Đau bụng do viêm loét đại tràng và cách giảm nhẹ triệu chứng

Đau bụng do viêm loét đại tràng không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây là một dạng bệnh viêm ruột mãn tính, có thể gây ra các cơn đau dữ dội và các triệu chứng đi kèm khác như tiêu chảy, táo bón và đầy hơi. Tuy nhiên, có nhiều cách để giảm nhẹ các triệu chứng này và cải thiện sức khỏe đường ruột tốt hơn.

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Đau bụng do viêm loét đại tràng là gì?

Viêm loét đại tràng (UC) là một bệnh lý viêm ruột, có thể gây ra các cơn đau với mức độ khác nhau.

Bệnh xuất phát từ tình trạng viêm mãn tính, lâu ngày dẫn đến sự hình thành các vết loét trên niêm mạc của ống tiêu hóa. Đây là các vết loét ở lớp niêm mạc hoặc loét sâu đến thanh mạc của đại tràng, ruột già và trực tràng. Khi cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh đang bùng phát hoặc diễn biến xấu đi.

Vị trí và mức độ của viêm nhiễm thường quyết định nơi người bệnh cảm thấy đau nhiều nhất, thường là đau quặn bụng và đau từ nhẹ đến nặng ở vùng bụng và trực tràng. Cơn đau có thể kéo dài hoặc giảm bớt khi viêm thuyên giảm.

Thời gian dài thuyên giảm giữa các đợt bùng phát là phổ biến. Triệu chứng có thể giảm bớt hoặc biến mất hoàn toàn trong thời gian này.

Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy áp lực khó chịu ở bụng và co thắt khi bệnh ở giai đoạn nhẹ. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, đau bụng do viêm loét đại tràng có thể biểu hiện như cảm giác bị siết chặt hoặc áp lực quá mức, thắt chặt và có thể đi kèm với đi ngoài nhiều lần. Đau và đầy hơi cũng là những triệu chứng thường gặp làm trầm trọng thêm cảm giác khó chịu. 

Đau bụng do viêm loét đại tràng thường ở bụng dưới bên trái, kèm theo các triệu chứng khác như tiêu chảy, táo bón và đi ngoài ra máu.
Đau bụng do viêm loét đại tràng thường ở bụng dưới bên trái, kèm theo các triệu chứng khác như tiêu chảy, táo bón và đi ngoài ra máu.

Nếu bị viêm loét ở đại tràng bên trái, đau có thể cảm thấy rõ rệt ở bên trái bụng khi chạm vào. Cơn đau không được điều trị có thể gây khó khăn trong công việc, tập thể dục và hưởng thụ cuộc sống hàng ngày. Việc kiểm soát bệnh thông qua thuốc, giảm căng thẳng và ăn kiêng có thể giúp kiểm soát và giảm đau.  

Các phương pháp điều trị này cũng có thể hỗ trợ người bệnh trở lại với các hoạt động thường ngày. Bác sĩ có thể khuyên dùng kết hợp thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và các phương pháp điều trị bổ sung để quản lý hiệu quả các cơn đau bụng do viêm loét đại tràng.

2. Dấu hiệu đau bụng do đại viêm loét đại tràng

Cơn đau từ đại tràng có thể lan rộng đến nhiều khu vực của bụng, với nguyên nhân từ viêm, kích ứng, sự tắc nghẽn hoặc do giảm lưu lượng máu tới một số hoặc toàn bộ đại tràng. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đau bụng kiểu co thắt, thường giảm sau khi đi đại tiện.
  • Cảm giác đầy hơi.
  • Táo bón.
  • Tiêu chảy.

3. Điều trị bệnh bằng thuốc

3.1 Thuốc không theo toa  

Nếu đang trải qua cơn đau bụng do viêm loét đại tràng ở mức độ nhẹ, acetaminophen (Tylenol) có thể là một lựa chọn phù hợp để giảm đau. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) khác vì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh như tiêu chảy hoặc thậm chí gây ra bùng phát, cụ thể

  • Ibuprofen ( Motrin IB, Advil).
  • Aspirin (Bufferin).
  • Naproxen *Aleve, Naprosyn). 
Aspirin được sử dụng điều trị viêm loét đại tràng.
Aspirin được sử dụng điều trị viêm loét đại tràng.

3.2 Thuốc chống viêm  

Viêm là yếu tố chính gây ra các cơn đau bụng do viêm loét đại tràng. Để giảm viêm trong ruột kết, có nhiều loại thuốc có thể được sử dụng. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh lựa chọn loại phù hợp dựa trên vị trí viêm ở đại tràng và mức độ đau gặp phải.

Corticosteroid như prednisone và hydrocortisone, là một nhóm thuốc chống viêm rất hữu ích.  

Aminosalicylat là một nhóm thuốc chống viêm khác, thường được dùng để điều trị đau trong bệnh. Các thuốc trong nhóm này bao gồm:

  • Mesalamine (Asacol, Lialda, và Canasa).
  • Sulfasalazine (Azulfidine).
  • Balsalazide (Colazal, Giazo).
  • Olsalazine (Dipentum).

Thuốc chống viêm được dùng qua đường uống, dạng viên nén, viên nang hoặc qua các dạng khác như thuốc đạn và thuốc xổ, thậm chí là tiêm tĩnh mạch.

Mỗi loại thuốc này có thể có các tác dụng phụ khác nhau và người bệnh có thể cần thử nghiệm nhiều loại khác nhau trước khi tìm ra loại phù hợp nhất cho các triệu chứng của mình. Mỗi loại thuốc được bán dưới một số tên thương hiệu.

3.3 Thuốc ức chế miễn dịch

Các loại thuốc ức chế miễn dịch có thể được bác sĩ kê đơn hoặc kết hợp với thuốc chống viêm. Loại thuốc này giúp giảm đau bằng cách ngăn chặn phản ứng viêm của hệ thống miễn dịch. Có nhiều loại thuốc khác nhau trong nhóm này, bao gồm:

  • Azathioprine (Azasan và Imuran).
  • Mercaptopurine (Purixan).
  • Cyclosporine (Sandimmune).

Thuốc ức chế miễn dịch thường được chỉ định cho những bệnh nhân không phản ứng hiệu quả với các phương pháp điều trị khác và chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn hạn. Các loại thuốc này có thể gây tổn thương cho gan và tuyến tụy.

Ngoài ra, các loại thuốc này cũng có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư da. Cyclosporine có thể gây ra nhiễm trùng nguy hiểm, co giật và tổn thương thận. 

Thuốc Azathioprine được sử dụng điều trị bệnh viêm loét ở đại tràng.
Thuốc Azathioprine được sử dụng điều trị bệnh viêm loét ở đại tràng.

3.4 Thuốc ức chế sinh học

Thuốc ức chế sinh học là một dạng khác của thuốc ức chế miễn dịch. Trong đó, một nhóm thuốc quan trọng là chất ức chế yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-alpha). Những loại thuốc này thường được chỉ định cho các bệnh nhân ở mức độ trung bình đến nặng khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Thuốc ức chế sinh học hoạt động bằng cách ức chế một loại protein mà hệ miễn dịch sản xuất ra, giúp giảm đau và viêm. Infliximab (Remicade) là một ví dụ điển hình của nhóm thuốc TNF-alpha.

Một nhóm sinh học khác là các thuốc đối kháng thụ thể Integrin, chẳng hạn như vedolizumab (Entyvio), được sử dụng để điều trị bệnh ở người lớn.

Tuy nhiên, thuốc ức chế sinh học có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại nhiễm trùng nghiêm trọng, bao gồm bệnh lao và cần được theo dõi kỹ lưỡng trong quá trình điều trị.

4. Các phương pháp điều trị đau bụng do bệnh đại tràng khác

4.1 Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn không phải là nguyên nhân gây ra bệnh, nhưng một số loại thực phẩm có khả năng làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh, gây ra tình trạng chuột rút và đau bụng. Do đó, việc ghi lại nhật ký thực phẩm sẽ hỗ trợ người bệnh trong việc xác định các loại thực phẩm gây kích ứng, từ đó giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng sức khỏe.

Một số loại thực phẩm có thể khiến các triệu chứng như đau bụng do viêm loét đại tràng trở nên trầm trọng hơn. Do đó, người bệnh cần tránh bao gồm:

  • Sản phẩm từ sữa có chứa nhiều lactose như sữa.
  • Thực phẩm giàu chất béo bao gồm các món chiên hoặc nhiều dầu mỡ, thịt bò và các loại tráng miệng chứa đường, giàu chất béo.
  • Thực phẩm chế biến sẵn như bữa tối đông lạnh và cơm hộp.
  • Thực phẩm giàu chất xơ, ví dụ như các loại ngũ cốc nguyên hạt.
  • Các loại rau sinh khí như cải Brussels và bông cải xanh.
  • Thực phẩm cay, đồ uống có cồn.
  • Các đồ uống chứa caffein như cà phê, trà và cola.

Để giảm bớt áp lực lên hệ tiêu hóa, người bệnh có thể ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn. Uống đủ nước cũng rất quan trọng, với lượng khuyến nghị là ít nhất tám ly nước 8 ounce (khoảng 250ml) mỗi ngày. Điều này giúp giảm bớt sự tích tụ khí và hỗ trợ quá trình nhu động ruột diễn ra trơn tru hơn.

4.2 Điều trị đau bụng do viêm loét đại tràng thông qua việc giảm căng thẳng

Căng thẳng, từng được xem là nguyên nhân gây viêm loét ở đại tràng, hiện được coi là một yếu tố kích thích các đợt bùng phát của bệnh ở một số người. Quản lý và giảm căng thẳng có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh, như viêm và đau.

Mỗi người có thể thích ứng với các kỹ thuật giảm căng thẳng khác nhau, vì vậy người bệnh có thể nhận thấy việc đi bộ trong rừng và hít thở sâu cũng là một cách hiệu quả nhất. Các hoạt động khác như yoga, thiền chánh niệm và tập thể dục cũng được biết là có tác dụng giảm căng thẳng, đặc biệt là ở những người mắc bệnh.

4.3 Phẫu thuật

Trong những trường hợp viêm loét đại tràng nghiêm trọng, phẫu thuật có thể là giải pháp tốt nhất để loại bỏ bệnh và cơn đau. Phẫu thuật thường được sử dụng nhiều nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối u (toàn bộ ruột kết và trực tràng)

Trong quá trình phẫu thuật, phần cuối của ruột non sẽ được dùng để tạo thành một túi nhỏ và nối trực tiếp với hậu môn. ĐIều này cho phép người bệnh đi đại tiện một cách tự nhiên mà không cần đến túi hứng phân bên ngoài cơ thể.

4.4 Các biện pháp bổ sung và thay thế

Các phương pháp điều trị thay thế như châm cứu và moxibustion đang được nhiều người quan tâm do khả năng giúp giảm đau viêm loét đại tràng và điều chỉnh tình trạng viêm trong bệnh.

Châm cứu là một phương pháp truyền thống trong đông y, sử dụng các kim nhỏ để kích thích các điểm cụ thể trên cơ thể, nhằm cân bằng lưu thông năng lượng và giảm đau.

Moxibustion là một hình thức liệu pháp nhiệt, sử dụng các nguyên liệu thực vật khô được đốt trong một ống để làm ấm da, thường là những điểm châm cứu.

Một số nghiên cứu cho thấy châm cứu và moxibustion có thể có hiệu quả, cho dù được sử dụng đơn lẻ, kết hợp với nhau hay kết hợp với thuốc. Tuy nhiên, các nhà đánh giá nhấn mạnh rằng cần thực hiện thêm nghiên cứu để xác nhận những phương pháp này như là các liệu pháp điều trị đã được chứng minh cho triệu chứng và cơn đau do viêm loét đại tràng.

Nếu đang quan tâm đến việc thử các phương pháp điều trị này và muốn được tư vấn thêm, người bệnh có thể đặt lịch khám tại các bệnh viện trong hệ thống y tế Vinmec thông qua website. Các chuyên gia y tế tại đây có thể cung cấp thông tin chi tiết hơn về các lựa chọn điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể.

Nếu quý khách cần tư vấn hoặc khám bệnh tại các bệnh viện Vinmec trên toàn quốc, xin vui lòng đặt lịch hẹn qua trang web (vinmec.com) để được hỗ trợ. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Tài liệu tham khảo:

  • Docherty MJ, et al. (2011). Managing pain in inflammatory bowel disease. ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3264972/
  • Ji J, et al. (2016). Review of the clinical studies of the treatment of ulcerative colitis using acupuncture and moxibustion. DOI: 10.1155/2016/9248589
  • Kvasnovsky CL, et al. (2015) Nonsteroidal anti-inflammatory drugs and exacerbations of inflammatory bowel disease. DOI: 10.3109/00365521.2014.966753
  • Mayo Clinic Staff. (2018). Ulcerative colitis. mayoclinic.org/diseases-conditions/ulcerative-colitis/basics/alternative-medicine/con-20043763
  • Mindfulness may be helpful for people with ulcerative colitis. (2014). nccih.nih.gov/research/results/spotlight/041114
  • Narula N, et al. (2008). Exercise and inflammatory bowel disease. ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2660805/
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe