Khi nào cần khám thóp trẻ sơ sinh?

Xương sọ của trẻ sơ sinh không được hợp nhất ngay từ đầu. Thay vào đó, có những khoảng trống giữa các xương để phù hợp với cách em bé di chuyển ra khỏi khung xương chậu của người mẹ. Các đường khớp trên hộp sọ cho biết vị trí của những điểm mềm này được gọi là thóp. Những khoảng trống này cho phép xương chồng lên nhau khi em bé di chuyển trong quá trình chuyển dạ. Do đó, sau khi trẻ chào đời, khám thóp trẻ sơ sinh an toàn cũng là một phần trong thăm khám toàn diện. Vậy khi nào cần khám thóp trẻ sơ sinh?

1. Thóp trẻ sơ sinh là gì?

Thóp trẻ sơ sinh là một khe hở trên thành hộp sọ của trẻ, nơi các xương chưa phát triển cùng nhau. Mặc dù chúng có vẻ giống như những vùng chưa phát triển trên đầu của bé, thóp trẻ sơ sinh thực sự là một phần quan trọng trong sự phát triển bình thường của trẻ. Bởi lẽ, thóp trẻ sơ sinh có hai vai trò quan trọng đối với con bạn:

  • Trong quá trình sinh nở: Bằng cách để lại không gian cho xương hộp sọ di chuyển trong quá trình sinh nở, các thóp cho phép đầu của bé lọt qua phần phụ chật hẹp của mẹ mà không gây ra những biến dạng hay tổn thương trong não của bé.
  • Tạo điều kiện tăng trưởng: Đầu của trẻ sơ sinh phát triển nhanh hơn trong hai năm đầu tiên so với bất kỳ thời điểm nào khác trong đời. Khoảng trống giữa các xương sọ tạo ra không gian cần thiết cho sự mở rộng của não trong giai đoạn phát triển nhanh chóng này.

Hầu hết mọi người đều biết về thóp trẻ sơ sinh lớn trên đỉnh đầu của trẻ, nhưng đây không phải là duy nhất. Trên thực tế, trẻ sơ sinh có hai thóp:

  • Thóp trước: Nằm trên đỉnh đầu, thóp trẻ sơ sinh này có hình thoi, là thóp mà hầu hết mọi người đều biết đến. Nó có kích thước khoảng 1 đến 3cm khi mới sinh, nhưng có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn.
  • Thóp sau: Có kích thích nhỏ hơn thóp trước và nằm ở phía sau hộp sọ của trẻ, có hình tam giác. Nó thường có kích thước nhỏ hơn 1⁄2 cm khi sinh ra.

2. Khi nào thì thóp trẻ sơ sinh sẽ đóng lại?

Các mảnh xương sọ từ lúc sinh ra là rời rạc nhau, liên hệ với nhau qua các đường khớp lỏng lẻo để tạo điều kiện cho não bộ của trẻ sơ sinh phát triển vượt bậc trong những ngày tháng đầu đời. Tuy nhiên, một khi xương phát triển đến mức lấp đầy khoảng trống, thóp trẻ sơ sinh sẽ được coi là đóng lại.

Các thóp trẻ sơ sinh sẽ đóng theo thứ tự sau:

  • Thóp sau: Từ 1 đến 2 tháng
  • Thóp trước: Từ 9 đến 18 tháng

Các thời điểm trên là phạm vi thời gian đóng thóp trung bình. Tuy nhiên, thóp trẻ sơ sinh có thể đóng sớm hơn hoặc muộn hơn vẫn được xem là bình thường.

3. Cách thăm khám thóp trẻ sơ sinh an toàn

Mặc dù việc chăm sóc thóp trẻ sơ sinh không quá phức tạp, cha mẹ cần biết cách khám thóp trẻ sơ sinh cơ bản để nhận ra điều gì là bình thường và biết những gì cần theo dõi.

Thóp trẻ sơ sinh phải luôn trông phẳng so với đầu của trẻ. Điều này có nghĩa là thóp trẻ sơ sinh không có dấu hiệu sưng, phồng lên hoặc lõm xuống so với hộp sọ.

Khi khám thóp trẻ sơ sinh hãy thực hiện bằng cách nhẹ nhàng lướt các ngón tay trên đỉnh đầu của trẻ, điểm mềm tại thóp trước sẽ có cảm giác mềm và phẳng với một đường cong nhẹ hướng xuống.

Thóp trước có thể nhô hoặc phồng lên nếu trẻ quấy khóc, nôn mửa hoặc khi đặt trẻ ở tư thế nằm xuống. Tuy nhiên, thóp sẽ phẳng lại như trước nếu em bé được bồng đứng thẳng và bình tĩnh, thoải mái. Đây là hiện tượng bình thường nên cha mẹ không nên quá lo lắng.

Bên cạnh đó, nếu cha mẹ quan sát trong lúc khám thóp trẻ sơ sinh nhận thấy rằng, thóp dường như đang đập theo nhịp tim của bé thì điều này cũng hoàn toàn bình thường.

Mặc dù điểm mềm trong thóp trước là khoảng trống giữa các xương sọ thì một lớp màng cứng chắc chắn ở phần hở sẽ bảo vệ mô mềm và não bên trong. Vì vậy, cùng với việc thực hiện khám thóp trẻ sơ sinh an toàn tại nhà, cha mẹ cũng có thể:

  • Chạm vào đầu của con, ngay cả trên phần mềm thóp
  • Gội đầu và làm sạch da đầu
  • Dùng lược trẻ em hoặc lược chải tóc
  • Đeo một chiếc băng đô dễ thương cho bé gái

4. Khi khám thóp trẻ sơ sinh cần lưu ý các dấu hiệu bất thường nào?

Thóp trẻ sơ sinh có thể cung cấp những dấu hiệu về sức khỏe của trẻ. Dưới đây là những điều cần quan tâm khi khám thóp trẻ sơ sinh:

4.1.Thóp lõm xuống

Thóp lõm xuống, hơi cong vào trong là điều bình thường. Tuy nhiên, thóp lõm xuống đầu của trẻ kéo dài có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước, xảy ra khi trẻ không uống đủ chất lỏng hoặc mất nhiều chất lỏng hơn so với cơ thể đang hấp thụ.

Trẻ có thể bị mất nước nếu:

  • Gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa, kể cả bú sữa mẹ hay bú bình với sữa công thức
  • Bị tiêu chảy, nôn mửa hoặc sốt
  • Đặt trẻ trong môi trường nóng và nhiệt độ tăng cao.

Bên cạnh đó, những triệu chứng về tình trạng mất nước khác ở trẻ sơ sinh cần lưu ý là trẻ không có đủ nước tiểu như bình thường, lừ đừ, cáu gắt, khô miệng và quấy khóc nhưng không ra nước mắt.

Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước và bạn quan sát thấy thóp của trẻ bị lõm xuống thì hãy đưa con đến thăm khám với bác sĩ nhi khoa ngay lập tức. Tình trạng mất nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được coi là một tình trạng cấp cứu y tế và cần phải được can thiệp kịp thời, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến huyết động và tính mạng sau đó.

4.2.Thóp phồng

Theo sinh lý tự nhiên, các hành động làm tăng áp suất bên trong hộp sọ của trẻ trong thời gian ngắn như khi trẻ quấy khóc hoặc nôn trớ, khiến thóp của trẻ phồng hơn là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu thóp của em bé tiếp tục phồng lên khi ngừng khóc hoặc cả khi em bé đang nghỉ ngơi, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề bất thường.

Thóp phồng có thể có nghĩa là có tăng áp lực nội sọ với nguyên nhân là do tích tụ chất lỏng hoặc phản ứng viêm gây phù nề trong não. Đây là dấu hiệu báo động cho các bệnh lý nguy hiểm có thể ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương và cần được điều trị ngay lập tức. Nếu nhận thấy chỗ mềm của bé có cảm giác cứng hoặc phồng lên, hãy gọi cho bác sĩ nhi khoa.

4.3.Thóp rất lớn

Vùng thóp trước lớn bất thường hoặc không đóng lại trong khung thời gian dự kiến có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như suy giáp, hội chứng Down hoặc thiếu vitamin D sơ sinh gây còi xương, suy dinh dưỡng.

Nếu bạn lo lắng rằng, phần mềm của bé vẫn chưa đóng lại hay thóp trước đóng muộn sau khoảng 1 tuổi, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa của trẻ. Lúc này, bác sĩ sẽ theo dõi bằng cách khám thóp trẻ sơ sinh trong mỗi lần kiểm tra sức khỏe từ khi sinh cho đến khi quá trình đóng thóp xảy ra hoàn toàn.

4.4.Thóp đóng quá sớm

Mặc dù rất hiếm gặp, một số trẻ có thể mắc phải trường hợp thóp đóng quá sớm. Đôi khi, cha mẹ không thể dễ dàng cảm nhận được các điểm mềm trên sọ của trẻ và dường như đã đóng lại hoàn toàn. Hệ quả là cả sự phát triển của não bộ và hình dạng của đầu em bé đều có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.

Nguyên nhân gây thóp đóng quá sớm được cho là do áp lực tích tụ bên trong hộp sọ của trẻ. Dù vậy, phần lớn các trường hợp thóp đóng sớm là mức độ nhẹ và có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phẫu thuật có thể được yêu cầu để giảm áp lực nội sọ và cho phép não của trẻ phát triển bình thường.

Tóm lại, khám thóp trẻ sơ sinh an toàn là một bước cần kiểm tra ngay sau khi sinh, khi trẻ ra viện và những lần thăm khám định kỳ sau đó. Mặc dù, không có gì đặc biệt cần làm để chăm sóc thóp, nhưng cha mẹ vẫn nên trang bị cho bản thân về kiến thức cách khám thóp trẻ sơ sinh để hiểu được lý do tại sao các thóp có các dấu hiệu bất thường. Nếu lo lắng hoặc cảm nhận bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào về thóp của trẻ, hãy báo với bác sĩ nhi khoa, vì đây có thể là một triệu chứng bệnh lý để trẻ được thăm khám, xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe