Xét nghiệm HbA1c cùng với định lượng Glucose máu là những xét nghiệm quan trọng được sử dụng trong việc chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường. Hiện nay, có nhiều bệnh nhân thắc mắc rằng việc xét nghiệm HbA1c có cần nhịn ăn giống như xét nghiệm định lượng Glucose máu hay không, nội dung dưới đây sẽ giải đáp câu hỏi này.
1. Xét nghiệm HbA1c là gì ?
Hemoglobin (Hb) là một trong những thành phần quan trọng của tế bào hồng cầu, chúng có vai trò vận chuyển oxy tuần hoàn. Về mặt sinh lý, luôn luôn có sự gắn kết của Glucose (đường) trong máu với Hemoglobin (Hb) của hồng cầu.
HbA1 là chất chiếm phần lớn lượng Hemoglobin trong cơ thể người, trong đó HbA1c (A1c, Glycohemoglobin) chính là đại diện cho sự gắn kết giữa Glucose với với Hemoglobin (Hb) hồng cầu nói ở trên. Khi Glucose và Hemoglobin liên kết với nhau, một lớp Glucose sẽ phủ xung quanh Hemoglobin. Lớp chất bao bọc này dày hơn khi lượng Glucose trong máu tăng lên. Những bệnh nhân mắc đái tháo đường hoặc các tình trạng khác làm tăng đường máu sẽ có lượng Glucose gắn với Hemoglobin nhiều hơn so với người bình thường.
Xét nghiệm HbA1c (A1c, Glycohemoglobin) hay định lượng Glycohemoglobin là một thủ thuật xét nghiệm máu dùng để đánh giá lượng Glucose gắn với Hemoglobin ở trong các tế bào hồng cầu. HbA1c cũng tồn tại suốt trong thời gian sống của hồng cầu là 120 ngày. Vì vậy, xét nghiệm HbA1c cho biết mức đường máu trung bình của trong 2 - 3 tháng vừa qua.
2. Chỉ định xét nghiệm HbA1c
Xét nghiệm HbA1c thường được bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân có các biểu hiện sau:
- Khát nước hay thường xuyên uống nhiều nước.
- Đi tiểu nhiều.
- Ăn nhiều, luôn có cảm giác thèm ăn.
- Mệt mỏi
- Sút cân, gầy đi nhiều
- Mắc các bệnh nhiễm trùng điều trị lâu khỏi
Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ chỉ định làm xét nghiệm HbA1c cho những người lớn thừa cân, béo phì và đi kèm với các yếu tố nguy cơ sau:
- Hoạt động thể lực kém.
- Tiền sử trong gia đình có người bị đái tháo đường.
- Người thuộc chủng tộc hay dân tộc có nguy cơ cao bị đái tháo đường.
- Người mắc bệnh tăng huyết áp.
- Có các bất thường về chuyển hóa Lipid.
- Phụ nữ mang thai, người mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
- Tiền sử bệnh lý tim mạch
Ngoài ra, trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, HbA1c cũng được chỉ định để theo dõi sự kiểm soát đường máu, giúp bác sĩ đánh giá được đường máu của bệnh nhân có kiểm soát tốt hay không trong khoảng thời gian 2 - 3 tháng điều trị vừa qua. HbA1c còn giúp tiên lượng sự hình thành hay tiến triển của các biến chứng về vi mạch máu do đái tháo đường.
3. Những lưu ý trước khi xét nghiệm HbA1c
Xét nghiệm HbA1c cùng với định lượng Glucose máu là những xét nghiệm chính trong việc phát hiện bệnh lý đái tháo đường. Với một số bệnh nhân đã từng làm xét nghiệm định lượng Glucose máu và cả những người chưa từng xét nghiệm, khi được chỉ định thực hiện làm HbA1c, họ có cùng chung một thắc mắc rằng liệu trước khi xét nghiệm HbA1c có cần nhịn ăn không. Dưới đây là một số điều bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi thực hiện xét nghiệm này:
- Trước khi thực hiện xét nghiệm HbA1c bệnh nhân không cần phải nhịn ăn uống. Bởi vì kết quả của xét nghiệm HbA1c không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến thức ăn, thức uống, chế độ luyện tập thể dục hay các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng (trừ Corticosteroid). Vì vậy, xét nghiệm HbA1c có thể được chỉ định thực hiện vào bất cứ thời gian nào trong ngày, thậm chí là ngay sau bữa ăn. Bệnh nhân cũng có thể không cần phải ngừng sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường trước khi làm xét nghiệm HbA1c.
- Tuy nhiên, trong trường hợp bác sĩ chỉ định thực hiện cả hai xét nghiệm là HbA1c và định lượng Glucose máu vào cùng một thời điểm (thường là ở những bệnh nhân ngại lấy máu nhiều lần), bệnh nhân cần phải nhịn ăn trước thời điểm lấy máu xét nghiệm ít nhất 8 giờ. Việc nhịn ăn chủ yếu liên quan đến kết quả xét nghiệm Glucose máu, chứ không hề ảnh hưởng đến xét nghiệm HbA1c.
- Ngày đi lấy máu xét nghiệm, bệnh nhân nên mặc áo quần thoải mái, là mặc áo tay ngắn để nhân viên y tế có thể dễ dàng lấy máu.
Ngoài ra, trước khi xét nghiệm HbA1c, bệnh nhân cần lưu ý một số thông tin sau:
- Các kết quả đánh giá chỉ số HbA1c sẽ không phản ánh được sự tăng hay giảm của đường máu tạm thời do ăn uống hay do dùng thuốc, đồng thời cũng không đánh giá chính xác khả năng kiểm soát đường máu trong vòng 3 – 4 tuần trước đó.
- Bệnh nhân mắc một số bệnh lý như hồng cầu hình liềm, thiếu máu tan huyết, thiếu sắt, tiền sử mất nhiều máu, được truyền máu...có nguy cơ làm sai lệch kết quả xét nghiệm HbA1c. Ngoài ra, một số bệnh lý khác như u tủy thượng thận, hội chứng Cushing... hay những bệnh nhân đang điều trị bằng Corticoid cũng làm tăng mức HbA1c. Vì thế, hãy cung cấp những thông tin liên quan này cho bác sĩ nếu chuẩn bị làm xét nghiệm HbA1c.
4. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm HbA1c
Việc chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường cần phải được tiến hành lặp lại với các kiểm tra về nồng độ Glucose máu hoặc tiến hành một xét nghiệm khác. Vì thế, chỉ số HbA1c bình thường đơn thuần chưa thể khẳng định là bệnh nhân không mắc đái tháo đường. Dưới đây là các kết quả có thể gặp khi xét nghiệm HbA1c.
Tình trạng | Chỉ số HbA1c | |
Bình thường | < 5,7% | |
Nguy cơ mắc đái tháo đường | 5,7 – 6,4% | |
Đái tháo đường | > 6,5% |
Khoảng giá trị bình thường của chỉ số HbA1c có thể không được thống nhất tùy thuộc vào cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nội tiết nếu có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến kết quả xét nghiệm này.
Những người bình thường nên kiểm soát chỉ số HbA1c ở dưới mức 5,7%. Ngược lại, những bệnh nhân bị đái tháo đường type I hoặc type II hay đái tháo đường thai kỳ nên kiểm soát chỉ số HbA1c mục tiêu đạt thấp hơn mức 7%.
Xét nghiệm chỉ số HbA1c là một trong những xét nghiệm quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường. Không giống như khi thực hiện định lượng Glucose máu, xét nghiệm HbA1c không đòi hỏi bệnh nhân phải nhịn ăn uống trước khi được lấy máu. Hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa nội tiết trước và sau khi thực hiện xét nghiệm HbA1c để được tư vấn đầy đủ và cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến xét nghiệm này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.