Hỏi
Chào bác sĩ. Bác sĩ cho tôi hỏi, con tôi năm nay 10 tuổi cháu vừa phẫu thuật gãy xương đùi trái (gãy kín 1/3 T). Vậy khi nào con tôi có thể tập đi? Chế độ ăn uống, chăm sóc thế nào ạ? Mong bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn bác sĩ.
Dương Thị Dẫn (1981)
Chào bác sĩ. Bác sĩ ơi tôi bị gãy xương đầu dưới xương đùi đã phẫu thuật vậy bao lâu thì tập đi và đi lại bình thường được ạ? Mong bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn.
Câu hỏi ẩn danh
Chào bác sĩ. Gãy xương đùi bao lâu đi lại được bác sĩ? Mong bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn.
Nguyễn Thị Hải Hoà (1993)
Trả lời
Chào bạn. Trường hợp của cháu bị gãy kín 1/3 T xương đùi, hay còn gọi là gãy thân xương đùi, đã phẫu thuật thì việc tập luyện sau phẫu thuật có ý nghĩa rất quan trọng, giúp máu huyết lưu thông để vết thương mau lành và giảm đau nhức, giảm sưng hiệu quả. Việc tập luyện này bao gồm:
- Tập tập cử động khớp;
- Duy trì sức cơ;
- Tập sinh hoạt thông thường;
- Tập đi lại.
Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, cần có sự hướng dẫn, giám sát của chuyên gia Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng để đảm bảo đúng kỹ thuật, bảo vệ vùng xương gãy, tránh nguy cơ ngã.
Về cơ bản, nếu ổ gãy được kết hợp xương vững chắc, lực cơ tăng tốt thì có thể cho cháu tập đi từ tuần thứ 2 sau mổ, ban đầu tập với nạng, khung tập đi và không chống chân đau. Sau đó:
- Từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 6: Tập đi nạng hoặc khung tập đi với chân đau chịu một phần sức nặng cơ thể rồi tăng dần, từ từ đến chịu hoàn toàn sức nặng cơ thể vào tuần thứ 6.
- Từ tuần thứ 12: Có thể bỏ nạng hoàn toàn với điều kiện cơ lực chân đau phục hồi tốt và can xương liền tốt sau kiểm tra Xquang.
- Khi nào cháu không còn đau nữa và sinh hoạt không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt.
Về chế độ ăn uống, một số thực phẩm mà người bệnh gãy xương nên ăn bao gồm:
- Thực phẩm nhiều canxi như: Rau chân vịt, măng tây, củ cải xanh, cải cúc, cải xoăn, cải bắp, lá su hào, sữa không béo, củ cải, bông cải xanh, cá hộp, hạt mè, rong biển, sữa đậu nành, cần tây, rau diếp, sữa chua, hạnh nhân...
- Thực phẩm nhiều magie có trong: Thịt, kê, sữa, đậu tương, bơ, cá thu, lạc, rau ngót, chuối, cá chép, cá mú, rau mồng tơi, cải xanh, khoai lang...
- Thực phẩm nhiều kẽm: Hải sản, cá biển, ngũ cốc, trứng, khoai tây, cà rốt, bột thô, hạt hướng dương, hàu, trai, lạc, đào, bánh mì...
- Ngoài ra, khi bị gãy xương, người bệnh cũng cần được bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin B6 và vitamin B12 để tăng cường sức đề kháng, giúp duy trì sức khỏe tốt nhất và cơ thể mau chóng hồi phục các tổn thương xương.
Thực phẩm nên tránh bao gồm:
- Rượu bia, chất kích thích.
- Đồ ăn chiên xào, dầu mỡ nhiều.
- Tránh xa đồ ngọt và tuyệt đối không được uống nước đá lạnh.
- Trong vòng 24 giờ đầu sau mổ gãy xương thì người bệnh được theo dõi thường xuyên nhằm phát hiện tình trạng tai biến của gây mê, phẫu thuật. Nếu có tai biến xảy ra thì phải xử trí kịp thời và báo ngay cho bác sĩ.
- Nếu bệnh nhân bị chảy máu vết mổ thì cần ép băng cầm máu ngay và báo cho bác sĩ.
- Trường hợp vết mổ tiến triển tốt thì bệnh nhân có thể được cắt chỉ sau 7 ngày.
- Sau mổ, bệnh nhân nên kê cao chi bị tổn thương để giúp giảm bớt sự ứ máu tĩnh mạch gây sưng phù.
- Không nên dùng các loại cồn, dầu cao hay thuốc xoa bóp nào để xoa vào khớp vì như vậy có thể làm tăng nguy cơ bị xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp....
- Khám lại đầy đủ theo hẹn tái khám của bác sĩ ngoại chấn thương chỉnh hình.
Chúc con bạn nhanh lành xương và có sức khỏe tốt nhé!
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng.
Được giải đáp bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.