Khi nào nên dùng thuốc Amitriptylin chữa mất ngủ?

Mất ngủ là 1 rối loạn phổ biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị mất ngủ là quá trình cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt và cuối cùng là dùng thuốc. Vậy khi nào nên dùng thuốc Amitriptylin để chữa mất ngủ?

1. Amitriptyline là thuốc gì?

  • Amitriptyline là thuốc chống trầm cảm 3 vòng, giảm lo âu và tác dụng an thần. Thuốc ức chế các chất dẫn truyền thần kinh (norepinephrine, serotonin), gây kháng cholinergic ở ngoại vi, làm an thần kinh gây ngủ. Ngoài ra, Amitriptylin còn có khả năng kháng histamin nên tăng cường khả năng ức chế thần kinh trung ương, giúp ngủ ngon giấc hơn và không gây nghiện.
  • Thuốc phát huy tác dụng an thần gây ngủ sau vài giờ sử dụng. Tác dụng chống trầm cảm xuất hiện muộn hơn sau vài tuần. Dùng thuốc Amitriptylin điều trị mất ngủ chỉ nên sử dụng trong thời ngắn.
  • Amitriptylin hấp thu hoàn toàn sau 5-10 phút tiêm bắp và sau khi 30-60 phút uống. Chu kỳ bán thải kéo dài từ 9 đến 36 giờ, vì vậy khi dùng thuốc vào ban đêm buổi sáng bệnh nhân sẽ có cảm giác mệt mỏi, kém tỉnh táo do tính năng ức chế thần kinh trung ương của thuốc. Trong điều trị rối loạn giấc ngủ, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng 1 loại thuốc vào ban ngày (sulpirid) để giải tỏa ức chế, làm tỉnh táo và giảm cảm giác mệt mỏi.
  • Với liều điều trị thông thường, sau khi vào hệ tuần hoàn thuốc chuyển hóa bằng cách khử N – metyl, hydroxyl hóa và đào thải hoàn toàn sau 24 giờ dưới dạng chất chuyển hóa liên hợp glucuronid hoặc sulfat. Phần còn lại không được chuyển hóa sẽ được thải trừ qua nước tiểu.

2. Khi nào nên sử dụng thuốc Amitriptylin điều trị mất ngủ?

2.1. Bệnh mất ngủ là gì?

  • Mất ngủ tiên phát được định nghĩa là tính trạng ngủ ít hơn bình thường của chính bản thân người bệnh trên 2 giờ mỗi ngày kéo dài ít nhất 3 tháng mà không liên quan đến các bệnh lý tổn thương thực thể hoặc bệnh lý tâm thần kinh khác.
  • Triệu chứng biểu hiện đặc trưng của mất ngủ gồm: Khó vào giấc ngủ và dễ thức giấc. Bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc, trằn trọc không thể đi vào giấc ngủ, mất ngủ giữa giấc, ngủ được một thời gian ngắn thì thức giấc và vài giờ sau mới có thể ngủ lại được, mất ngủ cuối giấc hoặc ngủ đến giữa đêm thì không thể ngủ lại được.
  • Mất ngủ hoàn toàn là khi bệnh nhân không thể ngủ được trong được trong 24 giờ, có thể là hậu quả của mất ngủ đầu giấc, giữa giấc hoặc cuối giấc kéo dài.
  • Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường gặp hơn ở người nhà, người ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi của bệnh nhân mất ngủ ngày càng trẻ hơn do chế độ ăn uống, sinh hoạt, áp lực công việc và cuộc sống,...
  • Một số nguyên nhân gây mất ngủ bao gồm: Stress (nguyên nhân thường gặp nhất); sử dụng rượu bia, chất kích thích; một số loại thuốc gây hưng phấn; lệch múi giờ hoạt thói quen sinh hoạt không hợp lý; môi trường sống ô nhiễm, ồn ào; mắc một số bệnh lý mạn tính gây khó chịu (viêm dạ dày, trào ngược dạ dày, đái tháo đường và tăng huyết áp,...)

2.2. Điều trị mất ngủ bằng thuốc Amitriptylin

  • Trước một bệnh nhân mất ngủ kéo dài, trước tiên nên tìm hiểu rõ nguyên nhân gây mất ngủ để giải quyết. Thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Nếu các biện pháp trên không cải thiện và tình trạng mất ngủ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống thì cần phải điều trị bằng thuốc.
  • Các thuốc điều trị thường dùng gồm nhóm thuốc bình thần (benzodiazepine); thuốc ngủ (barbituric) và nhóm thuốc chống trầm cảm. Hiện nay, Amitriptyline (thuốc chống trầm cảm) thường được sử dụng để điều trị mất ngủ tiên phát do hiệu quả cao, không gây độc với gan, thận, cơ quan tạo máu,... và quan trọng thuốc không gây phụ thuộc và “quen liều” như các thuốc điều trị mất ngủ khác.

3. Cách sử dụng thuốc Amitriptylin trong điều trị mất ngủ

  • Điều trị mất ngủ tiên phát: 25mg Amitriptyline uống vào buổi tối; kết hợp 10mg sulpirid x 2 lần uống sáng, chiều.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, Amitriptyline là thuốc kê đơn bắt buộc bởi bác sĩ, vì vậy tùy vào tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định về liều dùng khác nhau.
  • Nên dùng Amitriptyline khoảng từ 7-8 giờ tối để có thể ngủ trong khoảng 9-10 giờ tối và thức dậy vào khoảng 5-6 giờ sáng hôm sau do chu kỳ bán hủy của thuốc dài.
  • Sau khi tạo thói quen thì giảm liều dần đến ngừng hẳn thuốc. Tuy nhiên cần tạo chỗ ngủ tốt, hạn chế ánh sáng, tiếng ồn,... tập các thói quen đi ngủ đúng giờ, tránh làm việc, sử dụng điện thoại, xem tivi, căng thẳng trước khi ngủ.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Amitriptyline:

  • Không sử dụng thuốc cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thành phần Amitriptyline hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Không dùng thuốc cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim mới, đang trong giai đoạn hồi phục.
  • Amitriptyline có thể gây tăng cảm giác ngon miệng, tăng cân vì vậy bệnh nhân thừa cân, béo phì sử dụng thuốc nên thận trọng.
  • Thuốc có tác dụng an thần, gây ngủ, gây mệt mỏi,... do đó, tài xế lái xe, người vận hành máy móc, người làm việc đòi hỏi sự tập trung tỉ mỉ nên ngừng làm việc trong thời gian điều trị.
  • Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc như động kinh không kiểm soát, bí tiểu, phì đại tuyến tiền liệt, suy giảm chức năng gan, tăng nhãn áp, bệnh lý cường giáp,... thì nên ngừng uống Amitriptyline và thông báo tình trạng này với bác sĩ.
  • Ngưng các thuốc ức chế monoamin oxydase ít nhất 14 ngày trước khi điều trị bằng Amitriptyline.
  • Thuốc có thể gia tăng tác dụng, gây mệt mỏi khi dùng đồng thời với các thuốc kháng cholinergic.
  • Amitriptyline qua được nhau thai và có thể gây an thần, bí tiểu ở trẻ sơ sinh. Vì vậy không dùng thuốc cho phụ nữ mang thai đặc biệt là ở 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Thuốc cũng được bài tiết qua sữa mẹ với lượng đáng kể, ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Xem xét ngừng cho trẻ bú hoặc ngừng điều trị ở phụ nữ đang cho con bú.

4. Tác dụng phụ của thuốc Amitriptyline

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc Amitriptyline điều trị mất ngủ gồm:

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Thuốc gây an thần quá mức, mất định hướng, mất điều tiết, chóng mặt, đau đầu và tăng tiết mồ hôi.
  • Tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân.
  • Rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, thay đổi các sóng trên điện tâm đồ, block nhĩ thất và hạ huyết áp tư thế đứng.
  • Rối loạn chức năng tiêu hóa, buồn nôn, nôn, thay đổi vị giác và khô miệng.
  • Rối loạn chức năng thị giác, mờ mắt, mắt khó điều tiết và giãn đồng tử.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Tăng huyết áp.
  • Phản ứng dị ứng gây phát ban, phù mặt, phù lưỡi.
  • Dị cảm, run bất thường, hưng cảm nhẹ, khó tập trung, lo âu.
  • Bí tiểu.
  • Ù tai, tăng nhãn áp.

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Sốt, phù, chán ăn, có thể ngất.
  • Giảm hoặc mất các dòng tế bào máu (bạch cầu, tiểu cầu).
  • Chứng vú to ở đàn ông, sưng tinh hoàn, tăng tiết sữa ở phụ nữ, giảm bài tiết ADH.
  • Tiêu chảy, liệt ruột, giảm nhu động ruột.
  • Viêm sưng tuyến mang tai.
  • Tăng mẫn cảm với ánh sáng, nổi ban xuất huyết da, nổi mày đay.
  • Tăng men gan, rối loạn chức năng gan, vàng da, vàng mắt.
  • Xuất hiện cơn động kinh, ảo giác và hoang tưởng.

5. Một số phương pháp trị mất ngủ không dùng thuốc khác

Để nâng cao hiệu quả điều trị, ngoài việc tuân thủ điều trị mất ngủ bằng thuốc Amitriptyline, cần phối hợp một số biện pháp không dùng thuốc để cải thiện tình trạng mất ngủ như:

  • Đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ, không làm việc, xem tivi hay sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ, tránh ngủ quá nhiều vào ban ngày.
  • Không dùng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia trước khi ngủ.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên, vừa sức. Thực hiện một số bài tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ hoặc sau khi thức dậy.
  • Sử dụng các loại thực phẩm giàu protein, tăng cường rau xanh, các loại vitamin, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, macca,...) hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh.
  • Một số loại trà thảo dược như trà hoa cúc cũng chứa nhiều hoạt chất giúp ngủ ngon giấc hơn, chống oxy hóa, an thần.
  • Không gian ngủ nên yên tĩnh, thoáng mát, không có ánh sáng.
  • Hạn chế các suy nghĩ tiêu cực, lo lắng thái quá, nên tạm gác công việc trước khi đi ngủ và hoàn thành vào ngày hôm sau.

Tóm lại, mất ngủ là một rối loạn thường gặp ở bất cứ độ tuổi nào, nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng của sống. Điều trị mất ngủ là một quá trình thay đổi thói quen, cải thiện chế độ làm việc, chế độ ăn uống và cuối cùng là dùng thuốc. Thuốc Amitriptyline chỉ được sử dụng để điều trị mất ngủ khi các biện pháp không dùng thuốc kém hiệu quả, điều trị thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để đề phòng các tác dụng không mong muốn cho cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe