Hiện nay, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các dị tật bẩm sinh ở chân khá cao. Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể gây hậu quả nặng nề cho tương lai của trẻ. Trong số các biện pháp can thiệp, vật lý trị liệu chân cho trẻ sơ sinh là phương pháp được ưu tiên áp dụng vì dễ thực hiện và có hiệu quả tốt.
1. Trường hợp cần vật lý trị liệu chân cho trẻ sơ sinh
Dị tật bàn chân khá thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân thường là do trong 2 tháng cuối thai kỳ, bàn chân trẻ bị chèn ép trong tử cung do thai lớn, khung chậu của mẹ bị hẹp, sinh đôi,... Các bác sĩ thường phân loại bàn chân bị dị tật để quyết định phương pháp vật lý trị liệu cho phù hợp. Đa số các dị tật này đều được điều trị khỏi bằng vật lý trị liệu.
Một số những vấn đề ở chân của trẻ sơ sinh cần can thiệp vật lý trị liệu càng sớm càng tốt là:
1.1 Trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh
Đây là tình trạng mà đầu chỏm xương đùi của 1 hoặc 2 bên không khớp chính xác với ổ khớp của xương chậu mà bị trật ra ngoài vị trí bình thường của khớp háng. Tình trạng này dễ phát hiện ở trẻ sơ sinh do chúng ta dễ dàng nhận thấy vấn đề bất thường này bằng mắt nhìn bên ngoài.
Hoặc nếu chưa rõ ràng mà có nghi ngờ thì cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Nếu phát hiện muộn hoặc không điều trị thì có thể ảnh hưởng tới việc đi lại của trẻ sau này. Hầu hết các trường hợp tuân thủ đúng và đủ về thời gian điều trị đều có thể khỏi hoàn toàn mà không cần tới can thiệp ngoại khoa. Do vậy, cần vật lý trị liệu chân cho trẻ sơ sinh từ sớm.
1.2 Trẻ bị chân vòng kiềng
Đây là tình trạng chân khi đứng thẳng thì 2 đầu gối nghiêng ra ngoài, tạo khoảng cách giữa 2 chân, trông giống hình chữ O. Chân vòng kiềng tuy không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng tới vóc dáng, tâm lý của trẻ sau này. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám để có phương án can thiệp càng sớm càng tốt.
1.3 Trẻ có bàn chân đụng gót
Đây là dị tật bàn chân ở trẻ thường gặp và dễ chữa khỏi. Biểu hiện là bàn chân gập mặt lưng quá mức, thậm chí mặt lưng bàn chân chạm vào mặt trước cẳng chân nhưng bàn chân không vẹo ngoài cũng không vẹo trong.
Để điều trị vật lý trị liệu chân cho trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ kéo giãn cơ mặt trước cẳng chân, tập mạnh cơ bụng chân. Sau đó, dùng nẹp hoặc cuộn gạc đặt ở mặt lưng bàn chân để cố định bàn chân trẻ trong tư thế gập mặt lòng bàn chân.
1.4 Trẻ có bàn chân lật ngoài
Đây là dạng bàn chân gập mặt lưng quá mức như bàn chân đụng gót kết hợp bàn chân lật ngoài. Việc điều trị là nẹp nhựa ở mặt lưng bàn chân nhằm kéo giãn nhóm cơ mặt trước cẳng chân. Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng băng keo cố định bàn chân trẻ trên đế nhựa, tập mạnh cho cơ bụng chân.
1.5 Trẻ có bàn chân vòm
Đây là trường hợp hiếm gặp, có tình trạng gập khớp sên - thuyền hoặc gót - hộp của bàn chân, phần trước bàn chân gập mặt lưng, phần sau bàn chân nhón gót (bàn chân ngựa), lòng bàn chân võng. Trên phim chụp X-quang sẽ thấy xương gót chân của trẻ thẳng đứng. Dạng bàn chân này hay gặp trong các bệnh lý thần kinh hoặc bệnh lý thần kinh - cơ.
Trẻ có bàn chân vòm sẽ được điều trị sớm bằng việc kéo giãn cơ co rút (nhóm cơ mặt trước bàn chân) và cả cơ bụng chân. Trẻ cũng được tập mạnh cơ chày sau, cơ áp ngón I, các cơ gập mặt lòng bàn chân. Sau đó, dùng băng keo cố định bàn chân vào đế nhựa đã chêm 1 gối chêm nhỏ bằng nỉ dưới lòng bàn chân ngay vị trí xương thuyền để chỉnh lại tình trạng trật khớp sên - thuyền.
Ở tuổi biết đi, trẻ được mang giày chỉnh hình để chỉnh sửa tình trạng co rút cơ và trật khớp. Trong trường hợp nặng, trẻ cần phẫu thuật và theo dõi cho tới hết thời kỳ tăng trưởng.
1.6 Trẻ có bàn chân áp
Đây là tình trạng bàn chân vẹo vào trong, phần sau bàn chân bình thường nhưng phần trước áp vẹo vào trong. Việc điều trị là nắn chỉnh bàn chân, sau đó cố định bằng băng keo dính vào đế nhựa hay bằng nẹp Dennis-Brown.
1.7 Trẻ có bàn chân vẹo trong
Đây là tình trạng bàn chân có thể được chữa khỏi bằng vật lý trị liệu một cách đơn giản bằng cách nắn chỉnh bàn chân về tư thế đúng, sau đó cố định bằng nẹp Dennis-Brown, băng dán với đế nhựa hoặc nẹp nhựa.
1.8 Trẻ có chân khoèo
Trẻ sơ sinh bị khoèo chân là dạng dị tật bàn chân nặng, phức tạp. Bàn chân có thể áp, quay ngửa, bàn chân ngựa hoặc gót vẹo vào trong.
Vật lý trị liệu chân khoèo thường là nắn chỉnh bàn chân về tư thế đúng, kéo giãn gân gót, cơ chày trước, tập mạnh cơ mác. Sau đó, cố định bàn chân bằng nẹp Dennis-Brown, băng dán với đế nhựa hoặc nẹp nhựa tùy theo tình trạng nặng/nhẹ của bàn chân. Một số trường hợp trẻ cần được phẫu thuật để kéo giãn cơ bị co rút.
2. Lưu ý khi tập vật lý trị liệu chân cho trẻ sơ sinh
Việc điều trị các vấn đề ở chân cho trẻ sơ sinh ngoài sự phối hợp của các chuyên khoa khác nhau thì còn cần sự hợp tác của trẻ, gia đình kiên trì cho bé tập luyện hằng ngày. Thông thường, ở giai đoạn đầu của quá trình tập luyện, nhiều người sẽ nản vì chưa thấy hiệu quả, mất đi quyết tâm ban đầu. Tuy nhiên, khi đã thấy sự tiến triển, trẻ dần tiến bộ thì cha mẹ sẽ giảm được gánh nặng về tâm lý.
Các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ sơ sinh đều rất đơn giản, dễ tập. Vì vậy, cha mẹ có thể cho trẻ tập ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.
Các bài tập vật lý trị liệu chân cho trẻ sơ sinh tuy đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với những bé gặp vấn đề dị tật bẩm sinh ở chân. Vì vậy, ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa bé đi khám để can thiệp kịp thời, tăng cơ hội phục hồi như bình thường cho bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.