã no. Nếu bạn ăn quá nhanh, bạn có thể ăn nhiều hơn mức cần thiết.
- Tránh ăn khi đang làm việc, chẳng hạn như xem TV hoặc lái xe. Khi bạn bị phân tâm, bạn có thể sẽ không nhận ra mình đã ăn bao nhiêu.
- Không ăn trực tiếp từ gói mà thức ăn được cho vào. Thay vào đó, hãy lấy một phần thức ăn ra và cất túi hoặc hộp đi.
- Kiểm soát tốt khẩu phần là một phần quan trọng của bất kỳ kế hoạch bữa ăn nào. Nó thậm chí còn quan trọng hơn trong kế hoạch ăn uống tốt cho thận của bạn, bởi vì bạn có thể cần phải hạn chế số lượng một số thứ bạn ăn và uống.
Bạn cần có kế hoạch ăn uống phù hợp với thận khi mắc bệnh thận mạn tính (CKD). Quan sát những gì chúng ta ăn và uống sẽ giúp thận nói riêng và cơ thể nói chung khỏe mạnh hơn. Mọi người đều khác nhau và mọi người đều có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Trao đổi với một chuyên gia dinh dưỡng về thận (một người là chuyên gia về chế độ ăn uống và dinh dưỡng cho những người bị bệnh thận) để tìm một kế hoạch ăn uống phù hợp với bản thân và tuân thủ triệt để kế hoạch đó nhằm tránh những biến chứng do bệnh thận mạn tính gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, kidneyfund.org, doctorsfornutrition.org