Gãy thân xương đùi điều trị thế nào?

Các trường hợp gãy xương đùi thường xuất phát từ những chấn thương rất mạnh dẫn đến sốc mất máu, thậm chí gây tử vong. Vì vậy, đây là một tình huống cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng, đòi hỏi phải được xử lý nhanh chóng và đúng cách để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

1. Gãy thân xương đùi là gì?

Gãy thân xương đùi là tình trạng cấu trúc toàn vẹn của xương đùi bị gián đoạn. Thân xương đùi được giới hạn từ dưới khối mấu chuyển đến trên khối lồi cầu. Nguyên nhân gãy xương đùi chủ yếu là do tác động mạnh trực tiếp hoặc gián tiếp lên vùng này.

Do xương đùi có kích thước lớn và dài, được nhiều cơ bám vào và bao bọc nên khi gãy xương đùi thường gây ra tình trạng chảy máu nghiêm trọng. Các cơ co kéo khiến xương di lệch, gây đau đớn, sốc và làm quá trình nắn chỉnh trở nên khó khăn.

Gãy xương đùi có thể phân thành nhiều loại khác nhau phụ thuộc vào mức độ tác động lực. Tình trạng gãy có khả năng là gãy kín (khi da vẫn nguyên vẹn) hoặc gãy hở (khi xương xuyên qua da). Các mảnh xương gãy có thể ở vị trí ban đầu hoặc bị di lệch.

Các dạng gãy thân xương đùi phổ biến bao gồm:

  • Gãy ngang: Xương đùi bị gãy ngang qua thân xương đùi.
  • Gãy chéo: Xương đùi gãy theo đường chéo tạo góc trên thân xương đùi
  • Gãy xoắn: Xương đùi bị gãy, đường gãy xoắn quanh thân xương đùi, tương tự như các đường sọc xoắn quanh cây kẹo, tác động tạo lực xoắn lên đùi.
  • Gãy phức tạp: Xương đùi bị gãy thành 3 đoạn, gãy thành nhiều mảnh khác nhau.
  • Gãy hở: Các mảnh xương đâm xuyên qua da (gãy hở từ trong ra) hoặc từ bên ngoài xuyên thấu vào xương (gãy hở từ bên ngoài vào). Loại gãy này thường gây tổn thương nghiêm trọng đến cơ, gân, mạch máu, thần kinh và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

2. Các biểu hiện gãy xương đùi

Người bị gãy xương đùi thường bị sốc do mất máu và đau đớn, dẫn đến khuôn mặt tái nhợt, da xanh xao, vã mồ hôi, tay chân lạnh, mạch đập nhanh và nhỏ, huyết áp giảm, hô hấp nhanh và nông.

Một số dấu hiệu tại vùng gãy xương đùi như sau:

  • Cơ năng: Bệnh nhân không thể nhấc gót chân lên khỏi mặt giường, không thể gập khớp gối và cảm thấy đau ở vùng đùi bị gãy.
  • Biến dạng chi: Bàn chân bị lệch ra ngoài; nếu gãy ở vị trí 1/3 trên thì chân gập góc ra ngoài, còn nếu gãy ở 1/3 dưới thì chân gập góc ra phía sau.
  • Sưng và bầm tím
  • Xuất hiện điểm đau chói cố định khi ấn dọc theo xương đùi.
  • Chiều dài tuyệt đối từ đỉnh mấu chuyển lớn đến khe khớp gối và chiều dài tương đối từ gai chậu trước lên đến khe khớp gối ngắn hơn so với bên không bị tổn thương.
  • Tiếng lạo xạo xương và cử động bất thường là những dấu hiệu quan trọng nhưng không nên cố gắng tìm kiếm trên lâm sàng.
  • Tràn dịch khớp gối cùng bên xảy ra do phản ứng.
Sờ dọc xương đùi có điểm đau chói cố định khi bị gãy thân xương đùi.
Sờ dọc xương đùi có điểm đau chói cố định khi bị gãy thân xương đùi.

3. Điều trị gãy xương đùi như thế nào?

Quá trình sơ cứu tình trạng gãy xương đùi ban đầu là vô cùng quan trọng trong cấp cứu ngoại khoa vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị, tiến triển bệnh và tiên lượng phục hồi của bệnh nhân sau này.

3.1 Các phương pháp sơ cứu gãy xương đùi

3.1.1 Giảm đau

Sau khi loại bỏ những tổn thương kết hợp, người bệnh có giảm đau toàn thân bằng cách sử dụng các loại thuốc như Promedol, morphin và các thuốc giảm đau không steroid như voltaren, ibuprofen, mobic...

Để giảm đau gãy xương đùi tại chỗ, người bệnh nên sử dụng Novocain 0,25% với liều 80-100 ml để gây tê vùng gốc chi. Người bệnh cần lưu ý rằng, không gây tê tại ổ gãy để tránh làm khó quá trình xác định vị trí chính xác của ổ gãy và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho vùng chỗ gãy khi gây tê.

Băng bó cầm máu sơ cứu trong gãy xương đùi.
Băng bó cầm máu sơ cứu trong gãy xương đùi.

3.1.2 Cố định gãy xương

Nguyên tắc là cố định cả khớp ở trên và dưới vị trí gãy bằng cách sử dụng các loại nẹp có sẵn như nẹp gỗ, tre, nẹp Thomas hoặc các loại nẹp được sản xuất bởi các hãng chỉnh hình.

3.1.3 Băng bó cầm máu( trong gãy hở)

  • Kẹp mạch để kiểm soát chảy máu từ mạch máu.
  • Băng ép
  • Băng nút khi vết thương xuyên.
  • Garo được chỉ định khi gãy xương đùi làm đứt động mạch chính và các phương pháp ngưng máu khác không hiệu quả.

3.1.4 Hồi sức đề phòng và chống sốc

Sau khi hồi sức và theo dõi các chỉ số như mạch, nhiệt độ và huyết áp, bệnh nhân thoát sốc trên 1 giờ sẽ được chuyển về tuyến sau. Trong quá trình vận chuyển, bệnh nhân sẽ được đặt trên ván cứng, cáng cứng để đảm bảo quá trình di chuyển êm ái và hạn chế rung xóc.  

Ngoài ra, bệnh nhân cần được phòng và chống sốc trong suốt đường đi.

3.2 Điều trị bảo tồn trong gãy xương đùi

Các trường hợp sau sẽ được chỉ định thực hiện điều trị bảo tồn:

  • Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người cao tuổi
  • Gãy xương không hoặc ít di lệch, gãy rạn, gãy không hoàn toàn.
  • Bệnh nhân có bệnh lý toàn thân không thể phẫu thuật.
  • Gãy xương khi bệnh nhân đang trong tình trạng sốc kéo dài liên tục chờ mổ.

3.3 Điều trị phẫu thuật gãy xương thân đùi

Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp gãy thân xương đùi ở người lớn. Nếu vùng da xung quanh vị trí gãy không bị rách, phẫu thuật có thể trì hoãn cho đến khi bệnh nhân ổn định.

Tuy nhiên, nếu là gãy xương hở, người bệnh cần được làm sạch vết thương và tiến hành phẫu thuật ngay lập tức để ngăn ngừa nhiễm trùng. Các phương pháp phẫu thuật có thể bao gồm sử dụng khung cố định ngoài, đóng đinh nội tủy, hoặc cố định bằng nẹp vít.

Phẫu thuật thường được áp dụng trong trường hợp gãy xương đùi ở người lớn.
Phẫu thuật thường được áp dụng trong trường hợp gãy xương đùi ở người lớn.

3.3.1 Khung cố định ngoài

Để điều trị gãy xương đùi, phương pháp này sử dụng những chiếc đinh kim loại xuyên vào đoạn xương ở trên và dưới chỗ gãy . Những đinh này sẽ được gắn vào các thanh nẹp bên ngoài da, khi đó khung sẽ cố định phần xương gãy.

Phương pháp này thường được sử dụng trong các trường hợp gãy xương hở hoặc điều trị tạm thời cho các bệnh nhân đa chấn thương không sẵn sàng cho phẫu thuật lớn như đóng đinh nội tủy hay sử dụng nẹp vít.

3.3.2 Đóng đinh nội tủy

Đóng đinh nội tủy là phương pháp thường được sử dụng nhất trong phẫu thuật điều trị gãy xương đùi. Kỹ thuật này đưa một thanh kim loại đặc biệt vào trong ống tủy của xương đùi, đi xuyên qua vết gãy để cố định xương gãy.

Thanh đinh nội tủy được đưa vào ống tủy thông qua một vết cắt nhỏ ở hông hoặc đầu gối (phẫu thuật mổ kín) và được vặn chặt vào xương ở cả hai đầu. Điều này giúp đảm bảo rằng đinh và xương được giữ ở đúng vị trí trong quá trình liền xương (đinh nội tủy xương đùi có chốt).  

Đinh nội tủy thường được làm từ inox, titan, có nhiều kích thước khác nhau để phù hợp với đa số các loại xương đùi.

3.3.3 Cố định bằng nẹp vít

Các mảnh xương sẽ được nắn chỉnh (sắp xếp) về đúng vị trí, sau đó được cố định bằng các vít đặc biệt và nẹp kim loại gắn vào bên ngoài xương. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp không thể sử dụng phương pháp đóng đinh nội tủy.

4. Điều trị phục hồi chức năng

Bệnh nhân bị gãy xương đùi sẽ trải qua tình trạng mất sức mạnh và cơ bắp tại vùng bị tổn thương. Do đó, người bệnh nên thực hiện các bài tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để giúp khôi phục sức mạnh cơ bắp trong quá trình liền xương, cải thiện vận động của khớp và độ linh hoạt của chân.

Bệnh nhân phục hồi chức năng tại bệnh viện ĐKQT Vinmec Times city.
Bệnh nhân phục hồi chức năng tại bệnh viện ĐKQT Vinmec Times city.

Quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương đùi bao gồm các nguyên tắc sau đây:

  • Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch.
  • Khôi phục phạm vi vận động của khớp háng và khớp gối.
  • Tăng cường sức mạnh cho các nhóm cơ vùng xương chậu và đùi.
  • Khôi phục dáng đi.
  • Khôi phục lại hoạt động bình thường cho bệnh nhân.

5. Biến chứng do phẫu thuật gãy xương đùi

Ngoài những nguy cơ thường gặp trong phẫu thuật như mất máu và vấn đề liên quan đến gây mê, các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật gãy xương đùi bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương mạch máu và dây thần kinh
  • Cục máu đông
  • Thuyên tắc mỡ  
  • Lệch xương hoặc không thể cố định các mảnh xương vỡ đúng vị trí
  • Chậm liền xương hoặc không liền xương
  • Kích ứng do dụng cụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe